Hiển thị các bài đăng có nhãn meo-hay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn meo-hay. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

Đơn vị đo lường cần lưu ý trong công thức làm bánh

Bảng quy đổi các đơn vị quốc tế

trong công thức làm bánh

Một số chị có thắc mắc rằng 1cup thì bằng bao nhiêu gram? hay 1tsp là bao nhiêu? tsp là gì và tbsp là gì?  nên Bếp Bánh làm luôn bảng đo lường các đơn vị này, hy vọng giúp các chị làm bánh được thuận tiện hơn ạ!

bang-quy-doi-don-vi-do-luong-trong-cong-thuc-lam-banh

don-vi-do-luong-can-luu-y-trong-cong-thuc-lam-banh-1

don-vi-do-luong-can-luu-y-trong-cong-thuc-lam-banh-2

1. Thìa đong: Dùng để đong các nguyên liệu khô hay lỏng với lượng nhỏ

  • Tablespoon (tbsp): thìa canh
  • Teaspoon (tsp) : thìa cafe

Khi đong nguyên liệu khô, các bạn đong đầy miệng thìa rồi gạt ngọn. Khi đong chất lỏng, các bạn cũng đong đầy đến miệng thìa.

don-vi-do-luong-can-luu-y-trong-cong-thuc-lam-banh-3

2. Cốc đong (cup): Dùng để đong các nguyên liệu khô hay lỏng với lượng lớn hơn

Các bạn nhớ đong nguyên liệu đến đúng vạch cần đong mà mắt bạn nhìn thấy.


don-vi-do-luong-can-luu-y-trong-cong-thuc-lam-banh-4

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Sơ lược cơ bản về các loại bánh bông lan

Bánh bông lan bánh gato là loại bánh quá phổ biến và được nhiều người yêu thích, không chỉ vì miếng bánh vàng ruộm, xốp mềm và thơm lừng khi đưa vào miệng. Mà bánh bông lan còn được sử dụng rất nhiều trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, cưới hỏi... Thế nên dù cũng tương đối trầy trật mới làm được mẻ bánh thành công nhưng ai cũng muốn làm qua và thử sức, đặc biệt là các bạn mới học làm bánh!

Sơ lược cơ bản về các loại bánh bông lan 1

Công thức làm bánh bông lan, cốt bánh gato gồm ba thành phần chính là trứng + bột + đường. Trong các công thức làm bánh bông lan, chất lỏng thường là: bơ chảy - dầu ăn – sữa – nước – nước hoa quả (nước cam, nước lá dứa, ...) được thêm vào để tạo độ ẩm cho bánh và để tạo mùi.
VD: như cho nước cam thì ta có bánh bông lan cam, cho nước lá dứa thì có bánh bông lan lá dứa, cho café thì chúng ta sẽ có moka cake… 

Qua thời gian bánh bông lan được sáng tạo thành rất nhiều loại khác nhau với rất nhiều công thức và cách làm cũng khác nhau. Cơ bản gồm các loại dưới đây:

1. Bánh bông lan cơ bản - Sponge Cake

Sponge Cake là loại bánh bông lan mà thành phần nguyên liệu chỉ gồm 3 loại cơ bản là trứng + đường + bột và thêm một chút chất lỏng như bơ chảy hay sữa để tạo mùi thơm và làm cho bánh mềm hơn. Bánh có đặc điểm hơi khô nên khi sử dụng làm bánh kem thường người ta phải cắt bánh làm hai hay nhiều lớp rồi tẩm thêm rượu rum pha với nước đường để tạo độ ẩm cho bánh.

Cách làm bánh bông lan cơ bản Sponge Cake thường là đánh cả quả trứng lên cho thật bông với đường rồi sau đó trộn bột vào từ từ và nhẹ tay, cuối cùng cho chất lỏng vào trộn đều là xong. Độ bông xốp của bánh thường được tạo từ việc đánh bông trứng nên bột nổi có khi không cần sử dụng hay chỉ cho thêm vào rất ít. Loại bánh này có thể sử dụng cả 4 kiểu đánh trứng.

Công thức làm bánh bông lan Sponge Cake cơ bản: 1 trứng large + 30gr bột + 30gr đường + 10ml chất lỏng. Khuôn làm bánh thường được bôi bơ rắc bột hay lót giấy để chống dính cho bánh. Nhiệt độ nướng bánh Sponge Cake thường từ 160C-180C (320F-350F)

2. Bánh bông lan xốp mềm - Chiffon Cake

So với bánh bông lan Sponge Cake thì Chiffon Cake có thành phần bột ít hơn nhưng lượng chất lỏng lại nhiều hơn, do đó bánh có độ ẩm mềm và nhẹ hơn. Chiffon Cake có thể kết hợp với nhiều mùi vị khác nhau và được ăn không mà không cần trét kem.

Sơ lược cơ bản về các loại bánh bông lan 2
Bánh bông là trà sữa trân châu đường đen sử dụng cốt bánh chiffon cho bánh mềm rất hợp vị trà

Cách làm Chiffon Cake do lượng bột ít và chất lỏng nhiều nên thường bột nổi hay được sử dụng trong các công thức, thêm cream of tartar để ổn định lòng trắng (có thể thay bằng chút muối và nước cốt chanh).

Để làm bánh bông lan Chiffon Cake phải tách riêng lòng trắng lòng đỏ. Lòng đỏ không cần đánh bông mà chỉ cần dùng phới khuấy cho tan đều với 1/2 lượng đường + các loại chất lỏng + bột + bột nổi. Phần lòng trắng được đánh riêng với bột tartar và 1/2 lượng đường còn lại cho đến khi bóng mịn đàn hồi.
Lấy 1/3 lượng lòng trắng đánh bông trộn mạnh tay vào hỗn hợp lòng đỏ cho hỗn hợp lỏng bớt ra rồi sau đó trộn tiếp nhẹ tay bằng cây trộn bột phần lòng trắng còn lại vào cho hỗn hợp sau cùng được mịn đều và bông nhẹ.

Công thức làm bánh bông lan Chiffon Cake cơ bản: 1 trứng large + 20gr bột + 20gr đường xay + 35ml chất lỏng + 1/4 tsp bột nổi + 1/8 tsp cream of tartar.

Khuôn làm bánh bông lan xốp mềm Chiffon Cake là khuôn cao có lõi ở giữa để giúp bánh nở cao và chín đều, không được bôi trét gì cả để bánh leo cao và bám dính vào thành khuôn. Nhiệt độ nướng thường thấp hơn bông lan cơ bản Sponge Cake một chút, khoảng từ 150C-160C (300F-320F) và sau khi nướng thường phải úp cả khuôn và bánh xuống để cho bánh không bị xẹp.

3. Bánh bông lan bơ - Butter Cake

Bánh bông lan bơ - Butter Cake là loại bánh nặng và nhiều chất nhất so với Sponge hay là Chiffon vì lượng bột, đường và bơ thường được sử dụng nhiều. Ở Việt Nam mọi người hay gọi là bánh cake và sử dụng để ăn không, do đó bánh thường được thêm các loại hạt hay hoa quả khô - tươi vào để tạo sự đa dạng.

Cách làm bánh bông lan bơ Butter cake sẽ đánh bơ mềm với đường cho bông, sau đó cho lần lượt từng quả trứng vào đánh tan rồi sau cùng cho bột + bột nổi xen kẽ với chất lỏng vào trộn cùng.

