Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Công thức làm bánh Cream Horn béo ngậy hấp dẫn

Hôm trước Bếp có đăng video Bánh này và được hỏi nhiều quá trời, cuối cùng cũng kiếm ra công thức làm bánh cream horn béo ngậy hấp dẫn này để share cho chị em rùi :X. Ngắn gọn thì cream horns là loại bánh được làm puff pastry (vỏ) và nhân custard (nhân su kem) đó ạ ^_^

Công thức làm bánh Cream Horn béo ngậy hấp dẫn

Nguyên liệu làm bánh Cream Horn béo ngậy hấp dẫn

A - Nguyên liệu làm vỏ bánh Cream Horn - Làm vỏ puff pastry

  • 250 gr bột bánh mì (bread flour hay bột mì số 11)
  • 2 muỗng canh bơ đun chảy
  • 1 quả trứng
  • 85 ml sữa (hoặc whipping cream)
  • 1/2 muỗng canh men (loại men instant không cần kích hoạt)
  • Đường xay, chút muối tùy khẩu vị
  • 1/2 lòng đỏ trứng + 1 muỗng cf whipping cream để phết mặt
Cách làm bánh Cream Horn ốc kem ngàn lớp

B - Nguyên liệu làm nhân bánh Cream Horn - Làm nhân su kem

  • 50 ml whipping cream
  • 100 gr phô mai
  • 1 hũ sữa chua
  • Đường (tùy khẩu vị)
  • 1 muỗng cf bột bắp

Cách làm bánh Cream Horn béo ngậy hấp dẫn

A - Cách làm vỏ puff pastry - Làm vỏ bánh Cream Horn 

Bước 1: Rây bột mì và đường vào âu, cho men vào dùng phới trộn đều. Sau đó tiếp tục cho sữa, trứng vào. Dùng phới trộn đều hỗn hợp bột, cho bơ vào, dùng tay nhồi bột từ 5 - 10 phút thì cho bột vào âu đã được thoa chút dầu hoặc bơ để chống dính chuẩn bị sẵn. Đậy kín và ủ ở nhiệt độ phòng khoảng 2h hoặc đến lúc bột nở gấp đôi

Bước 2: Sau đó dùng tay đấm xẹp bột và chia thành từng phần đều nhau, tạo thành sợi dài và thực hiện thao tác quấn bột vào khuôn từ đầu nhỏ dần lên trên (khuôn này có thể mua hoặc tự quấn bằng giấy bạc rất dễ). cho bánh vào khay và đậy kín, ủ lần hai khoảng một giờ - Làm nóng lò ở nhiệt độ 170 - 175 độ C khoảng 10p, Dùng lòng đỏ trứng phết đều lên mặt bánh, cho bánh vào và nướng 30p là xong, kiểm tra xoay đầu khay nếu bánh không vàng đều

B - Cách làm nhân bánh Cream Horn  - Làm nhân bánh su kem

Cách làm bánh ốc kem ngàn lớp Cream Horn

Bước 3: Cho phô mai vào một nồi nhỏ cùng đường, dùng phới khuấy đều hỗn hợp và đun ở lửa nhỏ đến khi phô mai trở thành hỗn hợp sệt đặc thì cho whipping cream (đã cho bột bắp hòa tan vào whipping cream trước đó) từ từ vào, khuấy hỗn hợp liên tục khoảng 2p, tắt bếp, và cho sữa chua vào, trộn đều hỗn hợp lại lần nữa để có một hỗn hợp sệt vừa khẩu vị. Cho vào túi và để ở ngăn mát.

Cách làm bánh ngàn lớp ốc quế kem cream hornCách làm bánh Cream Horn ngàn lớp

Bước 4: Bánh chín vàng lấy ra, để nguội và gỡ ra khỏi khuôn, bơm nhân vào là xong

Video hướng dẫn làm bánh Cream Horn béo ngậy hấp dẫn


Xem video hướng dẫn này cho dễ hình dung cách làm nha, chúc chị em luyện cơ tay thành công ạ!!!

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Hướng dẫn lựa chọn lò nướng phù hợp cho gia đình

Chọn mua lò nướng bánh gia đình - Cách sử dụng lò nướng bánh gia đình

Thực sự chọn mua lò nướng bánh dùng cho gia đình là vấn đề băn khoăn đầu tiên của mình khi bắt đầu vọc vạch vào học làm bánh. Phù hợp với nhu cầu sử dụng và không lãng phí các chức năng của lò là cả một vẫn đề nan giải, tất nhiên tâm lý đi mua hàng thì rất "cảnh giác" với những lời giới thiệu của nhân viên bán hàng rồi.

Thế là trải qua bao nhiêu "đời" lò, qua bao nhiêu mẻ bánh hỏng thì mình cũng đúc kết được chút ít kinh nghiệm đây ;)


>>> Lò nướng làm bánh - những tiêu chí cơ bản
>>> Nên mua lò nướng bánh hay nồi chiên không dầu
>>> Kinh nghiệm mua lò nướng bánh gia đình giá rẻ tiết kiệm điện

Những loại lò nướng bánh gia đình hiện nay

Với giá cả đắt có rẻ có của các loại lò nướng bánh hiện nay, thì chúng mình nên phân loại lò nướng theo cấu tạo và chức năng sử dụng nha. Trung bình thì lò nướng bánh gia đình có mức giá rẻ, với khoảng giá dưới 3 triệu đồng là đã có thể sở hữu một "em" lò có thể nướng bánh tốt rồi!

1. Lò nướng thùng

Là loại lò nướng có dạng hộp hình chữ nhật, có nhiều dung tích để người dùng có thể lựa chọn từ 30 lít đến 80 lít là thông dụng nhất, nhưng cũng có loại lên đến 120 hoặc 150 lít. Đây là loại là nướng để bàn thích hợp đặt tại nhiều vị trí khác nhau.

2. Lò vi sóng có chế độ nướng

Ngoài chức năng rã đông và hâm nóng thức ăn, loại lò vi sóng này còn có chức năng nướng.

3. Lò nướng thủy tinh

Đây là một loại lò nướng khá nhỏ gọn, có hình dạng như một chiếc nồi, làm bằng thủy tinh chịu nhiệt tốt. Loại lò này không thích hợp để nướng bánh vì dễ làm cháy mặt bánh.

4. Lò nướng công nghiệp

Lò có dung lượng khá lớn, khả năng giữ nhiệt tốt và làm nóng nhanh. Đây là lò nướng thích hợp khi bạn muốn mở một cửa hàng bán bánh.

