Hiển thị các bài đăng có nhãn gelatin. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn gelatin. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

16 món thạch rau câu cho hè mát rượi

Để làm thạch rau câu cần dùng rau câu và gelatine, Bếp đã có những bài rất chi tiết về nguyên liệu và cách sử dụng rồi, các bạn xem ở đây nhé ạ!!!

16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh

1. Thạch ngọc trai

Nguyên liệu làm thạch ngọc trai

  • Bột rau câu Jelly: 10 g
  • Bột agar: 5g
  • Đường: 110g
  • Nước: 500ml
  • Siro (Vị tùy thích): 20ml
  • 1 cốc nước to + 1 chút dầu ăn

16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-1

Cách làm thạch ngọc trai

Bước 1: Cho dầu ăn vào cốc nước to đã chuẩn bị, dầu ăn sẽ nổi lên trên nước, lớp dầu dày khoảng 1cm là được. Để cốc nước dầu này vào tủ lạnh cho thật lạnh.

Bước 2: Trộn đều phần bột thạch với đường. Đun sôi nước đổ từ từ phần bột thạch vào, vừa đổ vừa khuấy đều để thạch không bị vón cục, nấu cho thạch sôi lại thì tắt bếp và cho siro hoa quả vào khuấy đều (nếu có).

Bước 3: Dùng ống nhỏ giọt hút thạch vào và nhỏ từng giọt thạch vào cốc nước dầu lạnh. Thạch sẽ đông lại thành từng viên tròn trong lớp dầu và rơi xuống lớp nước.
Lưu ý: Nhỏ mạnh tay viên thạch sẽ to ra. Có thể thay ống nhỏ giọt bằng bình đựng nước sốt có đầu nhỏ giọt hay bất cứ dụng cụ nào nhỏ giọt được. Nếu làm nhiều các bạn đặt nồi thạch trên bếp để lửa nhỏ nhất để thạch không bị đông lại.
Bước 4: Vớt thạch ra rửa lại với nước cho hết dầu rồi để ráo.

2. Thạch rau câu dưa hấu

Nguyên liệu làm thạch rau câu dưa hấu

  • Dưa hấu: 1/2 quả
  • Đường: 130 gr
  • Bột rau câu: 1 gói (có thể dùng loại sương sáo trắng hoặc gelatin)
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-2

Cách làm thạch dưa hấu

Bước 1: Trước tiên cần sơ chế dưa hấu, có thể dùng dao gọt bỏ vỏ rồi lấy phần ruột hoặc dùng thìa nạo phần ruột của dưa hấu. Chú ý nạo đều tay để tạo khuôn.

Bước 2:
– Nhặt bỏ hết hạt ở phần ruột dưa sau đó cho dưa hấu vào ép lấy nước.
– Nếu không có máy ép hoa quả bạn có thể cho dưa hấu vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn. Sau đó lấy một miếng vải sạch hay một rây lưới có mắt nhỏ lọc lấy phần nước dưa.

Bước 3:
– Cho đường và 1 gói bột rau trộn đều hai hỗn hợp này
– Đổ khoảng 150 ml vào nồi đun sôi lên, sau đó cho bột rau câu vào, vừa cho vừa quấy đều để bột không vón cục và đun sôi khoảng 5-8 phút.
– Cuối cùng đổ phần nước dưa hấu đã lọc vào hỗn hợp bột rau câu vừa đun rồi đổ vào khuôn dưa, đợi cho nước dưa hấu trong khuôn nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh.
– Chờ khi thạch dưa hấu đã đông hoàn toàn là bạn có thể lấy ra để cả gia đình cùng ăn rồi.

3. Rau câu hạnh nhân

Nguyên liệu làm rau câu hạnh nhân

  • 10gr rau câu
  • 200gr đường cát trắng
  • ¼ lít sữa tươi
  • 1 lít nước
  • 15gr bột hạnh nhân
  • ½ muỗng cafe thạch cao
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-3

Cách làm rau câu hạnh nhân

Nấu rau câu, thạch cao, đường với 1 lít nước, nước sôi hòa tan hoàn toàn là được, nhắc xuống đổ sữa tươi và bột hạnh nhân vào khuấy đều. Thấy gần nguội đổ vào khuôn nhôm, nhựa. Để tủ lạnh.