Công thức làm bánh bông lan bơ butter cake cơ bản: 1 trứng large + 55gr bột + 50gr đường + 55gr bơ mềm + 20ml chất lỏng + 1/4 tsp bột nổi. Khuôn làm bánh bông lan bơ butter cake là khuôn loaf, bunt và phải bôi bơ rắc bột hoặc lót giấy để chống dính. Ngoài ra cũng hay được nướng trong các khuôn tròn nhỏ để làm các loại cup cake. Nhiệt độ nướng thường là 180C (350F).

PHÂN BIỆT POUND CAKE vs BUTTER CAKE

Pound cake và Butter cake đều là những loại bánh phổ biến ở Mỹ. Thật sự thì Butter cake là loại bánh được phát triển từ Pound cake, có lẽ vì thế mà chúng có khá nhiều điểm chung. Ví dụ như cả 2 loại bánh đều có vị béo ngậy và kết cấu mềm, ẩm. Tuy vậy Butter cake có vị thơm ngậy, thêm vào đó là bề mặt của bánh sáng và mịn. Trong khi đó, Pound cake lại đậm hương vị của bơ nên ngậy hơn cũng như nặng hơn Butter cake rất nhiều.

phan-biet-Pound-cake-Butter-cake

Cách làm bánh bông lan bơ butter cake không dùng bột nở

Butter cake thực ra là một loại bánh tương đối dễ, hầu như bánh không bao giờ hỏng hay xẹp lõm như các loại gato khác.Tuy nhiên để bánh xốp mềm nhưng vẫn nặng, ẩm thì không hề dễ. Vì nếu xốp thì hay bị khô, nếu ẩm thì hay bị bết. Dưới đây là 2 cách làm butter cake không dùng bột nở và cho ra 2 thành phẩm khác nhau, một loại xốp mềm ẩm, và 1 loại xốp đặc ẩm nhé các cậu ;).

Sơ lược cơ bản về các loại bánh bông lan 3

Công thức làm butter cake không dùng bột nở

  •  200g bột mì
  •  4 trứng gà
  •  160g bơ
  •  100g sữa chua (hoặc 60g sữa chua + 40g nước cam tươi, hoặc 60g sữa chua + 80g sữa đặc)
  •  100-120g đường xay tùy khẩu vị, (nếu dùng sữa đặc thì dùng 70-80g đường)
  •  1 tsp vani extract
  •  1 chút muối

Cách làm butter cake không dùng bột nở - Cách 1 bánh sẽ xốp đặc ẩm

Bước 1: Bật lò 170-180 độ

Bước 2: Bơ để nhiệt độ phòng cho mềm + cho đường 40g đường xay (hoặc 80g sữa đặc nếu công thức dùng sữa đặc) + chút muối vào đánh bằng máy đánh trứng tốc độ cao cho đến khi bơ bông xốp và nhạt màu

Bước 3: Cho từng quả trứng vào đánh đến khi hỗn hợp hòa quyện rồi cho sữa chua (với nước cam, sữa đặc) và vani vào trộn đều

Bước 4: Rây 1/3 bột vào hỗn hợp bơ trộn bằng phới lồng hoặc trộn bằng máy tốc độ thấp, cho tiếp 1/2 hỗn hợp sữa trộn đều, rồi lại rây tiếp 1/3 bột, cứ thế cho đến hết

Bước 5: Đổ hỗn hợp vào khuôn đã chống dính, bóp 1 đường bơ giữa bánh để bánh nứt đẹp, nướng rãnh giữa, 170-180 độ trong vòng 50-60' (nên lấy miếng nhôm che thanh nhiệt trên cho bánh không bị cháy mặt và nở tốt)

Cách làm butter cake không dùng bột nở - Cách 2 bánh sẽ xốp mềm ẩm nở cao hơn

Bước 1: Bật lò 170-180 độ

Bước 2: Bơ cho vào lò vi sóng quay chảy, để nguội trộn đều với sữa chua, sữa tươi (nước cam), vani

Bước 3: Tách riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng

Bước 4: Đánh bông lòng đỏ trứng với 40g đường xay (hoặc 80g sữa đặc nếu công thức dùng sữa đặc), dùng phới lồng trộn nhẹ tay với hỗn hợp bơ chảy, rây 1/2 bột vào trộn đều

Bước 5: Đánh bông lòng trắng trứng với 1 chút muối và chỗ đường xay còn lại đến khi bông mềm

Bước 6: Trộn 1/3 hỗn hợp lòng trắng trứng vào hỗn hợp lòng đỏ trộn đều, sau đó cho từ từ hỗn hợp lòng đỏ vào hỗn hợp lòng trắng trứng trộn tiếp đền khi hỗn hợp đồng nhất

Bước 7: Rây từ từ chỗ bột còn lại vào hỗn hợp trộn nhẹ tay cho đến khi hết bột.

Bước 8: Đổ hỗn hợp vào khuôn đã chống dính, bóp 1 đường bơ giữa bánh để bánh nứt đẹp, nướng rãnh giữa, 170-180 độ trong vòng 50-60' (nên lấy miếng nhôm che thanh nhiệt trên cho bánh ko bị cháy mặt và nở tốt)

Lưu ý khi làm bánh bông lan bơ butter cake không dùng bột nở:

  • Dùng bơ ngon thì bánh càng ngon (không dùng bơ thực vật)
  • Dùng sữa chua không thì bánh sẽ như butter cake thường, dùng nước cam hay sữa đặc bánh sẽ thơm mùi cam tươi hoặc sữa đặc, dùng nước cam thì có thể thêm chút vỏ cam cho thơm. Cũng có thể thay 1 phần sữa chua bằng nước chanh+ vỏ chanh bào hay nước chanh leo, nhưng nên dùng ít thôi và bánh sẽ có vị hơi chua.
  • Lò bé hoặc khuôn to nên nướng nhiệt thấp hơn và thời gian lâu hơn.
Hy vọng với bài viết trên đây các bạn mới tập làm bánh sẽ biết cách đọc công thức và phân loại các loại bánh bông lan cơ bản.

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Cách làm bánh mì - bắt bệnh các lỗi thường gặp và cách khắc phục

Các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục

Không mới nhưng chẳng bao giờ là cũ và thừa cả, nhưng không phải ai cũng nằm lòng quy trình cách làm bánh mì chuẩn chỉnh từ A-Z, hoặc đôi khi có sơ sót nhở cũng làm hỏng cả mẻ bánh mà mình nhào nặn.

Dưới đây là 10 lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục, rất đơn giản và dễ hiểu cho các bạn mới nè, xem ngay mình mắc lỗi ở đâu nhé!

cach-lam-banh-mi-cac-loi-thuong-gap-va-cach-khac-phuc

1. Cách làm bánh mì - Bánh mì có nở nhưng nở ít vì thế bánh trở nên đặc, cứng và nhỏ

Đây có thể là 1 trong những lý do:
  • Bột quá khô và cứng. Trong lúc nhào bột, có thể bạn đã trót dùng quá nhiều bột áo để chống dính tay và dính mặt bàn, khiến cho khối bột bị khô và chắc, nặng. Điều này làm cho bánh khi nướng không thể nở được mà trở thành một khối gần như y nguyên, cứng và đặc. Bột sau khi nhào xong cần phải còn hơi dính và mềm mượt.
  • Quá nhiều muối. Bạn có biết: muối chính là kẻ thù giết chết men, men chết thì bánh mì không thể nở được.
  • Lượng men dùng không đủ. Bạn cần kiểm tra lại lúc cân đong nguyên liệu mình có làm sai gì không nhé.
khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-1 khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-2 khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-3
  • Nhiệt độ để bột nở không đủ, nói cách khác là nhiệt độ môi trường quá mát, hoặc lạnh, trong khi đối với bánh mì thì cần có nhiệt độ môi trường ấm. Khi môi trường bị mát hoặc lạnh, men sẽ không hoạt động được.
  • Nhiệt độ của lò nướng quá cao, vượt mức phù hợp để nướng bánh.
  • Thời gian để bột nở chưa đủ, còn quá ngắn bạn đã vội đem bột đi tạo hình và nướng, bột khi đó chưa đạt được đến độ nở của nó.
  • Bạn quên mất không nhào bột trước khi tạo hình bánh cuối cùng.
khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-4 khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-5 khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-6