Để biết rõ, chi tiết hơn về ưu nhược điểm của các loại lò nướng bánh nêu trên, các bạn xem bài viết này nha Phân loại lò nướng bánh gia đình giá rẻ, nên chọn mua lò nướng nào?

Chọn lò nào thì hợp lý? - Kinh nghiệm mua lò nướng bánh gia đình

Hãy chọn lò có nhiệt độ giới hạn tối thiểu là 250 độ và chế độ hẹn giờ ít nhất 60 phút


Một chiếc lò nướng đúng chuẩn nướng bánh phải có được ít nhất 3 nút điều chỉnh sau đây: nút nhiệt độ lò, nút chế độ thông minh và nút hẹn giờ. Về nút điều chỉnh nhiệt độ, hầu như mọi loại lò nướng đều có loại nút này, tuy nhiên hãy chọn lò có nhiệt độ nằm trong khoảng 100 đến 250 độ để sử dụng được đa dạng loại bánh hơn. Nút chế độ điều chỉnh nhiệt sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn được chế độ nướng lửa trên, lửa dưới hay cả hai lửa. Chế độ hẹn giờ sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong làm bánh đấy. Hãy chọn chiếc lò có nút hẹn giờ tối thiểu là 60 phút nhé!

Chế độ nướng hai lửa giúp bánh chín đều


Lò nướng bánh cần có cả hai lửa, trên và dưới. Thông thường lò 80 lít có thanh nhiệt uốn vòng giúp tản nhiệt đều khắp lòng lò nướng. Lò 50 lít trở xuống chỉ có bốn thanh nhiệt song song, nên lò thường bị chênh nhiệt, góc trong bên trái có hay bị nóng quá trong khi góc ngoài lại thiếu nhiệt. Nếu lò nướng chỉ có nhiệt trên hay nhiệt dưới sẽ khiến bánh chín không đều và hay cháy bánh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.

Chọn lò nướng dung tích trên 80 lít để nướng dòng bánh 20 cm trở lên


Dung tích lò nướng tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của chính bạn. Nếu mục đích của bạn là những chiếc bánh nhỏ xinh đủ cho 2 hay 3 người ăn và mật độ sử dụng của bạn không cao, bạn có thể chọn những loại lò nướng từ 30 đến 40 lít. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên nướng những loại bánh có kích thước lớn trên 20cm và nướng hai mẻ bánh cùng một lúc thì nên lựa chọn lò có dung tích 80 lít trở lên. Chúng ta không nên lựa chọn lò có dung tích chỉ vừa đủ kích thước bánh. Bởi vì một chiếc bánh ngon cần có một không gian thoải mái thích hợp và duy trì nhiệt tốt, có độ lan tỏa.

Vỏ có sơn tĩnh điện và khoang lò nướng có men chống dính


Hiện nay, trên thị trường đã có thêm nhiều loại lò nướng với vỏ ngoài phủ sơn tĩnh điện và trong khoang lò có thêm lớp men chống dính giúp chúng ta dễ dàng lau chùi. Khi mua lò nướng, hãy chú ý các ốc vít phải chắc chắn, lò không bị móp méo hay gỉ sét, thanh lửa được gắn đúng vị trí hay chưa.

Quạt đối lưu sẽ giúp nhiệt độ lan tỏa đều hơn khi nướng bánh


Quạt đối lưu của lò nướng sử dụng công nghệ nướng là thanh phát nhiệt và tạo ra một dòng nhiệt lưu thông xung quanh, dưới và trong thực phẩm. Chính vì thế thực phẩm sẽ chín nhanh hơn và ngon, giòn hơn thích hợp để nướng các loại bánh quy giòn. Ngoài ra lò nướng đối lưu còn có quạt gió làm cho bánh chín đều rất đẹp.

Hướng dẫn sử dụng lò nướng bánh gia đình để có những mẻ bánh thơm ngon

1. Lò phải được làm nóng trước ở nhiệt độ quy định tối thiểu từ 10 – 15 phút


- Đây là điều cần phải chú ý khi nướng bánh nhé, bởi vì nếu bạn đưa bột vào khi mới bật lò thì quá trình làm nóng lò có thể làm cho mặt ngoài của bánh nở ra, còn bên trong bánh thì hầu như chẳng biến đổi gì (do nhiệt yếu). Hậu quả là phần bên ngoài sẽ chín nhanh hơn, còn phần bên trong sẽ chín chậm hơn rất nhiều. Vậy nên, bánh dễ bị sống bên trong.
- Ngoài ra, với các công thức mà bánh nở nhờ bọt khí trong trứng thì việc để bánh lâu trong lò khi đợi lò nóng sẽ làm cho bọt khí bị vỡ, khi đó, bánh sẽ nở kém hoặc không nở được.

2. Khay nướng được điều chỉnh phù hợp để khuôn bánh nằm chính giữa lò


Nghĩa là nếu khuôn bánh cao thì bạn phải hạ thấp khay bánh để khuôn nằm chính giữa trong lò. Điều này sẽ giúp cho nhiệt truyền vào bánh cân bằng hơn, tránh trường hợp bị cháy mặt bánh hoặc đế bánh do khay nướng nằm gần lửa trên hoặc lửa dưới.

3. Luôn để chế độ hai lửa


Trừ phi có ghi chú đặc biệt trong công thức là chỉ để lửa trên hoặc chỉ để lửa dưới. Việc chỉ bật một lửa sẽ làm cho mặt bánh gần với thanh nhiệt được bật dễ cháy hơn, thêm nữa là nhiệt trong lò không đều, việc nướng bánh sẽ dễ thất bại hơn.

Mong rằng chút ít kinh nghiệm mua lò nướng bánh gia đình giá rẻ trên đây sẽ giúp ích được cho các bạn đang băn khoăn tìm hiểu về dụng cụ quan trọng này ạ!!!

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Vỏ bánh trung thu các lỗi thường gặp và cách khắc phục

Vỏ bánh trung thu các lỗi thường gặp và cách khắc phục

Nguyên nhân khiến chiếc bánh trung thu của bạn xấu xí xù xì là gì??? Xem xem Bếp bắt bệnh có đúng không nhé ;). Lưu ngay lại nếu bánh nướng bánh dẻo đã từng: bị chảy xệ, quá ướt quá nhão, bị phồng hay hoa văn bánh không nét...