Yêu cầu thành phẩm khi làm rau câu hạnh nhân

– Giữ đúng phân lượng để bánh có độ mềm, cứng vừa ăn
– Bánh thơm vị hạnh nhân và sữa tươi
– Nếu chọn rau câu ngon, giòn thì không cần dùng thạch cao

4. Rau câu lá dứa

Nguyên liệu làm rau câu lá dứa

  • Nước dừa xiêm (1 quả)
  • 100 ml nước cốt dừa
  • 1 bó lá dứa (tên gọi khác là lá nếp)
  • 3 lít nước lạnh
  • Đường cát trắng
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-4

Cách làm rau câu lá dứa

Bước 1: Đem tháo bỏ bó lá dứa, rửa sạch với nước cho hết đất cát bẩn bám vào rồi dùng dao cắt lá dứa thành khúc dài chừng 3 cm. Cho lá dứa vào máy xay sinh tố cùng một chút nước lạnh, xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt.

Bước 2: Chuẩn bị một nồi nhỡ, chế 500 ml nước lạnh vào nồi, tiếp theo hòa tan gói bột thạch vào nước. Dùng thìa khuấy đều.

Bước 3: Thêm nước dừa xiêm, đường trắng vào hòa tan. Rồi bật bếp đun sôi hỗn hợp. Trong khi đun, bạn nhớ dùng đũa khuấy thật đều để rau câu không bị vón cục nhé.

Bước 4: Nước rau câu sôi, bạn bắc xuống và chia thành hai phần bằng nhau. Với phần nước rau câu thứ nhất, cho nước lá dứa vào khuấy tan tạo thành hỗn hợp màu xanh, phần rau câu còn lại hãy hòa với nước cốt dừa để tạo ra hỗn hợp rau câu màu trắng sữa tinh khiết.

Bước 5: Đổ phần rau câu màu xanh vào khuôn làm rau câu. Bạn chỉ nên đổ một nửa nhé. Sau đó, chờ một lát cho rau câu lá dứa màu xanh đông lại thì tiếp tục đổ nốt phần rau câu dừa màu trắng lấp đầy khuôn thạch bạn nhé.

Cuối cùng, hãy cho các khuôn thạch này vào ngăn mát tủ lạnh để trong vòng 2 – 3 tiếng để thạch rau câu đông lại và có vị mát lạnh khi thưởng thức.

Một số lưu ý khi làm rau câu lá dứa

– Nếu muốn món thạch thêm đẹp mắt và sinh động hơn, bạn có thể đổ nhiều hơn thay vì hai lớp thạch rau câu. Và thứ tự màu cũng như độ dày các lớp là do bạn quyết định tùy ý thích nhé.
– Rau câu khi nguội thường sẽ đông cứng rất mau. Bởi vậy, khi chờ lớp thạch nay đông lại, bạn hãy giữ cho phần rau câu còn lại luôn ấm để ở dạng lỏng nhé. Có thể đặt chúng vào giữa một chậu nước ấm như khi đang đun cách thủy chẳng hạn.

5. Thạch rau câu sơn thủy

Nguyên liệu làm thạch rau câu sơn thủy

  • 1 gói rau câu 25gr
  • Nước: 1 lít
  • Cốt dừa
  • Lá dứa
  • Đường phèn
  • Vani
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-5

Cách làm thạch rau câu sơn thủy

Bước 1: Lá dứa rửa sạch rồi xay với nước sôi để nguội. Sau đó lọc ra rây để lấy nước tạo màu. Nếu muốn rau câu có màu đẹp, xanh tươi thì không nấu nước lá dứa cùng rau câu. Nên nấu bột rau câu cùng nước. Khi đổ rau câu tới đâu cho nước lá dứa vào hòa tan tới đó. Thành phẩm sẽ ra màu đẹp.

Bước 2: Dừa nạo mua về cho vô nước nóng ngâm cho nguội bớt thì vắt lấy nước cốt. Cái này lấy khoảng 500ml thôi nha các mẹ. Cho nhiều hơn sẽ làm mất độ giòn của rau câu.