2. Cách làm bánh mì - Bánh mì không nở

Nguyên nhân có thể do:
  • Cho men vào nước quá nóng khiến men bị chết.
  • Cho trực tiếp muối vào lẫn với men, muối cũng sẽ làm cho men bị chết hoặc hạn chế khả năng hoạt động của men rất nhiều.
  • Tỉ lệ bột bị nhiều và thừa so với các nguyên liệu khác, bạn đã dùng quá nhiều bột áo để chống dính trong lúc nhào bột và tạo hình bánh.
khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-7 khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-8 khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-9

3. Cách làm bánh mì - Bánh có vị chua và mùi men còn rõ rệt

  • Bột đã bị nở quá: nở quá nhiều và trong thời gian quá dài. Chúng ta chỉ nên để bột sau khi nhào được nở lên gần gấp đôi là vừa đủ, không nên thấy bột nở tốt quá và chúng ta “hào hứng” để bột nở lên cao nữa, to nữa trông cho “thích mắt”. Bạn cũng đừng nên mải làm việc khác mà quên mất tô bột của mình đang ủ nhé.
khac-phuc-loi-khi-lam-banh-mi-10
  • Thời gian nướng chưa đủ: nếu bạn nướng chưa đủ thời gian, bánh vẫn chưa thoát được hết hơi của men trong đó nên vẫn còn mùi vị chua.
  • Nhiệt độ ủ bột quá cao khiến bột khi ủ đã nở lên quá nhanh. Bạn nên kiểm soát nhiệt độ ủ bánh trong khoảng từ 24 – 29 độ C.
  • Có thể bạn đã đong thừa men.
  • Nhào bột chưa đủ kĩ khiến cho men chưa thể “hoạt động” hết.

4. Cách làm bánh mì - Bánh mì nướng xong có hình thù kì quặc

  • Bạn quên không để bột nghỉ trước khi tạo hình. Sau khi ủ bột và khối bột nở lên gấp đôi, chúng ta lấy bột ra và ép cho khí ra hết. Sau đó để cho bột  nghỉ khoảng 10 phút rồi mới nhào nặn tạo hình cho bánh.
  • Bạn dùng khuôn bánh quá nhỏ so với lượng bột. Khi đó bột lúc nở sẽ không đều, tràn ra bên ngoài, rơi rớt khiến bánh có hình thù kì dị.
  • Xếp nhiều bánh vào trong lò, nhiệt độ lò không đều khiến bánh nở không đều.

5. Cách làm bánh mì - Bánh bị chảy bẹt, không giữ được hình dạng sau khi tạo hình

  • Bột bánh mì quá mềm và nhão, khiến cho bánh không giữ được hình dạng. Bạn cần kiểm tra lại tỷ lệ chất lỏng : chất khô trong công thức của mình, kiểm tra quá trình cân đong. Trường hợp này bạn có thể cho thêm bột từ từ để điều chỉnh sao cho khối bột không bị quá nhão mềm (và chú ý thêm vừa đủ, không để bột bị khô quá).
  • Thay vì tự tạo các  hình dạng khác nhau cho bánh, bạn cho bánh vào khuôn để giúp giữ được hình dạng bánh tốt hơn.

6. Cách làm bánh mì - Vỏ phía trên bị nứt

Bạn đã dùng quá nhiều bột mì để chống dính trong quá trình nhào bột và tạo hình, khiến cho bề mặt bánh bị khô và dễ bị nứt khi nướng.

7. Cách làm bánh mì - Bột bánh quá mềm và xẹp

  • Khi bạn để bột nở lâu quá,  nó sẽ trở nên quá cao và khi đó dễ bị xẹp.
  • Nếu bạn đã cho bánh vào lò nướng mà trong lúc nướng bánh bị xẹp thì đó là do nhiệt độ lò quá thấp. Bột đã nở cao nhưng vì nhiệt độ không đủ để giữ cho bột chín và cứng lại để giữ nguyên hình dạng, vì vậy nó bị xẹp.

8. Cách làm bánh mì - Mặt trên bánh bị nhăn, không mịn mượt

Do bạn tạo hình chưa tốt nên bề mặt bột chưa mịn. Vì thế hãy đảm bảo là bạn nhào khối bột thật mịn rồi mới nặn nó thành hình bạn muốn làm.

9. Cách làm bánh mì - Vỏ bánh quá dày và cứng

  • Bột quá khô sau khi nhào xong.
  • Bánh trong lúc nở lần 2 đã bị khô do không khí quá khô, vì thế khi ủ cho bánh nở (để cho vào lò nướng), bạn nên dùng một chiếc khăn phủ lên bề mặt bánh, hoặc quét một lớp dầu ăn mỏng để chống bề mặt bánh quá khô, đặc biệt là khi không khí có độ ẩm thấp.
  • Không để bánh nở quá lâu.
  • Nhiệt độ lò thấp, khiến thời gian nướng bánh lâu, làm cho vỏ bánh bị khô cứng và dày.

10. Cách làm bánh mì - Màu vỏ bánh nhợt nhạt

  • Vỏ bánh nói chung có màu đẹp là nhờ vào lượng đường trong bánh. Nếu bạn dùng quá ít đường, bánh sẽ bị nhạt màu dù thời gian nướng đã đủ.
  • Nhiệt độ để ủ bột quá cao, khiến men đã “ăn” hết đường, nên bánh nướng xong sẽ bị nhạt màu.
  • Nhiệt độ lò thấp không đủ để chuyển màu vỏ bánh.
10-loi-thuong-gap-khi-lam-banh-mi-va-cach-khac-phuc
Infographic các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục

Ghép luôn cho các bạn 1 ảnh Infographic các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục để tiện lưu và xem lại khi cần. Chúc các bạn luôn thành công khi làm bánh mì và thử thêm nhiều công thức làm bánh mì từ Bếp Bánh dưới đây nhé!

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Cách sử dụng đường ăn kiêng trong làm bánh và nguyên tắc khi làm bánh cho người tiểu đường

Dưới đây là một vài nguyên tắc cơ bản nhất khi làm bánh cho người tiểu đường và người ăn kiêng nói chung, các bạn chú ý luôn luôn áp dụng những nguyên tắc này để làm các món bánh mình yêu thích và đảm bảo sức khỏe nhé ạ!

Cách sử dụng đường ăn kiêng trong làm bánh và nguyên tắc khi làm bánh cho người tiểu đường

1, Sử dụng đường ăn kiêng

Để thay thế loại đường thông thường, người ta đã sản xuất ra đường Isomalt – đường dành cho người ăn kiêng. Đây là loại đường được chế biến từ các loại rau củ có vị ngọt không phải là loại đường hóa học như củ cải đường, vì vậy nó là một chất tạo ngọt rất an toàn cho người bị bệnh. Hiện nay bạn có thể dễ dàng mua đường Isomalt trong các siêu thị trên toàn quốc. Khi làm bánh cho người bị tiểu đường , bạn phải dùng loại đường này bởi độ ngọt của nó rất thấp nhưng vẫn giữ hương vị bánh thơm ngon

2, Gia tăng độ ngọt tự nhiên từ các loại hoa quả

Ngoài ra bạn nên lựa chọn các loại hoa quả tươi và khô có sẵn vị ngọt tự nhiên để đưa vào các công thức làm bánh nhằm không những tạo thêm vị ngọt mà còn thêm nhiều hương vị hấp dẫn khác. Các loại quả thường được dùng để làm bánh dành cho người ăn kiêng như táo, chuối, lê, nho khô, mơ khô, cranberry. Những hoa quả này  không chỉ tạo thêm vị ngọt mà còn bổ sung rất nhiều chất xơ tự nhiên rất tốt đối với người tiểu đường. Đặc biệt có một chất tạo ngọt tự nhiên rất tốt nữa đó là mật ong.