1, Bánh trung thu bị xệ, phồng chân

- Nguyên nhân khiến bánh bị chảy xệ

Do nhân bị nhão quá hoặc do để trong lò quá lâu.

- Cách khắc phục

Nếu do nhân nhão, tất nhiên sẽ phải “chữa” phần nhân bánh bằng cách xào lại cho khô bớt.
Còn nếu do nhiệt độ lò thì cách điều chỉnh là tăng nhiệt (220 độ) nướng nhanh. Nếu để 180 độ sẽ mất nhiều thời gian nướng để bánh vàng mặt. Như vậy cũng đồng nghĩa với bánh sẽ phải ở trong lò lâu hơn dẫn đến bánh bị “phình”, nứt. Cách tốt nhất là nướng bánh 220 độ (thực tế nhiệt lên đến 240 độ), từ đầu đến cuối không cần chọc chân, bánh vẫn giữ phom đẹp.

Một lưu ý nữa là vì nướng bánh với nhiệt cao nên luôn phải để mắt đến khay bánh nếu không muốn làm lại mẻ khác.

Mỗi lần nướng thời gian không quá 10 phút. Một mẻ bánh nướng tất cả 3 lần, phết trứng 2 lần, mỗi lần nướng chưa đến mười phút nhưng sau mỗi lần nướng cần để bánh nghỉ 20-30′ cho nguội bớt mới cho vào nướng tiếp. Nếu nướng một mạch từ đầu đến khi bánh vàng mặt mặt như mong muốn thì bánh không tránh khỏi bị nứt, phồng, chảy xệ.

2, Vỏ bánh bị nhão, ướt

- Nguyên nhân khiến vỏ bánh trung thu bị nhão

Do nước đường còn mới hoặc sử dụng bột hút ẩm kém.

- Cách khắc phục

Về nguyên nhân thứ nhất. Nước đường càng mới thì khả năng vỏ bánh bị nhão càng cao, bạn nên làm nước đường trước 3 ngày với bánh dẻo và trước 7 ngày với bánh nướng. Đó là thời gian sử dung nước đường làm bánh trung thu tuyệt vời nhất.
Nguyên nhân thứ 2. Bột có hàm lượng protein thấp cũng hút ít nước, làm bánh nhão hơn. Thường bột sau khi nhồi sẽ ướt, nên để bột nghỉ khoảng 30' trước khi đóng bánh thì bột sẽ dẻo và khô hơn. Nếu bột vẫn ướt: Cho thêm bột khô vào trộn đều, đến khi thấy bột đủ dẻo để cán. Khi cán bột vẫn cần đến bột áo vì vậy không trộn quá nhiều bột sẽ làm bột bị khô.

3, Bánh nướng xong để 1-2 ngày bị ướt, bị tách vỏ

Nguyên tắc chung của bánh nướng là: bánh nướng xong vỏ sẽ cứng, để 1-2 ngày sau vỏ bánh sẽ xuống màu nâu hơn nhờ nước đường và mềm ra nhờ dầu từ trong nhân thấm ra và thấm hơi hẩm từ ngoài không khí.


Bánh nướng xong vừa ngon là vỏ bánh vẫn còn nhiều nước, như vậy sẽ khiến vỏ bánh sau này bị ướt. Muốn để bánh lâu hơn thì cần nướng bánh ở nhiệt độ và thời gian phù hợp sao cho khi nướng xong bánh phải cứng cáp (như bánh quy). Vỏ bánh nướng xong vừa ăn có thể là bạn nướng hơi non (nhiệt độ hơi thấp hoặc thơi gian ngắn)

Bánh nướng bị tách vỏ ngay từ đầu, do bọc vỏ bánh chưa tốt làm không khí xen vào giữa vỏ và nhân. Hoặc để qua ngày bị tách vỏ thì do do sên nhân bánh chưa tốt, nhân bị tách dầu nên phần dầu bị hút vào vỏ, gây hiện tượng tách lớp bánh.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Hướng dẫn làm bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật

Cách làm bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật, với bí đỏ (kabocha) là loại bí đỏ Nhật Bản có vỏ màu xanh, bên trong màu cam, ít carbohydrate hơn bí đỏ thông thường. Đây là nguồn beta-carotene dồi dào, rất quan trọng cho bạch cầu trong máu và tốt cho thị lực.

Bếp Bánh xin giới thiệu tới các bạn cách làm món bánh bí đỏ nướng kiểu Nhật ngọt thơm lạ miệng, giàu dinh dưỡng và có thể dự trữ trong tủ lạnh đến 5 ngày mà vẫn giữ được độ thơm ngon.


Nguyên liệu làm bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật

Nguyên liệu làm vỏ bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật

  • 6-8 thìa canh nước đá lạnh
  • ½ bát bột mochiko (bột làm bánh mochi của Nhật)
  • ¼ bát + 2 thìa canh bột yến mạch
  • ¼ cốc bột hạt kê
  • ¼ cốc bột bắp
  • 2 thìa canh tinh bột năng
  • 2,5 thìa canh hạt chia xay nhỏ
  • 1 thìa canh đường
  • ½ thìa cà phê muối biển
  • 115gr bơ mặn lạnh thái lát dày khoảng 6mm
  • 1 thìa cà phê dấm táo

Nguyên liệu làm bhân bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật

  • 1 quả bí đỏ/bí ngô cỡ trung bình
  • ¼ bát siro lá phong
  • ½ bát đường cát
  • 1 thìa cà phê gừng tươi bào mịn
  • ½ thìa cà phê quế
  • ¼ thìa cà phê nhục đậu khấu tươi nạo
  • 1/8 thìa cà phê hạt tiêu
  • 3/4 thìa cà phê muối
  • 3 quả trứng
  • ½ bát + 1 thìa cà phê chiết xuất vani
  • 2 bát buttermilk

Cách làm bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật

Cách làm vỏ bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật


Bước 1: Trộn bột mochiko, bột yến mạch, bột hạt kê, bột bắp, bột năng, bột hạt chia, đường và muối trong một cái bát to.

Bước 2: Cho bơ vào bát và trộn đều, có thể cho hỗn hợp vào máy xay sinh tố để các thành phần hòa quyện vào nhau.

Bước 3: Khuấy hỗn hợp trên với nước đá lạnh, giấm táo rồi để nghỉ khoảng 10 phút. Sau đó, nhào hỗn hợp thật kỹ và mạnh tay (mất khoảng 10 phút) rồi để bột nghỉ thêm khoảng 20 phút.