Bước 3: Rau câu ngâm trong 1 lít nước lạnh và đường phèn trước 30 phút. Sau đó bắc lên bếp đun, vừa nấu vừa khuấy đều tay đến khi nước trong veo thì tắt bếp.

Bước 4: Chia rau câu làm 2 phần, 1 phần pha với nước lá dứa, 1 phần pha với nước cốt dừa. Tiếp tục đun lửa nhỏ cho sôi lại lần nữa rồi tắt bếp. Lá dứa thì cố gắng đun nhanh để không bị chuyển màu nhé mẹ.

Bước 5: Tắt bếp và đổ vào tô hay hộp hoặc khay, để tạo vân đẹp nên để một cái ly vào giữa, múc 1 muỗng lá dứa đến một muỗng cốt dừa lên chiều dọc của ly. Đổ xong có thể dùng thìa hoặc tăm tạo hình tùy ý muốn.

6. Thạch rau câu 3D

Nguyên liệu làm rau câu 3D

Phần rau câu trong:
  • 600 ml nước
  • Đường: 200gr
  • Lá gelatin: 10 lá
Phần rau câu sữa:
  • Sữa tươi: 300ml
  • Đường:100gr
  • Lá gelatin: 5 lá
  • Màu thực phẩm
  • Chuẩn bị 1 ống tiêm sạch
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-6

Cách làm rau câu 3D

Bước 1: Bạn lấy 10 lá gelatin ngâm trong nước lạnh.

Bước 2: Xong bạn cho 600ml nước cùng 200gr đường vào một cái nồi rồi nấu sôi lên. Tiếp theo bạn lấy gelatin cho vào rồi khuấy cho tan ra.

Bước 3: Sau đó bạn cho rau câu vào khuôn và để cho nó đông trong khoảng 60 phút.

Bước 4: Bước tiếp theo bạn lấy 300ml sữa tươi và 100gr đường vào nồi nấu lên sôi. sau đó bạn lấy 5 lá gelatin cho vào nước ngâm mềm rồi khuấy cho tan ra, bạn chia ra nhiều phần và có thể pha theo màu mà bạn yêu thích.

Bước 5: Lấy ống tiêm sạch đã chuẩn bị, bơm rau câu vào giữa khuôn để làm nhụy hoa, dùng màu trắng nghiêng 45 độ tạo cánh hoa. Cứ tiếp tục đến khi thành hình hoa như ý là được.

Bước 6: Múc bỏ phần giữa khuôn. Bơm màu tạo hình nhụy hoa. Làm tương tự các bước tạo hình cánh hoa.

Bước 7: Phủ lớp đáy bằng rau câu trắng. Để đông trong tủ lạnh 60 phút.

7. Bánh trung thu rau câu

Nguyên liệu làm bánh trung thu rau câu

  • Bột rau câu agar: 25gr
  • Nước lọc: 1 lít
  • Lá dứa: 5 cọng
  • Đường cát: 150gr
  • Sữa tươi không đường: 50ml
  • Màu thực phẩm: 1 giọt màu cam, 1 giọt màu hồng ( bạn thích có thể dùng màu khác)
  • Trái cây: kiwi, thanh long, cherry….. ( bất cứ loại nào bạn thích)
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-7

Cách làm bánh trung thu rau câu

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Đầu tiên bạn cho bột rau câu agar đã chuân bị sẵn vào ngâm chung với nước lọc, sau đó bạn khuấy đều và để yên khoảng 15 phút.
– Tiếp theo lá dứa bạn cắt khúc sao cho vừa ăn.
– Trái cây bạn cũng cắt hạt lựu.

Bước 2: Sau khi chuẩn bị xong các phần trên bạn cho nồi rau câu lên trên bếp và đun sôi với lửa vừa, đun đến khi bạn nhín thấy nồi nước trong lại thì lúc này bạn có thể tắt bếp. Chia phần nước rau câu làm 2 phần.

Bước 3: Phần thứ nhất lại chia ra làm 2: mỗi phần cho 1 giọt màu thực phẩm vào, sau đó rót phần rau câu vào khuôn bánh trung thu, để nguội.

Bước 4: Phần thứ hai: bạn cho bạn lấy phần rau câu cắt nhỏ cho vào, sau đó bạn trộn đều lên, sau đó cho vào khuôn.

