Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Công thức làm su kem chuẩn chỉnh khắc phục các lỗi thường gặp

Bắt bệnh các lỗi thường gặp khi làm su kem và cách khắc phục

Làm bánh su kem xong được bơm su ăn ngon nhất sẽ là lúc lạnh và để được 1-3 ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ có vỏ không, các bạn có thể cho vào túi kín, cho vào ngăn đá thì sẽ bảo quản được lên tận 1 tháng, khi nào ăn thì giã đông. Thứ dễ hỏng ở trong su kem là phần nhân thôi.

Dưới đây là công thức cách làm bánh su kem ngon chuẩn bất bại, cùng bắt bệnh các lỗi thường gặp khi làm su kem và cách khắc phục cho những ai đã từng fail chiếc bánh này nha!


1, Vỏ bánh su kem - công thức làm vỏ su kem, các lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm vỏ su kem

Vỏ bánh su kem đạt yêu cầu là vỏ phải vàng, cứng ngoài, rỗng trong, không bị dính vào giấy nến. Công thức làm vỏ su kem dưới đây sẽ giúp các bạn làm được chiếc su kem đạt chuẩn nhé.

a, Nguyên liệu làm vỏ bánh su kem

- 240ml nước
- 100g bơ
- 1 chút muối
- 125g bột mỳ
- 4 trứng (mỗi quả tầm 50 - 60 gram)

b, Cách làm vỏ bánh su kem

Bước 1: Thả bơ + muối  vào nước đun sôi cho tan ra.

Bước 2: Khi đã sôi, tắt bếp, rây bột từ từ vào hỗn hợp và khuấy đều lên trong khoảng 1-2 phút.

Bước 3: Cho đến khi cục bột không dính vào thành và đáy nồi, có thể vo lại thành 1 khối được. Tránh khuấy quá nhiều đẫn đến chai hỗn hợp và vỏ không nở được.

Bước 4: Nhấc nồi ra khỏi bếp, để khoảng 5′ cho nguội bớt. Cho TỪNG quả trứng khuấy đều. Nhớ phải để nguội hỗn hợp không thì trứng sẽ bị chín mất.

Bước 5: Ban đầu khi đánh với trứng, hỗn hợp sẽ tơi ra, nhưng càng đánh, hỗn hợp sẽ càng mịn và “nặng dần”. Đây là lý do làm bánh su kem rất thể lực vì hỗn hợp sẽ càng ngày càng khó đánh hơn.

Bước 6: Cho hỗn hợp vào túi, dùng đui đầu tròn để bắt bánh.

Bước 7: Làm nóng lò trước 15' ở nhiệt 220 độ, cho bánh vào nướng 25 - 30’.

c, Các lỗi thường gặp khi làm vỏ su kem và cách khắc phục

Các lỗi cơ bản của vỏ bánh su kem thường do hiểu nhầm cơ chế làm phồng của bánh. Các bạn nên hiểu là cơ chế làm phồng của su kem không như những bánh khác, vỏ su kem làm phồng nhờ hơi nước và trứng + bơ chứ không phải bột nở. Vậy nên thường gặp vài lỗi như
  • Vỏ không nở được. Đôi khi sẽ thấy có rất nhiều bơ chảy ra ngoài và vỏ xẹp lép 
-> Trong công thức vỏ có quá ít nước -> ít hơi nước -> vỏ sẽ bị xẹp lép.
-> Hơi nước làm bánh nở không chỉ lấy từ phần nước có trong công thức mà còn từ bơ và trứng. Cho nên nếu bơ không được đun đến sôi, trứng không được đánh đến khi hòa quyện với bột thì rất có thể khi nướng một phần hơi nước sẽ thoát ra ngoài, làm cho bánh không nở được.
  • Vỏ xẹp sau khi lấy ra khỏi lò. Ruột bánh đặc, ướt hoặc bết. Đôi khi bánh không xẹp nhưng đáy bánh bị lõm.
-> Ngược lại nếu có quá nhiều nước, vỏ ban đầu sẽ phồng lên trong rất đẹp nhưng về sau, phần dưới sẽ không đủ cứng để đỡ nên sẽ lại xẹp.
-> Nếu có quá nhiều nước, phần ruột bánh sẽ rất ẩm và có thể sẽ không kịp khô trong khi vỏ bánh đã chín vàng và cứng lại. Kết quả là khi lấy ra khỏi lò, phần ruột sẽ khiến vỏ bị “sập” vào trong.
  • Vỏ bánh không thành hình
-> Tuân thủ công thức đủ nước, trứng và bơ như đã giải thích ở trên.
-> ĐẶC BIỆT phải PRE HEAT LÒ MỨC hơn 200 độ (210, 220 độ) trước khi cho vỏ vào, nó giống như việc làm nóng mỡ trước khi rán ấy, không là vỏ bánh không “phồng bền vững” được đâu.