Bước 4: Cán hỗn hợp bột đã nhào mỏng khoảng 6mm - 1cm rồi cho vào trong khuôn nướng tròn. Tạo viền vỏ bánh như trên ảnh rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 20 phút rồi nướng trong vòng 30 phút. Để vỏ bánh ra ngoài cho nguội.

Cách làm nhân bánh bí đỏ nướng kabocha kiểu Nhật

Bước 5: Bổ bí đỏ ra làm 4 phẩn (không cần bỏ vỏ, hạt) và nướng trong vòng 10 phút.

Bước 6: Để bí ngô nướng nguội, bỏ vỏ và hạt rồi xay nhuyễn trong máy xay sinh tố.

Bước 7: Trộn đều siro, đường cát, gừng, quế, nhục đậu khấu, hạt tiêu, muối, trứng và vani vào trong bát.

Bước 8: Cho bí ngô xay nhuyễn vào trong bát, rót thêm buttermilk vào và đảo đều rồi rót vào trong lòng vỏ bánh.

Bước 9: Trang trí bề mặt bánh bằng buttermilk tùy theo ý thích rồi nướng bánh ở nhiệt độ 400ºC trong vòng 10 phút, sau đó giảm nhiệt độ đến 300ºC nướng trong 20 - 35 phút nữa sau đỏ bỏ ra ngoài để nguội rồi để trong tủ lạnh khoảng 1 - 2 giờ.





Chúc các bạn thành công với món bánh bí đỏ kiểu Nhật bổ dưỡng, cực kỳ tốt cho sức khỏe nhà nhé!!!

Cách làm bánh dẻo trung thu vỏ bí đỏ

BÁNH TRUNG THU VỎ BÍ ĐỎ - PUMPKIN MOONCAKE, tặng cả nhà công thức làm bánh trung thu bí đỏ không cần lò nướng, không cần nấu nước đường làm bánh trung thu luôn nè. Cách làm bánh trung thu bí đỏ này có thể để hộp kín rồi bảo quản lạnh như bánh dẻo lạnh, sử dụng trong vòng 3 ngày nha!

Đặc biệt lưu ý khi làm bánh trung thu bí đỏ là sau khi gọt vỏ, cắt bí đỏ, rửa sạch thì chúng ta cần nấu ngay, tránh để quá lâu ở môi trường ngoài sẽ làm thất thoát thành phần dinh dưỡng.


Công thức làm bánh dẻo trung thu vỏ bí đỏ cho 6 chiếc bánh 50gr

  • Bí đỏ (đã được hấp chín): 100gr
  • Whipping cream: 10gr
  • Bột nếp: 65gr
  • Bột gạo tẻ: 25gr
  • Dầu ăn: 5gr

Cách làm bánh dẻo trung thu vỏ bí đỏ

Bước 1: Nghiền nhuyễn bí đỏ sau khi hấp chín.

Bước 2: Khi bí còn nóng thì cho tất cả các nguyên liệu còn lại vào nhào đều cho đến khi thành 1 khối hơi dẻo dẻo (không quá dẻo không quá khô, nên đi găng để khỏi dính tay).

Lưu ý: Tùy theo loại bột bạn sử dụng mà lượng bột có thể thay đổi 1 chút nên khi nhào bột cứ cảm nhận là được.

Bước 3: Cho bột nghỉ 10' sau đó chia theo tỉ lệ nhân:vỏ là 1:2

Bước 4: Bọc vỏ bánh và nhân bánh lại, áo bột với bột nếp rồi nhấn vào khuôn (nên sử dụng kiểu khuôn lò xo cho dễ ấn bánh).

Bước 5: Để bánh lên giấy nến và hấp khoảng 12' (khuôn 50gr nên chỉ khoảng 10' thấy bánh trong là đã chín). 

Với cách làm bánh trung thu vỏ bí đỏ này các bạn sử dụng nhân bánh tùy ý theo sở thích, vì là bánh dẻo lạnh nên dùng các loại nhân nhuyễn sẽ hợp vị hơn. Tham khảo cách sên nhân đậu xanh siêu nhanh chỉ 30' này để hoàn thiện bánh nha!

Lợi và hại khi sử dụng bí đỏ làm bánh bí đỏ, làm bánh trung thu bí đỏ

Được ứng dụng nhiều trong các công thức làm bánh và pha chế đồ uống, nhưng chị em cũng nên lưu ý sử dụng bí đỏ/bí ngô đúng cách để đạt được những lợi ích tốt cho sức khỏe nha!!!

Lợi ích của bí đỏ với sức khỏe

1. Bảo vệ niêm mạc dạ dày và tốt cho tiêu hóa: Bí đỏ chứa các loại vitamin và pectin giúp cơ thể loại bỏ độc tố, vi khuẩn có hại. Pectin còn bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa của cơ thể, giúp quá trình tiêu hóa thực phẩm diễn ra thuận lợi hơn.

2. Hạn chế và kiểm soát bệnh tiểu đường: Loại thực phẩm này giúp hạ đường huyết trong máu, hạn chế nguy cơ bị tiểu đường. Nếu bạn đang bị tiểu đường thì việc thường xuyên ăn bí đỏ sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển mạn tính.

3. Phòng chống bệnh tim mạch: Hạt bí đỏ chính là một nguồn cung cấp physterol và axit béo omega 3, omega 6 giúp giảm lượng cholesterol xấu có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng huyết áp rất hiệu quả

4. Tốt cho xương và mắt: Giàu carotene chuyển hóa thành vitamin A, rất tốt cho mắt của bạn. Mặt khác, bí đỏ chứa chất khoáng, canxi, magie, photpho, sắt và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp xương phát triển.

5. Tốt cho não và phụ nữ mang thai: Chất axit glutamine trong bí đỏ rất cần thiết cho hoạt động của não bộ. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, việc thường xuyên ăn hạt và hoa bí đỏ không chỉ giúp phát triển tế bào não của thai nhi mà còn ngăn ngừa tăng huyết áp, phù nề…

6. Tăng cân hiệu quả: Chứa nhiều tinh bột và dễ dàng chuyển hóa thành glucose, giúp tăng cân. Hơn nữa, bí đỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, vitamin K, vitamin C, vitamin E… giúp nâng cao sức khỏe.

7. Giảm cân: Tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng bí đỏ lại chứa hàm lượng chất béo và calo thấp. Hơn nữa, bí đỏ còn tạo cảm giác no lâu nên sẽ giúp hạn chế sự thèm ăn.