3, Không sử dụng bột mì trắng

Đối với tinh bột, bạn không nên sử dụng bột mì trắng thông thường mà nên thay thế chúng bằng bột mì nguyên cám, bột lúa mì đen, bột hạnh nhân, yến mạch, bột đậu nành. Bạn có thể thay thế 100% bột mì trắng bằng các loại bột trên hoặc đến 50%.

Bên cạnh đó bạn cũng nên thêm các loại hạt ngũ cốc rất giàu dinh dưỡng và hương vị vào bánh như hạt dẻ cười, hạnh nhân, hạt óc chó, hạt macadamia, hạt điều, hạt hướng dương,  hạt bí,… vào ăn kèm.

4, Cắt giảm tối đa chất béo

Với những loại chất béo thường được sử dụng trong làm bánh như bơ, bạn cũng nên cắt giảm xuống. Khi cắt giảm bánh sẽ không được xốp mềm hay giòn như thông thường. Bạn cũng có thể thay thế bơ bằng các loại dầu ăn tốt hơn cho sức khỏe như dầu dầu hướng dương, ô liu, dầu hạt cải, dầu nho.

4 nguyên tắc này cũng phù hợp với những bạn muốn giảm cân, hay đang thực hiện chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe. Lưu lại và áp dụng để có thể thưởng thức món bánh yêu thích mà vẫn giữ được eo thon dáng chuẩn nha ;).

 Các loại bánh này áp dụng các phương pháp (thay bột mì bằng bột hạnh nhân 100% hoặc một phần, thêm hoa quả tươi và khô cùng các loại hạt), ngoài ra bạn đừng quên thay thế bằng đường ăn kiêng isomalt hoặc dùng mật ong nhé.

Mẹo nhỏ để bạn làm bánh thơm ngon cho người ăn kiêng nữa đó là bạn nên dùng thêm vanilla nước vào công thức giúp bánh thơm ngon và giòn xốp hơn nha.

4 nguyên tắc này cũng phù hợp với những bạn muốn giảm cân, hay đang thực hiện chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe. Lưu lại và áp dụng để có thể thưởng thức món bánh yêu thích mà vẫn giữ được eo thon dáng chuẩn nha ;). 

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Quy trình cách làm bánh mì chuẩn chỉnh từ A-Z

Quy trình cách làm bánh mì chuẩn chỉnh từ A-Z

Cách làm bánh mì không khó. Nhưng để làm ra được những chiếc bánh mì đảm bảo cả về mùi vị, độ giòn, độ dày của vỏ, độ mềm dẻo, dai của ruột... thì thực sự khó. Rất cần sự cẩn thận, kĩ lưỡng.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-1

1. Cách làm bánh mì - Quy trình gồm 10 bước cơ bản

Dưới đây là các bước để làm bánh mì nói chung, từ cân đo nguyên liệu cho tới bảo quản. Tất cả các nguyên liệu đều cần được cân chính xác. Nhưng đặc biệt lưu ý với các nguyên liệu dạng “gia vị” (spices) vì chúng thường được dùng với một lượng rất nhỏ. Lưu ý hơn nữa là muối, vì muối có ảnh hưởng đến quá trình lên men.
  1. Cân các nguyên liệu khô và ướt. Tùy theo từng loại bánh mì khác nhau mà thành phần và tỷ lệ sẽ khác.
  2. Trộn các loại nguyên liệu với nhau thành 1 khối.
  3. Nhào bột. Khâu này rất quan trọng nếu muốn bánh thật bông và mềm
  4. Lên men. Để cho bánh mì có được độ bông xốp, cần cho nó lên men.
  5. Ép khí. Khi bột lên men, khí CO2 sẽ sinh ra, cần được ép hết đi.
  6. Chia bột thành các phần thích hợp. Nhưng phần này sẽ tương đương 1 chiếc bánh. Nặn tròn bột rồi cho nghỉ 1 lát
  7. Tạo hình. Nặn bột thành những hình dáng tùy theo ý thích và công thức.
  8. Cho bánh nở. Sau quá trình này bánh sẽ nở to gần bằng kích thước sản phẩm.
  9. Rạch bánh để khi nướng bánh nở thêm. Cho bánh vào lò và nướng ở nhiệt độ thích hợp
  10. Bánh mới ra lò là ăn ngon nhất, không nên để bánh quá 2 ngày nếu không có biện pháp bảo quản đặc biệt.

2. Cách làm bánh mì - Nhào bột: một trong những khâu quan trọng nhất

Công đoạn nhào trộn trong các công thức làm bánh mì là để thực hiện 3 mục đích:
– Kết hợp tất cả các loại nguyên liệu lại để thành một khối bột đồng nhất.
– Phân phối men đều trên toàn bộ khối bột.
– Tạo điều kiện cho gluten phát triển.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-2

Có 3 phương pháp cơ bản dùng để nhào bột khi thực hiện cách làm bánh mì

2.1, Bánh mì nguyên:

– Làm mềm men với 1 ít nước:
+ Với men tươi (fresh yeast): lượng nước gấp 2 lượng men. Nhiệt độ nước lý tưởng là 38 độ C.
+ Với men khô (active dry yeast): lượng nước gấp 4 lần lượng men. Nhiệt độ nước lý tưởng là 43 độ C.
– Cho tất cả các nguyên liệu còn lại vào một bát trộn lớn, thêm men hòa nước, tránh không cho men tiếp xúc trực tiếp với muối ngay (vì thế, khi làm, L thường để muối riêng và trộn sau cùng sau khi đã hòa men nhuyễn vào bột).
– Nhào thành một khối bột đồng nhất.

2.2, Bánh mì ngọt:

– Làm mềm men (giống phương pháp trên).
– Kết hợp chất béo, đường, muối, sữa, hương liệu, trộn đều.
– Cho trứng vào từ từ.
– Cho chất lỏng và trộn nhanh tay.
– Cho bột khô và men. Trộn thành khối bột đồng nhất. 

2.3, Bánh sponge:

– Kết hợp chất lỏng, men với 1 phần bột (đôi khi có thêm 1 phần đường), trộn thành một khối bột mềm và để cho khối bột này nở lên gấp đôi.
– Ép khí ra khỏi khối bột đã nở, cho phần bột còn lại và các nguyên liệu khác vào, nhào thành khối bột đồng nhất.

3, Cách làm bánh mì - Các công đoạn khác

Thường thì các bạn sẽ thấy trong các công thức làm bánh mì có khá nhiều bước, để bột nghỉ hay đấm bột các thứ, hay là xịt nước khi nướng bánh mì... Tại sao lại có những công đoạn này? chúng có tác dụng gì? Dưới đây Bếp sẽ lý giải cho rõ nhé

3.1, Thời gian nhào bột và tốc độ nhào bột

Bột nhào chưa đủ hoặc nhào kĩ quá đều giảm khả năng nở của bột.