2, Nhân bánh su kem - công thức làm nhân bánh su kem, các lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm nhân su kem

Nhân su kem mềm mịn, dẻo quánh và có màu vàng đẹp, không bị vón, ngậy, ngọt mát, không được ám mùi sữa hay bột. Để đạt những yêu cầu đó các bạn theo dõi công thức làm nhân bánh su kem dưới đây nhé:

a, Nguyên liệu làm nhân bánh su kem

- 4 lòng đỏ trứng (mỗi quả tầm 50 -60gr)
- 75 gram đường (80 cho bạn nào thích ngọt)
- 35 gram tinh bột ngô (có thể thay thế bằng bột mì thường)
- 400ml sữa tươi
- 10 gram bơ
- Một nhúm muối

b, Cách làm nhân bánh su kem

Bước 1: Đánh lòng đỏ trứng đến khi lòng đỏ bông đặc, chuyển sang vàng nhạt, nhấc que lên thấy hỗn hợp chảy thành dòng không bị ngắt quãng. Đánh bằng máy sẽ mất 1-2 phút và đều hơn. Nếu không bạn có thể đánh bằng tay nhưng sẽ mỏi và lâu hơn (4-5 phút).
Bước 2: Rây bột vào âu hỗn hợp ở bước 1 để hỗn hợp không bị vón cục. Khuấy nhẹ thôi như thế bột với hỗn hợp mới tan được vào với nhau.
Bước 3: Đun sữa GẦN sôi (không phải sôi nhé) rồi bắt đầu đổ từ từ, TỪNG ÍT MỘT vào hỗn hợp ở bước 1. Tay còn lại quấy đều hỗn hợp lên. Hành động này giúp cho nhiệt của sữa không làm chín trứng mất đi độ ngậy của nhân.
Bước 4: Bắc hỗn hợp lên bếp, đun nhỏ lửa, tay bắt đầu quấy đều (nhớ vét cả đáy). Dần dần, các bạn sẽ thấy có những cục gợn (đó là nhân bắt đầu đặc lại với nhau) tiếp túc quấy tầm 45 giây sau khi sôi thì nhấc ra, tiếp tục quấy. Cho ít bơ và muối vào cho thơm trộn đều.

c, Các lỗi thường gặp khi làm nhân su kem và cách khắc phục

  • Nhân có vị bột sau khi nấu xong
  • Nhân còn mùi trứng sau khi nấu xong
-> Do nhân chưa chín. Cách khắc phục khá đơn giản. Các bạn đổ thêm một chút sữa rồi bắc lên lò đun tiếp rồi lại nhấc ra.
  • Nhân quá đặc hoặc quá loãng
-> Nếu quá đặc thì các bạn có thể làm loãng ra bằng cách đổ thêm chút sữa, nếu quá loãng thì đặt tiếp lên lò để đun bớt hơi nước đi, hỗn hợp sẽ đặc lại.
  • Nhân không “ngậy” mùi trứng
-> Đây là trường hợp tệ nhất vì nhân vẫn ăn được nhưng sẽ không ngon. Lý do việc không ngậy nữa là do các bạn đã đun quá lửa và quá lâu khiến nhân bị “chín”. Thế nên, lời khuyên ở đây dành cho bạn là, đừng đun lâu quá. Nếu sợ thì cứ đun 30 giây, nhấc ra để quấy, nếu chưa được do quá loãng thì lại bắc lên. Chứ chín quá thì không sửa được đâu.


Chúc các bạn thành công với công thức làm bánh su kem ngon chuẩn bất bại và khắc phục được các lỗi đã gặp phải khi làm su kem nha! Đừng quên Bếp Bánh còn rất nhiều mẹo hay làm bánh, hay tìm bất cứ khi nào chiếc bánh nhỏ xinh của bạn gặp vấn đề gì nha!

Ảnh: What cook to day
 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design