8. Giúp da đẹp lên từng ngày: Bí đỏ lại chứa vitamin C, giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa da hiệu quả.

Những sai lầm khi sử dụng bí đỏ

1. Ăn bí đỏ đã già và để lâu dễ lên men: Bí đỏ chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, nếu lưu trữ trong thời gian dài dễ khiến bên trong bí đỏ xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.

2. Ăn bí đỏ khi bị rối loạn tiêu hóa: Một lưu ý nữa cho bạn đó là người bị rối loạn tiêu hóa hạn chế ăn bí đỏ vì hàm lượng chất xơ trong bí đỏ quá cao, không tốt cho tình trạng bệnh.

3. Bảo quản trong tủ lạnh gây ngả màu mất an toàn: Không bảo quản bí đỏ đã nấu trong tủ lạnh, tuyệt đối không bảo quản ở ngăn đá, vì nếu để lạnh bí đỏ sẽ ngả sang màu nâu vàng, không an toàn khi ăn.

4. Ăn bí đỏ liên tục sẽ gây vàng bàn tay, bàn chân: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên ăn bí đỏ quá 2 bữa/tuần. Nguyên do là trong bí đỏ chứa rất nhiều tiền chất của vitamin A, nếu bạn ăn nhiều, chất này không kịp tiêu hóa, sẽ dự trữ ở gan và dưới da. Do đó, sẽ khiến cho chóp mũi lòng bàn tay, bàn chân dễ có màu vàng.

5. Nấu bí đỏ với dầu ăn, Nấu bí đỏ với đường: KHÔNG nấu với dầu ăn vì nếu sử dụng dầu ăn để rán hoặc xào bí đỏ có nghĩa là bạn đang làm giảm những dưỡng chất của chúng. Vì vậy, thay vì rán hoặc xào, bạn nên chế biến theo cách luộc, nướng hoặc hấp. KHÔNG nấu với đường vì bí đỏ được coi là thực phẩm thay thế đường đối với những bệnh nhân tiểu đường. Hãy luôn luôn nhớ, đừng bao giờ cho đường vào các món ăn được chế biến từ bí đỏ.

6. Đối với trẻ em, không nên cho trẻ ăn bí đỏ quá thường xuyên: vì dễ làm dư thừa caroten. Còn với trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm, các bạn cũng không nên cho trẻ ăn bí đỏ vì có thể làm trẻ bị hóc với hạt bí đỏ.

Công thức làm bánh trung thu chocolate vị rượu sữa

Chooclate dường như là nguyên liệu thích hợp lạ lùng trong làm bánh, kẹo và pha chế và truffle là minh chứng rõ ràng cho ví dụ đó. Nay kết hợp 1 loại kẹo với 1 loại rượu để làm bánh dẻo trung thu thì hương vị sẽ bùng nổ như thế nào? Thử xem nhé!!!


cong-thuc-lam-banh-trung-thu-chocolate

Nguyên liệu làm bánh trung thu chocolate vị rượu sữa

Phần nhân truffle:

  •  140gr chocolate đen, bẻ nhỏ
  •  1 ½ tbsp rượu sữa Baileys
  •  1 ½ tbsp heavy cream
  •  Một ít muối

Phần nhân chocolate:

  •  55gr chocolate đen, bẻ nhỏ
  •  270gr hạt sen xay nhuyễn không đường (no-sugar white lotus paste)
  •  1 tbsp rượu sữa Baileys
  •  20gr hạt dưa rang chín

Phần vỏ bánh:

  •  90gr bột gạo nếp rang
  •  40gr đường bột
  •  5gr bột cacao
  •  40gr bơ lạnh, cắt nhỏ
  •  50ml rượu sữa Baileys để lạnh
  •  150g soda để lạnh (7UP hay Sprite đều được nhé)

Dụng cụ làm bánh trung thu chocolate vị rượu sữa

  •  Nồi
  •  Tô
  •  Khuôn bánh Trung thu

Cách làm bánh trung thu chocolate vị rượu sữa

Bước 1:  Đun cách thủy chocolate cho tan chảy ra cùng với một ít muối. Sau đó cho heavy cream vào trộn đều cùng chocolate tan chảy

Bước 2 Cho thêm rượu sữa Baileys vào trộn đều cùng hỗn hợp chocolate ở bước 1. Sau đó cho hỗn hợp chocolate này vào trong tủ lạnh cho đến khi hỗn hợp đông lại.

Bước 3: Sau khi hỗn hợp chocolate đã đông lại thì lấy ra, chia hỗn hợp thành những phần nhỏ (khoảng 10gr) rồi vo tròn lại. Sau đó đặt những viên chocolate truffle này trở lại vào trong tủ lạnh

Bước 4:  Để làm phần nhân chocolate hạt sen, bạn hãy đun cách thủy chocolate tan chảy ra hết rồi cho hạt sen xay nhuyễn không đường  và rượu sữa Baileys vào trộn đều cùng. Cuối cùng cho tiếp hạt dưa rang chín vào trộn đều cùng hỗn hợp trên

Bước 5:  Chia hỗn hợp nhân chocolate hạt sen thành từng phần nhỏ bằng nhau rồi vo tròn lại

Bước 6:  Ấn dẹt viên nhân chocolate hạt sen rồi đặt viên chocolate truffle đã để cho đông cứng lại vào giữa, vo tròn để phần nhân chocolate truffle không bị hở ra ngoài. Sau đó đặt viên nhân đã hoàn chỉnh vào trong tủ lạnh cho đông cứng lại

Bước 7: Với phần vỏ bánh, bạn trộn đều bột gạo nếp rang, bột cacao và đường bột lại với nhau trong 1 cái tô lớn. Cho thêm bơ, rượu sữa Baileys và soda vào tô hỗn hợp bột. Trộn và nhào đều để thu được 1 khối bột dẻo mịn.

Bước 8:  Chia khối bột làm vỏ bánh ra thành những phần nhỏ bằng nhau, vo tròn, ấn dẹt rồi đặt viên nhân đã làm vào giữa, túm bột rồi vo tròn lại sao cho nhân không bị hở ra ngoài. Cho viên bánh vào trong khuôn bánh Trung thu, ấn và nén để bánh được tạo hình là hoàn thành!