Với những nhà có máy nhào bột bánh mì thì đây không phải vấn đề phức tạp. Máy nhào đã có sẵn chế độ thời gian và tốc độ, chỉ cần theo công thức hướng dẫn nhào bao lâu, ở tốc độ nào mà làm theo. Tuy nhiên không nên phụ thuộc hoàn toàn vào những con số tham khảo đó, vì chúng chỉ là tham khảo. Vì bản thân máy nhào cũng có kích thước, dung tích, công suất khác nhau. Vì thế cần tham khảo thêm cả hướng dẫn sử dụng riêng cho máy đó.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-3

Nhà ai không có máy nhào bánh mì  thì tất cả phụ thuộc vào cảm nhận của 2 bàn tay. Khó có thể nói nhào bao nhiêu phút là được vì mỗi người có lực và tốc độ nhào khác nhau.

Do đó dù nhào bằng máy hay bằng tay thì sự đánh giá bằng mắt và cảm nhận bằng tay vẫn là quan trọng nhất. Điều này sẽ đạt được khi làm nhiều và từ đó mà có nhiều kinh nghiệm. Khối bột được nhào đủ sẽ cho cảm giác trơn mịn, dẻo và dai, không dính.

3.2, Lên men và để bột nở

Trong các bước làm bánh mì thì công đoạn lên men thường gặp lỗi nhiều nhất, làm cho mẻ bánh mì nhiều tâm huyết bị hỏng.

Với công dụng chính là làm cho bánh nở to theo đúng cái tên của nó, lên men là quá trình men tương tác với đường và tinh bột để sản sinh ra CO2 và cồn. Bột chưa lên men đủ sẽ không thể đạt được thể tích chuẩn, kết cấu bánh sẽ bị thô.

Bột bị lên men ở nhiệt độ quá cao hoặc trong thời gian quá lâu sẽ trở nên dính, khó thao tác và hơi chua.

3.3, Gập hay đấm bột

Sau khi quá trình lên men hoàn thành, khối bột cần được gập (truyền thống còn gọi là “đấm” bột) để làm khối bột đã nở xẹp xuống, tuy nhiên quá trình này không chỉ đơn thuần là động tác “đấm” vào khối bột mà còn là một chuỗi thao tác gập bột lại làm nhiều lần, nhằm mục đích loại bỏ khí CO2   , phân tán men và nhiệt độ đều hơn trong toàn khối bột.

Vì thế có thể tưởng tượng giai đoạn này là các động tác kéo bột cho trải rộng ra rồi gập lại và ấn, lại kéo rộng khối bột lại gập lại ấn.

3.4, Chia bột làm bánh mì

Tùy theo độ lớn nhỏ chiếc bánh mì định làm mà chia khối bột to thành những khối bột nhỏ hơn có cân nặng bằng nhau. Thao tác này nên làm nhanh để tránh khối bột có thêm nhiều thời gian mà bị lên men quá đà.
quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-4

3.5, Nặn tròn

Sau khi chia bột thành những khối đều nhau, từng khối bột nhỏ được nặn thành những khối cầu, bề mặt nhẵn mịn. Đây cũng là hình dáng tạo điều kiện cho bột nở tốt nhất trong quá trình để bột nghỉ trước khi nướng.

3.6, Để bột nghỉ

Từng khối bột tròn sẽ được để cho “nghỉ” 10-20 phút. Bột được đặt trên mặt phẳng, dùng dụng cụ nào đó như cái xoong, nồi, hộp để úp khối bột vào trong.

3.7, Tạo hình và chuyển ra khay nướng

Công đoạn này thì tùy vào loại bánh mì định làm, tùy sự sáng tạo và khéo léo để tạo ra những hình dạng bánh ngon mắt.
quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-5

3.8, Proofing - công thức làm bánh mì chuẩn sẽ có công đoạn này

Đây là công đoạn tiếp tục của quá trình lên men để làm khối bột nở đến thể tích chuẩn. Nhiệt độ quá trình proofing cao hơn quá trình lên men.

Thường thì cho khay bánh vào lò, lò bật khoảng 30 giây cho vừa đủ cao hơn nhiệt độ môi trường ngoài. Để bột bánh cho đến khi khối bột nở lên gấp đôi. Bột chưa nở đủ độ thì khi nướng xong, bánh mì sẽ bị đặc, rắn. Bột bị nở quá sẽ bị mất vị thơm và kết cấu bánh sẽ bị thô.

3.9, Nướng bánh

a. Nhiệt độ lò và thời gian nướng

Tùy từng loại bánh, kích cỡ mà có thời gian nướng khác nhau và cũng tùy vào loại lò nướng mà gia đình bạn sử dụng nữa. Dưới đây là vài nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh nhiệt độ lò.
– Bánh cỡ to nướng ở nhiệt độ thấp hơn và thời gian dài hơn bánh cỡ nhỏ hoặc dài.
– Bánh mì ngọt hoặc có bơ đường được nướng ở thời gian thấp hơn để tránh bánh nhanh bị vàng và cháy.
– Bánh nướng đủ là khi vỏ bánh đạt được màu vàng nâu và khi bóp sẽ nghe những tiếng nổ giòn rất thích.
quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-6


b. “Rửa” bột

Thực chất đây là quá trình phết hoặc xịt lên mặt bột một loại chất lỏng nào đó, có thể là nước, trứng gà hoặc hỗn hợp tinh bột.
– Bánh mì có vỏ cứng thường được quết hoặc xịt nước lên mặt bánh, trong lò có hệ thống xịt nước trong quá trình nướng thì càng tốt. Hơi nước sẽ làm cho vỏ bánh không bị khô đi quá nhanh, vì thế đảm bảo được vỏ mỏng mà vẫn giòn.
– Trứng gà để tạo cho bề mặt bánh được nâu bóng, thường thấy với các loại bánh mì bơ ngọt.

c. Rạch bột

Những đường rạch trên bánh có tác dụng làm bánh nở tốt hơn trong quá trình nướng. Thường thì có loại dao chuyên dụng để rạch thì đường rạch sẽ sắc nét và chuẩn hơn. Nếu không có dao chuyên dụng thì có thể sử dụng dao lam, tuy nhiên rạch như vậy cũng hạn chế việc bánh nở làm bật lên đường rạch đẹp.

d. Cho bánh vào lò

Bột sau khi proofing sẽ rất mềm vì vậy cần thao tác cẩn thận. Thường với bánh mỳ, khay nướng được ở rãnh thấp nhấp trong lòng.

e. Làm nguội

Bánh nướng xong phải bỏ ra khỏi khay/khuôn nướng và làm nguội trên giá ngay.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-7

Hy vọng với những chia sẻ khá là kỹ lưỡng về từng bước trong công thức làm bánh mì này sẽ giúp ích cho các bạn. Theo dõi bài tiếp theo về các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục để nằm lòng loại bánh này nhé!

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Công thức làm su kem chuẩn chỉnh khắc phục các lỗi thường gặp

Bắt bệnh các lỗi thường gặp khi làm su kem và cách khắc phục

Làm bánh su kem xong được bơm su ăn ngon nhất sẽ là lúc lạnh và để được 1-3 ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ có vỏ không, các bạn có thể cho vào túi kín, cho vào ngăn đá thì sẽ bảo quản được lên tận 1 tháng, khi nào ăn thì giã đông. Thứ dễ hỏng ở trong su kem là phần nhân thôi.

Dưới đây là công thức cách làm bánh su kem ngon chuẩn bất bại, cùng bắt bệnh các lỗi thường gặp khi làm su kem và cách khắc phục cho những ai đã từng fail chiếc bánh này nha!