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Khám phá 9 loại cheese (phô mai) được dùng trong công thức làm bánh

Có vô vàn cheese, mà các công thức bánh lại chỉ nói dùng cheese thì biết dùng loại nào nhỉ? Liệu có phải dùng sai nguyên liệu nên bánh của chúng mình mới thất bại không nhỉ? Hừm, vậy thì phải lưu ngay lại bài này để ngâm cứu và rút kinh nghiệm thui!!! Click vào ảnh để biết đó là các loại cheese gì nhé!

>>> Bơ - Butter nguyên liệu quan trọng trong làm bánh
>>> 7 mẹo làm bánh - cách sử dụng bơ siêu hay ho
>>> Mẹo hay khi làm bánh

1, Parmesan


Là tên gọi tắt của loại cheese Parmigiano-Reggiano. Đây là loại cheese đặc trưng nhất trong món pasta. Parmesan là loại cheese cứng, làm từ sữa bò và phải mất tối thiểu 1 năm, thường là 2 đến 3 năm ủ để cheese đạt độ "chín".

Parmesan có thể dùng để ăn ngay hoặc để nấu trong các món ăn. Khi ăn, parmesan thường phải bào vụn, bào sợi, thái lát hoặc cắt thành vụn nhỏ.

Nên mua Parmesan nguyên khối, khi nào dùng thì mới đem bào nhỏ, loại này ngon hơn và giữ được hương vị cheese tốt hơn là loại đã bào vụn sẵn.

2, Cheddar


Đây cũng là một loại cheese cứng, có màu vàng nhạt ngà trắng, có nguồn gốc từ làng Cheddar, Somerset, là loại cheese phổ biến nhất ở Anh và cũng là loại cheese được tiêu thụ với số lượng lớn nhất thế giới. Cheddar càng ủ lâu thì càng "sắc", thời gian để cheddar đạt độ "chín" là từ 9 đến 24 tháng. 

Cheddar lát thường dùng trong:
- Burger, các loại bánh mì sandwich.
- Các món nướng như pasta nướng hay pizza, hoặc casserole, rissotto.
- Các món bánh mặn như bánh quy, tart mặn, muffin mặn, vv...

Nên mua cheddar nguyên miếng lớn rồi cắt theo nhu cầu sẽ ngon hơn.

3, Mozzarella


Loại cheese này có nguồn gốc từ Italy, còn được xếp chung vào nhóm cream cheese, được làm từ sữa trâu nước hoặc sữa bò. Ở dạng tươi, mozzarella khá mềm, có màu từ trắng đến ngả vàng tùy theo chế độ ăn uống của con trâu hay bò được lấy sữa. Truyền thống thì mozzarella tươi được làm và ăn ngay trong ngày. 

Do có độ ẩm lớn nên mozzarella tươi có thể được bảo quản trong tủ lạnh khoảng 1 tuần. Những loại mozzarella đã được làm khô đi bằng cách giảm nước và đã được cắt thành vụn nhỏ như ngày nay có thể được bảo quản đến 6 tuần.

Mozzarella là loại cheese không thể thiếu trong món pizza, sau khi nướng mozzarella sẽ chảy và tạo thành những sợi cheese dai và dính.

Mozzarella là dạng cheese mềm và ẩm nên nó cũng rất mau bị mốc lên. Không để quá lâu, giữ trong ngăn chil room của tử lạnh, dùng tay sạch và dao sạch khi cắt.

4, Blue


Tên gọi của loại cheese này để miêu tả những đốm màu xanh lam, đôi khi là xanh  xám hoặc xanh pha màu lam trong miếng cheese. Chính thành phần màu xanh lam này tạo nên mùi vị đặc trưng. 

Loại cheese này được làm từ sữa bò, cừu hoặc sữa dê, blue cheese chỉ là tên gọi chung cho hàng loạt các loại blue cheese với những tên gọi khác nhau.

Loại cheese này rất thích hợp để ăn kèm với hoa quả, crackers (1 loại bánh quy giòn) hoặc rượu vang. Tuy nhiên nó có mùi khá nặng và vị hơi khó ăn đối với những người không quen ăn.

Giá thành của loại cheese này khá cao, thường chỉ những món ăn Tây rất đặc biệt ở trong các nhà hàng và khách sạn 5* mới dùng đến loại này.

5, Emmental


Emmental là tên gọi một loại cheese làm từ sữa bò có nguồn gốc từ Thụy Sĩ. Thời gian để ủ cheese này tối thiểu là 4 tháng. Cheese này có  màu vàng nhạt, vị cũng rất dễ ăn, thậm chí có vị chua nhẹ hơi giống vị chua hoa quả.

Đây không phải là cheese cứng cũng không mềm, nó hơi dẻo, khi nấu nó rất dễ tan, vì vậy nó thường được dùng để tạo thêm hương vị cho các món súp.

Người phương tây rất hay ăn cheese kèm hoa quả tươi, và emmental luôn là một lựa chọn ưa thích của nhiều người. Emmental cũng được sản xuất thành các lát mỏng để ăn với burger hoặc bánh mì sandwich. Nhà mình cũng hay mua loại cheese emmental dạng những lát vuông để ăn bánh mì.

6, Edam


Là tên gọi một loại cheese của Hà Lan bắt nguồn từ vùng Edam. Loại cheese này có hình dạng đặc trưng là hình dạng quả cầu hoặc hình trụ tròn, màu vàng nhạt và được bọc vỏ màu đỏ.

Edam là loại cheese rất dễ bảo quản, khó hỏng, càng để lâu thì nó trở nên cứng hơn, vì vậy nó dễ dàng được đem qua đem lại trao đổi buôn bán giữa các nơi do đó trở thành loại cheese nổi tiếng và phổ biến nhất trong khoảng thế kỉ 14 – 18.

Loại cheese này cũng dễ tan, dễ thái lát mỏng nên hay được dùng làm topping cho bánh sandwich, burger, cho thêm vào súp để tạo hương vị.

7, Cream


Là một loại phô mai hay gọi tên tiếng Việt là kem phomai. Đây là loại cheese tươi, màu trắng, mềm, có vị cheese nhẹ nhàng và hơi ngọt.

Cream cheese là nguyên liệu chính và rất quen thuộc để làm cheesecake – bánh phômai. Cream cheese cũng có thể được ăn “tươi” kèm với bánh mì, cracker, v.v, hoặc làm thành kem phủ bánh. Một số loại bánh mà bản thân nó phải dùng kem creamcheese thì mới gọi là chuẩn vị, ví dụ như bánh red velvet, bánh cà rốt.

Cream cheese có thể tự làm tại nhà.