1, Vỏ bánh su kem - công thức làm vỏ su kem, các lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm vỏ su kem

Vỏ bánh su kem đạt yêu cầu là vỏ phải vàng, cứng ngoài, rỗng trong, không bị dính vào giấy nến. Công thức làm vỏ su kem dưới đây sẽ giúp các bạn làm được chiếc su kem đạt chuẩn nhé.

a, Nguyên liệu làm vỏ bánh su kem

- 240ml nước
- 100g bơ
- 1 chút muối
- 125g bột mỳ
- 4 trứng (mỗi quả tầm 50 - 60 gram)

b, Cách làm vỏ bánh su kem

Bước 1: Thả bơ + muối  vào nước đun sôi cho tan ra.

Bước 2: Khi đã sôi, tắt bếp, rây bột từ từ vào hỗn hợp và khuấy đều lên trong khoảng 1-2 phút.

Bước 3: Cho đến khi cục bột không dính vào thành và đáy nồi, có thể vo lại thành 1 khối được. Tránh khuấy quá nhiều đẫn đến chai hỗn hợp và vỏ không nở được.

Bước 4: Nhấc nồi ra khỏi bếp, để khoảng 5′ cho nguội bớt. Cho TỪNG quả trứng khuấy đều. Nhớ phải để nguội hỗn hợp không thì trứng sẽ bị chín mất.

Bước 5: Ban đầu khi đánh với trứng, hỗn hợp sẽ tơi ra, nhưng càng đánh, hỗn hợp sẽ càng mịn và “nặng dần”. Đây là lý do làm bánh su kem rất thể lực vì hỗn hợp sẽ càng ngày càng khó đánh hơn.

Bước 6: Cho hỗn hợp vào túi, dùng đui đầu tròn để bắt bánh.

Bước 7: Làm nóng lò trước 15' ở nhiệt 220 độ, cho bánh vào nướng 25 - 30’.

c, Các lỗi thường gặp khi làm vỏ su kem và cách khắc phục

Các lỗi cơ bản của vỏ bánh su kem thường do hiểu nhầm cơ chế làm phồng của bánh. Các bạn nên hiểu là cơ chế làm phồng của su kem không như những bánh khác, vỏ su kem làm phồng nhờ hơi nước và trứng + bơ chứ không phải bột nở. Vậy nên thường gặp vài lỗi như
  • Vỏ không nở được. Đôi khi sẽ thấy có rất nhiều bơ chảy ra ngoài và vỏ xẹp lép 
-> Trong công thức vỏ có quá ít nước -> ít hơi nước -> vỏ sẽ bị xẹp lép.
-> Hơi nước làm bánh nở không chỉ lấy từ phần nước có trong công thức mà còn từ bơ và trứng. Cho nên nếu bơ không được đun đến sôi, trứng không được đánh đến khi hòa quyện với bột thì rất có thể khi nướng một phần hơi nước sẽ thoát ra ngoài, làm cho bánh không nở được.
  • Vỏ xẹp sau khi lấy ra khỏi lò. Ruột bánh đặc, ướt hoặc bết. Đôi khi bánh không xẹp nhưng đáy bánh bị lõm.
-> Ngược lại nếu có quá nhiều nước, vỏ ban đầu sẽ phồng lên trong rất đẹp nhưng về sau, phần dưới sẽ không đủ cứng để đỡ nên sẽ lại xẹp.
-> Nếu có quá nhiều nước, phần ruột bánh sẽ rất ẩm và có thể sẽ không kịp khô trong khi vỏ bánh đã chín vàng và cứng lại. Kết quả là khi lấy ra khỏi lò, phần ruột sẽ khiến vỏ bị “sập” vào trong.
  • Vỏ bánh không thành hình
-> Tuân thủ công thức đủ nước, trứng và bơ như đã giải thích ở trên.
-> ĐẶC BIỆT phải PRE HEAT LÒ MỨC hơn 200 độ (210, 220 độ) trước khi cho vỏ vào, nó giống như việc làm nóng mỡ trước khi rán ấy, không là vỏ bánh không “phồng bền vững” được đâu.

2, Nhân bánh su kem - công thức làm nhân bánh su kem, các lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm nhân su kem

Nhân su kem mềm mịn, dẻo quánh và có màu vàng đẹp, không bị vón, ngậy, ngọt mát, không được ám mùi sữa hay bột. Để đạt những yêu cầu đó các bạn theo dõi công thức làm nhân bánh su kem dưới đây nhé:

a, Nguyên liệu làm nhân bánh su kem

- 4 lòng đỏ trứng (mỗi quả tầm 50 -60gr)
- 75 gram đường (80 cho bạn nào thích ngọt)
- 35 gram tinh bột ngô (có thể thay thế bằng bột mì thường)
- 400ml sữa tươi
- 10 gram bơ
- Một nhúm muối

b, Cách làm nhân bánh su kem

Bước 1: Đánh lòng đỏ trứng đến khi lòng đỏ bông đặc, chuyển sang vàng nhạt, nhấc que lên thấy hỗn hợp chảy thành dòng không bị ngắt quãng. Đánh bằng máy sẽ mất 1-2 phút và đều hơn. Nếu không bạn có thể đánh bằng tay nhưng sẽ mỏi và lâu hơn (4-5 phút).
Bước 2: Rây bột vào âu hỗn hợp ở bước 1 để hỗn hợp không bị vón cục. Khuấy nhẹ thôi như thế bột với hỗn hợp mới tan được vào với nhau.
Bước 3: Đun sữa GẦN sôi (không phải sôi nhé) rồi bắt đầu đổ từ từ, TỪNG ÍT MỘT vào hỗn hợp ở bước 1. Tay còn lại quấy đều hỗn hợp lên. Hành động này giúp cho nhiệt của sữa không làm chín trứng mất đi độ ngậy của nhân.
Bước 4: Bắc hỗn hợp lên bếp, đun nhỏ lửa, tay bắt đầu quấy đều (nhớ vét cả đáy). Dần dần, các bạn sẽ thấy có những cục gợn (đó là nhân bắt đầu đặc lại với nhau) tiếp túc quấy tầm 45 giây sau khi sôi thì nhấc ra, tiếp tục quấy. Cho ít bơ và muối vào cho thơm trộn đều.

c, Các lỗi thường gặp khi làm nhân su kem và cách khắc phục

  • Nhân có vị bột sau khi nấu xong
  • Nhân còn mùi trứng sau khi nấu xong
-> Do nhân chưa chín. Cách khắc phục khá đơn giản. Các bạn đổ thêm một chút sữa rồi bắc lên lò đun tiếp rồi lại nhấc ra.
  • Nhân quá đặc hoặc quá loãng
-> Nếu quá đặc thì các bạn có thể làm loãng ra bằng cách đổ thêm chút sữa, nếu quá loãng thì đặt tiếp lên lò để đun bớt hơi nước đi, hỗn hợp sẽ đặc lại.
  • Nhân không “ngậy” mùi trứng
-> Đây là trường hợp tệ nhất vì nhân vẫn ăn được nhưng sẽ không ngon. Lý do việc không ngậy nữa là do các bạn đã đun quá lửa và quá lâu khiến nhân bị “chín”. Thế nên, lời khuyên ở đây dành cho bạn là, đừng đun lâu quá. Nếu sợ thì cứ đun 30 giây, nhấc ra để quấy, nếu chưa được do quá loãng thì lại bắc lên. Chứ chín quá thì không sửa được đâu.


Chúc các bạn thành công với công thức làm bánh su kem ngon chuẩn bất bại và khắc phục được các lỗi đã gặp phải khi làm su kem nha! Đừng quên Bếp Bánh còn rất nhiều mẹo hay làm bánh, hay tìm bất cứ khi nào chiếc bánh nhỏ xinh của bạn gặp vấn đề gì nha!