8, Mascarpone


Là một loại phô mai tươi mềm mịn mà bản thân nó không hẳn là cheese, nó chỉ là sản phẩm được tạo nên khi thêm một thành phần phụ gia vào quá trình tách kem khỏi sữa. Mascarpone mềm, màu trắng, tươi.

Mascarpone có thể được ăn ngay kèm với các món tráng miệng, với hoa quả, làm cheesecake không cần nướng, hoặc thêm vào súp khi làm các món súp kem để tăng độ ngậy béo và thơm cho súp.

Mascarpone có nguồn gốc từ Ý và đã tạo nên món bánh nổi tiếng Tiramisu của Ý. Món Tiramisu cổ điển thực sự có phần kem rất mềm, mượt nên gần như cả cái bánh tiramisu khó có thể tự nó “đứng” được, nhất là khi phần bánh còn được thấm đẫm rượu cà phên, vì vậy người ta thường làm Tiramisu vào cốc và khi ăn bạn cần thấy lớp kem này chảy mềm ra. Tiramisu được bán ở VN tại các quán cafe, hoặc tiệm bánh, hoặc tư nhân làm, rất nhiều khi đã được thêm gelatin vào và không hề dùng mascarpone đâu các bạn nhé, phần kem thậm chí còn cứng và dai, đặc quánh.

9, Ricotta


Có nguồn gốc từ Ý, được làm từ nước tách từ sữa bò hoặc cừu. Trong quá trình tách kem để làm cheese có nước được tách ra, và chính nước này được sử dụng để làm ricotta.

Loại cheese này mềm, có màu trắng, vị hơi ngọt và rất ít béo. Ricotta được ưa chuộng để làm các món dessert của Ý hoặc ăn kèm với các món tráng miệng khác. Ricotta cũng được dùng để làm cheesecake và nhiều loại cookies. Pasta và pizza cũng có những công thức làm với ricotta.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

6 công thức pha chế Mojito chuẩn như bartender

Mojito là đồ uống truyền thống của Cuba, bao gồm năm thành phần: rum trắng, đường, nước cốt chanh, nước soda và bạc hà. Về sau được kết hợp thêm của vị ngọt tự nhiên của các loại trái cây như: cam quýt, dâu tây, dứa... làm cho hương vị ngày càng hoàn hảo và trở thành một thức uống phổ biến.

Trong các công thức pha chế luôn có nguyên liệu nước đường, nước đường ở đây được làm theo tỉ lệ: 1kg đường với 700ml nước nóng. Đổ đường vào trong nước nóng sau đó trộn đều để đường tan ra tạo thành dung dịch.

1, Strawberry Mojito - Mojto Dâu tây 

Mojito dâu tây mát lạnh với màu đỏ bắt mắt kết hợp với màu xanh của lá bạc hà hứa hẹn sẽ là một thứ thức uống tuyệt vời!!!

Nguyên liệu pha chế mojito dâu tây:

- 15ml Siro Torani Mojito Mint.

- 15ml Siro Torani Strawberry.

- 10 ml Lime Fruit (hoặc Torani Lime syrup).

- 6 - 7 lá bạc hà (hoặc lá húng lũi).

- 1 lon sprite (Hoặc soda, 7up).

- 15 ml nước đường.

- Vài lát dâu tây.

Cách pha chế mojito dâu tây:

Bước 1, Cho Lime Fruit, 2 loại siro, lá bạc hà vào cối nghiền nát để các nguyên liệu có thể hòa quyện thật tốt.

Bước 2, Rót hỗn hợp vào shaker cocktail, cho vào vài viên đá và lắc đều trong 30s.

Bước 3, Đổ thức uống vào ly thủy tinh rồi cho sprite vào cho đầy. Trang trí với vài lát dâu tây và lá bạc hà (Hoặc húng lũi) để món uống thêm bắt mắt.

2, Classic Mint Mojito - Mojito chanh bạc hà cổ điển


Với những nguyên liệu thề luôn là tủ lạnh nhà nào cũng có, cách làm đơn giản chỉ mất ít phút thôi bạn đã có ngay tại nhà một thứ thức uống vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn mà lại tiết kiệm rồi. Chạy xuống Bếp làm ngay thôi nào!!!

Nguyên liệu làm Classic Mint Mojito

- 10 lá húng (hoặc lá bạc hà)

- 20ml nước đường

- 1 chút Siro Mojito Mint

- 1 lon 7 Up

- 2 lát chanh mỏng

Một số lưu ý đối với cách làm Mojito:

- Làm nước đường theo tỉ lệ: 1kg đường với 700ml nước nóng. Đổ đường vào trong nước nóng sau đó trộn đều để đường tan ra tạo thành dung dịch.

- Chanh chỉ lấy 2 lát chanh mỏng, không nên bỏ nhiều quá vì sẽ rất là chua.

Cách làm Classic Mint Mojito

Bước 1️: Bỏ lá húng (hoặc lá bạc hà) và nước đường vào trong ly, vắt chanh vào trong ly.

Bước 2️: Dầm hỗn hợp vừa rồi cho nước đường, mùi lá húng trộn lẫn lại với nhau.

Bước 3️: Đổ đá lên trên rồi tiếp tục đổ Syrup Mojito Mint lên trên đá. Cuối cùng là đổ 7 Up lên trên cùng và trộn các nguyên liệu lại với nhau.

Tèn ten vậy là hoàn thành rồi, siêu nhanh siêu đơn giản phải không nào ^_^

3, Raspberry Mojito - Mojito phúc bồn tử


Quả phúc bồn tử chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu ích trong việc ngăn ngừa thiếu máu, điều trị bệnh tiêu chảy, chảy máu kinh nguyệt và xuất huyết âm đạo. Là thuốc chữa sốt, cảm lạnh, cảm cúm rất hiệu quả. Trong các loại thảo dược của Trung Quốc, quả phúc bồn tử được dùng để điều trị các bệnh về thận. Và đặc biệt là giúp làm đẹp da, đẹp tóc cho phái nữ.

Là loại quả quá tốt để ứng dụng nhiều trong làm bánh và pha chế, lưu ngay công thức mojito phúc bồn tử này lại để làm cho cả nhà nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị dể làm Mojito phúc bồn tử

- 20 gram quả phúc bồn tử (Raspberry)

- 10 gram đường cát trắng

- 50 ml nước lọc

- Chanh tươi

- Lá bạc hà

- Soda

Hướng dẫn cách làm mojito phúc bồn tử

Bước 1: Đầu tiên bạn nên loại bỏ phần cuống của quả phúc bồn tử tươi, sau đó rửa sạch với nữa rồi ngâm sơ qua với nước muối từ 5 – 10, vớt ra để cho ráo nước.