Ảnh: What cook to day

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Mẹo hay cần biết cách làm bánh flan mềm mịn không rỗ

Cách làm bánh flan không khó, nhưng để làm ra được những chiếc bánh hoàn hảo thì không phải ai cũng thành công ngay lần đầu, chúng ta có thể dễ dàng gặp phải một số lỗi khi làm bánh flan khiến bánh bị rỗ hay không đông.

Bài viết Bếp Bánh sẽ list cho các bạn các lỗi thường gặp khi làm bánh flan và cách khắc phục, tặng kèm công thức làm bánh flan chuẩn chỉnh và 7 video hướng dẫn cách làm bánh flan các vị ngon tuyệt cú mèo nhé!

A. Cách làm bánh flan - Các lỗi thường gặp khi làm bánh flan và cách khắc phục

1. Các lỗi thường gặp khi làm bánh flan - Bánh flan không đông


Do tỉ lệ trứng : sữa chưa phù hợp (thường do quá nhiều sữa). Chú ý cân đong chính xác và làm theo đúng chỉ dẫn trong công thức.

Do nhiệt độ nướng/ hấp quá thấp hoặc thời gian nướng/ hấp chưa đủ dài để bánh chín hẳn.

2. Các lỗi thường gặp khi làm bánh flan - Bánh flan rỗ mặt

Thường gặp với phương pháp hấp cách thủy, do hơi nước bốc lên, đọng lại ở nắp vung nồi rồi nhỏ xuống gây rỗ bề mặt flan.


Cách khắc phục: Dùng một chiếc khăn sạch và thấm nước tốt phủ lên miệng nồi để hứng nước đọng ở nắp nồi hấp. Ngoài ra cách khoảng 10 – 15 phút có thể mở vung lau sạch nước đọng. Hoặc có thể đậy nắp hay bọc khuôn flan bằng ni lông thực phẩm, giấy bạc… chú ý khi đậy nắp hoặc bọc khuôn flan thì cần bọc kín vì nếu hở hơi nước vẫn có thể đọng trên các tấm nắp đậy này.

3. Các lỗi thường gặp khi làm bánh flan - Bánh flan rỗ đáy hoặc rỗ bên trong

Có thể gặp với cả hai phương pháp nướng và hấp cách thủy, thường do nhiệt độ quá cao làm cho hỗn hợp trứng sữa sôi và tạo tổ ong.


Cách khắc phục:

Để đúng nhiệt độ quy định. Với phương pháp hấp, nên đặt bếp ở mức nhỏ và vừa đủ cho nước trong nồi sôi lăn tăn. Với phương pháp nướng cách thủy nhiệt độ nướng có thể giao động trong khoảng 150 – 1700C tùy lò. Thời gian nướng hay hấp sẽ tùy thuộc vào kích thước khuôn. Các khuôn có thành cao sẽ nướng lâu hơn thành thấp.

Chất liệu khuôn và chất liệu khay đặt khuôn ( cho phương pháp nường) đôi khi cũng có thể là nguyên nhân. Khuôn kim loại dẫn nhiệt tốt hơn khuôn sứ, nên nếu dùng khuôn kim loại, nên bọc thêm một lớp giấy bạc bên ngoài thành khuôn để giúp giảm nhiệt truyền vào khuôn.

Với phương pháp nướng cách thủy, không nên dùng khay đi kèm với lò nướng vì khay này tiếp xúc trực tiếp với thành lò cho nên nhiệt sẽ cao hơn, dễ làm phần đáy flan bị rỗ. Có thể đặt thêm một chiếc khăn ở đáy khay để giúp nhiệt tiếp xúc với đáy khuôn thấp hơn, tránh cho flan bị sôi và rỗ đáy.

Với phương pháp hấp, nên dùng nồi hấp hai tầng, hoặc xửng hấp. Không nên đặt khuôn flan trực tiếp vào nồi, để đáy khuôn tiếp xúc với đáy nồi, nhiệt tại đáy khuôn sẽ dễ bị quá cao làm flan sôi và rỗ đáy.

4. Các lỗi thường gặp khi làm bánh flan - Bánh flan phồng, nứt mặt hoặc trên mặt có một lớp váng khô


Có thể do quá trình trộn trứng sữa chưa được đều hoặc nhiệt nướng trên quá cao. Khắc phục bằng cách hạ thấp khay nướng, giảm lửa trên hoặc chỉ nướng lửa dưới trong thời gian đầu rồi mới chỉnh hai lửa.

B. Công thức làm bánh flan chuẩn ngon không lỗi

Nguyên liệu bánh flan chuẩn ngon không lỗi

  • lòng đỏ trứng: 4 lòng
  • trứng gà tươi: 2 quả
  • sữa tươi: 500 ml
  • đường: 120 gr (chia làm 2 phần chp phần bánh flan và phần caramel)
  • vani: 1-2 ống
  • muối: 1/2 muỗng cà phê
  • nước lọc: 100 ml
  • nước cốt chanh: 1 muỗng
  • cốc hoặc bát con để làm khuôn bánh, 1 chiếc rây lọc.

Cách làm bánh flan ngon chuẩn không lỗi

Bước 1: Làm caramel

- Cho đường và nước vào một chiếc nồi (với tỉ lệ đường: nước là 3:2) sáng màu để tiện quan sát và đun nhỏ lửa đến khi đường tan. Khi đó dùng đũa khuấy đều và đun thêm từ 5- 10 phút đến khi đường chuyển màu nâu cánh dán thì tắt bếp. Sau đó cho thêm một muỗng nước cốt chanh tươi vào để bánh flan có mùi thơm đặc trưng.

- Vì caramen đông cứng rất nhanh nên bạn cần nhanh tay cho ngay 1 lớp mỏng caramen vào khuông ngay khi còn nóng, như vậy bánh của bạn sẽ có màu bắt mắt. Sau đó để khuôn vào chỗ mát cho caramen nguội và đông cứng lại.

Bước 2: Làm bánh flan

- Cho trứng (4 lòng đỏ trứng + 2 trứng) và đường vào 1 cái âu rồi khuấy thật nhẹ tay, cố gắng không làm xuất hiện bọt khí, khuấy cho tới khi tan đường.

- Đun sữa trên bếp, không đun sôi mà chỉ đến khoảng 70 độ C (sữa chỉ cần hơi nóng và bọt lăn tăn xung quanh nồi) thì tắt bếp. Nếu đun sữa quá nóng hoặc sôi sẽ làm sữa bị hỏng.

- Cho hỗn hợp trứng đã chuẩn bị từ bước trước đổ vào nồi sữa tươi và đánh đều lên, cho thật nhẹ nhàng để tránh nổi bọt và trứng bị vón cục lại. Kiểm tra lại hỗn hợp để loại bỏ những viên bị vón cục. Đánh đều để hỗn hợp trứng sữa trộn vào nhau là được.

- Cho vani vào quấy đều .Dùng một chiếc rây để lọc hỗn hợp trên một lần để chiếc bánh flan của bạn được mịn màng và mềm thơm.

- Rót hỗn hợp đã lọc vào những chiếc cốc để làm công đoạn tiếp theo.

Bước 3: Nướng hoặc hấp bánh flan không rỗ bánh

- Nướng: Chuẩn bị 1 lò nướng. Đun sôi 1 nồi nước, rót nồi nước đó vào khay nướng trong lò rồi đặt khuôn bánh vào trong khay nướng có đổ nước đó. Cho vào lò nướng trong vòng 40 phút là được (tùy khuôn to hay nhỏ để điều chỉnh thời gian nướng cho phù hợp).

- Hấp: Chuẩn bị một chiếc nồi hấp có sẵn nước đun sôi. Bắc lên bếp để đun. Tiếp theo bạn cho các cốc bánh flan vào nồi rồi dùng một chiếc khăn để phủ lên mặt các cốc, nhằm tránh cho bánh bị rỗ khi nước ở vung hấp nhỏ xuống. Cho lửa vừa và thi thoảng bạn dùng khăn để lau nước ở vung. Hấp chừng 30- 40 phút thì bánh đã chín.

C. Cách làm bánh Flan mềm mịn không rỗ mặt bằng nồi chiên không dầu

Với những ai còn phân vân mua lò nướng làm bánh nào tốt và tiết kiệm điện nhất phù hợp cho gia đình và làm bánh flan bằng cách hấp thì chắc chắn đã phải trầy trật vì mùi tanh hay bề mặt bánh rỗ lỗ chỗ. Thật may mắn là đã có công thức làm bánh Flan bằng nồi chiên không dầu vô cùng tiện lợi, cho ra chiếc bánh núng nính mềm mịn và đảm bảo không rỗ mặt vì hơi nước như phương pháp hấp cách thủy.

Nguyên liệu làm bánh Flan bằng nồi chiên không dầu

* Công thức làm bánh flan bằng nồi chiên không dầu - Caramen
  • 70 gr đường
  • Nước

* Công thức làm bánh flan bằng nồi chiên không dầu - Bánh Flan
  • 3 quả trứng gà ta nguyên quả
  • 3 lòng đỏ trứng gà ta
  • 600 ml sữa tươi không đường
  • 4 muỗng canh sữa đặc

Cách làm bánh Flan bằng nồi chiên không dầu

Bước 1️: Cho đường và chút nước đặt lên bếp để chưng caramen. Mọi người nhớ canh lửa nha, không được bốc khói vì sẽ bị cháy khét nhanh lắm. Trong quá trình chưng thì chỉ cần cầm quai nồi lắc nhẹ chứ không khuấy vì bị lại đường thành bột bột ạ.

Bước 2: Sau khi chưng xong thì rót nhanh vào mỗi lọ đựng. Không cần láng đều đâu vì khi nướng flan thì lớp caramen chảy ra hết ạ. Nhanh tay rót vì lớp caramen nhanh đông cứng lắm!

Bước 3: Bây giờ làm phần trứng sữa. Đập trứng vào tô và dùng dĩa đánh đều tới chảy dòng như ảnh. Không đánh bông và không nhấc que đánh cao vì sẽ bông trứng đó ạ.

Bước 4: Cho 2 loại sữa vào nồi, nêm vừa miệng. Đun tới khi bốc khói thì tắt bếp

Bước 5: Chờ sữa bớt nóng thì đổ 1/3 vào bát trứng. Vừa đổ vừa khuấy để tránh vón cục

Bước 6: Sau đó trộn vào nồi sữa lúc trước. Nhớ lọc qua rây. Sau bước này em lọc thêm 1 lần nữa để đảm bảo không còn cặn trứng


Bước 7: Rót vào hũ, dùng thìa nhỏ hớt nhẹ bọt ở miệng hũ. Bọc miệng hũ bằng giấy bạc để không bị se mặt bánh

Bước 8: Xếp vào nồi và ấn 100 độ 24’

Cảm ơn công thức làm bánh Flan bằng nồi chiên không dầu rất ngon từ bạn Quỳnh Phương <3

Kinh nghiệm chọn mua nồi chiên không dầu - làm bánh flan bằng nồi chiên không dầu

Ngoài nồi chiên không dầu Philips đã quá nổi tiếng và đảm bảo thì Bếp cũng rất tin dùng các sản phẩm của Lock&Lock, cho thành phẩm khá là ưng ý: bánh vàng, đẹp mắt, dậy mùi thơm của nguyên liệu. Để lựa chọn mời các bạn xem thêm Đánh giá nồi chiên không dầu nên sử dụng nhãn hiệu nào?

Hiện Lock&Lock đã có mall chính thức trên shopee rất thuận tiện cho việc mua sắm cũng như giao hàng, lại có nhiều ưu đãi hấp dẫn hàng tháng mà vẫn được hưởng nguyên các chế độ bảo hành <3. Khá là yên tâm cho chị em lựa chọn!

D. Tổng hợp video hướng dẫn cách làm bánh flan các vị

1. Cách làm bánh flan cam

Một cách làm bánh flan mới lạ, tự làm bánh flan tại nhà mà bạn có thể làm cả gia đình thích thú. Vừa đầy đủ vitamin, vừa đủ hấp dẫn và màu sắc để chiêu dụ các bé yêu.

2. Cách làm bánh flan truyền thống

Bánh flan là loại bánh có nguồn gốc từ Pháp, là sự kết hợp hoàn hảo của trứng, sữa và đường. Cách làm bánh flan truyền thống cũng chính là cách làm bánh flan bằng sữa đặc - nguyên liệu mà ai cũng biết đến.

3. Công thức làm bánh flan rau câu trái dừa

Bánh flan là loại bánh có nguồn gốc từ Pháp, là sự kết hợp hoàn hảo của trứng, sữa và đường. Mỗi độ hè về món bánh bổ dưỡng này lại lên ngôi, trở thành đồ ăn vặt ưa thích của nhiều người, nhất là flan rau câu trái dừa thanh mát với hương thơm thoang thoảng vô cùng gây nghiện.

4. Cách làm bánh flan bí đỏ cho bé ăn dặm

Ngoài là món ăn dặm thơm ngon bổ dưỡng cho bé, bánh flan bí đỏ cũng rất tốt cho sữa mẹ lại giúp đẹp da và bổ máu nữa. Ăn ngon lại tốt cho sức khỏe. Quá chuẩn để trở thành món ăn thường xuyên có mặt trong list ăn vặt lành mạnh của con và cả các mẹ nữa!

5. Cách làm bánh flan gato sinh nhật

Cách làm bánh gato sinh nhật flan giống như có ma thuật khi có 2 lớp vừa gato mềm xốp vừa flan núng nính như da em bé, tuy là bánh gato sinh nhật nhưng cũng cần lưu ý khi thực hiện cách làm bánh gato flan tương tự như cách làm bánh flan nha.

Bởi bánh flan gato cũng thường mắc các lỗi thường gặp khi làm flan
  • Lớp gato không nở, bị co khi ra khỏi lò
  • Flan không chín, vỡ nát
  • Flan bị rỗ
  • Bánh sũng nước đường

6. Cách làm bánh flan dâu tây - cách làm bánh flan hương dâu tây

Chỉ cần thêm chút sữa dâu thui là chiếc bán flan mềm mướt đã thêm phần ngọt ngào khó tả lắm rồi, cách làm flan dâu tây có căn bản từ cách làm bánh flan truyền thống nên có hương vị đậm đà và thơm mùi dâu rất tuyệt.

7. Cách làm bánh flan phô mai béo ngậy - cream cheese flan

Phô mai là thực phẩm cực nhiều dưỡng chất, có hương vị thơm béo kết hợp trong miếng bánh flan mềm mịn mát lạnh sẽ đánh thức ngay vị giác của bất cứ ai.



Tèn ten, vậy là Bếp đã list được cho các nàng các lỗi thường gặp khi làm bánh flan và cách khắc phục, Công thức làm bánh flan chuẩn ngon không lỗi, Cách làm bánh Flan mềm mịn không rỗ mặt bằng nồi chiên không dầu và 7 video hướng dẫn cách làm bánh flan các vị ngon tuyệt rồi!!! Tự tin trổ tài với dòng bánh  này thôi!!!

 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design