Bước 2: Cho 50 ml nước lọc, 10 gram đường cát trắng và 20 gram quả phúc bồn tử vào một cái nồi nhỏ. Bắt nồi lên bếp, đun với lửa liu riu, vừa đun vừa khuấy khoảng 5 – 10 phút cho đường tan hết. Tiếp tục đun đến khi quả phúc bồn tử vỡ nhuyễn ra và nước đường chuyển màu là được, tắt bếp, để nguội.

Bước 3: Khi hỗn hợp đã nguội thì cho 30 ml vào ly thủy tinh, thêm 1 lát chanh tươi cùng vài lá bạc hà vào.


Bước 4: Thêm đá viên vào đầy ly, rót sodo vào. Lúc này ly mojito phúc bồn tử có 2 tầng rõ màu rất đẹp và bắt mắt. Để thức uống thêm hấp dẫn bạn có thể cho thêm vài quả phúc bồn tử và 1 lát chanh tươi lên trên.


Khi thưởng thức bạn hãy khuấy đều lên để thức uống được quyện vào nhau, sự kết hợp này sẽ mang đến cho người dùng cảm giác hưng phấn, tỉnh táo!!!

4, Pineapple Mojito - Mojito dứa


Với màu sắc thanh mát, vàng tươi. Vị nước thì thơm thơm, chua chua, ngọt ngọt và có chút the sảng khoái. Mojito dứa chắc chắn phù hợp cho các buổi sum họp đó ;)

Nguyên liệu cần chuẩn bị để pha chế cho 2 ly:

- Dứa: ½ quả

- Chanh: 1 quả (mọng nước)

- Đường nâu: 30gr

- Bạc hà: 7gr

- Nước dứa: 100ml

- Nước soda

Cách pha chế mojito dứa chanh bạc hà:

Bước 1, Bắt đầu với việc gọt sạch dứa. Gọt bỏ vỏ cứng và mắt thơm để dứa không bị cứng và sơ, đồng thời bỏ phần ruột cứng phía trong dứa. Cắt dứa thành từng miếng vuông nhỏ như quân cờ.

Bước 2, Để lại khoảng 4 miếng dứa tươi, còn phần còn dứa cắt nhỏ cho vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Chắt lấy nước. Hoặc bạn có thể sủ dụng máy ép để ép lấy nước nếu như mình không thích uống có gợn.


Bước 3, Tiếp đến, ngắt lá và ngọn bạc hà cho vào ly, vắt thêm nước chanh, sau cùng là cho thêm đường nâu. Dùng chày nhỏ hoặc thìa gỗ dã nát hỗn hợp chanh, bạc hà trong ly.


Bước 4, Sau đó là cho phần nước dứa vào ly, đổ thêm soda. Cuối cùng là chia nước làm 2 phần, thêm đá viên hoặc đá bào vào để làm lạnh món nước của mình, tăng độ sảng khoái cho khẩu vị khi thưởng thức nhé.

5, Coconut Mojito - Mojito dừa


Vị beo béo ngậy ngậy của nước cốt dừa hòa cùng vị the the từ bạc hà sẽ đem lại cho bạn sự thư giãn, hứng khởi như ở vùng biển nhiệt đới vậy ;)

Nguyên liệu

- 25gr lá bạc hà tươi.

- 20ml nước cốt chanh.

- 65ml rum dừa.

- 40ml nước cốt dừa đặc.

- 1 lon soda chanh.

- 15 - 25ml nước đường, tùy khẩu vị mỗi người.

Vật dụng pha chế:

Bình shaker, ly mojito, lát chanh để trang trí.

Cách pha chế mojito dừa:

Bước 1: Nghiền lá bạc hà trong bình sốc cho nát vụn, dùng chày nhỏ hoặc muỗng. Thêm nước chanh vào, trộn đều.

Bước 2: Rót nước đường, rượu rum và nước cốt dừa vào bình shaker rồi cho khoảng 7 viên đá nhỏ.

Bước 3: Đậy nắp cho kín rồi lắc đều khoảng 2 phút.

Bước 4: Rót hỗn hợp vào ly, tiếp đó rót soda chanh vào cho tới gần 2/3 ly, cho thêm đá nữa cho đầy. Bạn có thể trang trí ly cho đẹp với một lát chanh cắt lát, lá bạc hà.


Thưởng thức ly mojito thơm vị dừa và the lạnh bạc hà nhé!

6, Mojito nhiệt đới


Mojito nhiệt đới hài hòa giữa trái cây và nước có gas làm nên một khúc biến tấu vừa nhiều vitamin vừa giúp bạn giải khát và thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc. Hãy nhanh tay thực hiện và thưởng thức nhé!

Nguyên liệu làm mojito nhiệt đới

- 350 gram dâu tây tươi

- ½ chén đường

- 1 lon soda

- 1 nhúm lá húng lủi

- 1 quả chanh

- 1/8 muỗng cà phê muối

Cách pha chế mojito nhiệt đới

Bước 1: Dâu tay rửa sạch, bỏ cuống và phần dập hư, ngâm với tí muối rồi rửa lại với nước sạch. Cắt dâu tây thành những lát nhỏ vừa ăn, ướp với ½ muỗng đường. Công đoạn này sẽ giúp dâu tây thơm ngơn hơn, giữ được màu sắc đẹp đến ngụm cuối cùng. Chanh vắt lấy nước cốt, bỏ hạt.

Bước 2: Cho dâu tây ướp đường vào bình lắc, bạn nhớ chắt hết phần nước đường ướp dâu vào chung, thêm nước cốt chanh, 1 chút muối, lá húng lủi và đá viên rồi đậy nắp bình lắc, lắc đều.


Bước 3: Đổ phần dâu tây ra ly, làm đầy ly với soda là hoàn thành.


Kết hợp dâu tây với chanh và lá húng lủi là bí quyết để thực hiện món mojito nhiệt đới cho những ngày nóng bức. Bạn có thể dùng nhiều loại trái cây nhiệt đới khác nhau để thay thế dâu vẫn ngon và hấp dẫn.

Thế là mùa hè mát lạnh khi có đủ 6 công thức pha chế Mojito chuẩn như bartender đây rồi, cộng thêm cả công thức pha chế mojito chanh leo mát lạnh nữa là đập tan cơn nắng luôn ạ!
 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design