Bước 5: Sau khi làm xong bạn chờ rau câu đông lại, sau đó bạn lấy rau câu cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi rau câu đủ mát bạn lấy rau câu ra khỏi khuôn và cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

8. Thạch rau câu hoa quả

Nguyên liệu làm thạch rau câu hoa quả

  • 1 gói thạch rau câu: 12g
  • 1,2 lít nước
  • Hoa quả: dâu tây, kiwi, xoài,…
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-8

Cách làm thạch rau câu hoa quả

Bước 1: Dâu tây, kiwi cắt hạt lựu, xếp vào khuôn.

Bước 2: Khuấy đều 1 gói bột thạch với 1,2l nước. Đun sôi rồi cho 150g đường vào, đun sôi lại, vớt bọt, tắt bếp.

Bước 3: Nhanh tay rót thạch vào khuôn.

9. Rau câu flan cheese

Nguyên liệu làm rau câu flan cheese

  • Nước: 1 lít
  • Bột rau câu: 10g
  • Đường: 150g
  • Cà phê: 16g
  • Lòng đỏ trứng: 3 lòng
  • Sữa đặc: 75g
  • Sữa tươi: 150ml
  • Cream cheese: 75g
  • Kem tươi: 75ml
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-9

Cách làm rau câu flan cheese

Bước 1: Hòa bột rau câu trong nước ngâm khoảng 1 tiếng

Bước 2: Cho lòng đỏ trứng, sữa đặc, sữa tươi, kem tươi, cream cheese vào nồi khuấy đều. Đưa lên bếp đun lửa trưng bình đến khi các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau, hỗn hợp hơi sệt lại thì bắc ra.

Bước 3: Đưa phần nước rau câu đã ngâm lên bếp đun sôi, cho đường vào, vừa đun vừa khuấy đều cho đường tan hết. Khi hỗn hợp sôi thì vớt bỏ bọt, tắt bếp, bắc nồi và để nguội.

Bước 4: Cho khoảng 1/3 phần rau câu vào nồi flan cheese, khuấy đều. Phần rau câu còn lại cho cà phê vào khuấy cho tan đều.

Bước 5: Đổ từng lớp xen kẽ rau câu cà phê và flan. Đợi lớp trước hơi đông lại nhưng vẫn còn ấm nóng thì đổ tiếp lớp kia. Cho vào tủ lạnh đến khi thạch đông hẳn lại rồi bắt đầu thưởng thức.

10. Bánh flan rau câu

Nguyên liệu làm bánh flan rau câu

  • Sữa tươi không đường 220ml
  • 2 muỗng sữa đặc
  • 4 quả trứng gà
  • 4 gói cà phê hòa tan
  • Khuôn đổ bánh flan
  • Đường kính trắng 100gr
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-10

Cách làm bánh flan rau câu

Bước 1: Đầu tiên bạn dùng một chén lớn đổ sữa tươi ra, sau đó bạn cho thêm 2 muỗng sữa ông thọ vào hòa tan. Tiếp theo, bạn đập trứng gà ra một chén khác sau đó bạn dùng đũa khuấy đều trứng. Dùng một rây nhỏ, lọc trứng qua rây cho chảy xuống tô sữa bên dưới để thu được phần trứng gà mịn.

Bước 2: Bạn khuấy hỗn hợp nhẹ tay cho đến khi thu được hỗn hợp đều, mịn. Đổ hỗn hợp vào từng khuôn bánh đã chuẩn bị sẵn, rồi cho vào nồi hấp từ 30-40 phút là được. Sau đó lấy bánh ra, đặt vào thau nước lạnh cho bánh nhanh muội, rồi tiếp tục ủ trong tủ lạnh trong vòng 15 phút nhé.

Bước 3: Tiếp theo bạn dùng một nồi nhỏ, cho hai muỗng bột rau câu cùng 400ml nước sạch, đường vào khuấy đều. Cho phần nước thạch rau câu lên bếp đun sôi với lửa nhỏ.Sau khi rau câu đã sôi được khoảng 2 phút cho cà phê vào hòa tan.Dùng dao tách nhẹ phần bánh flan rồi úp ngược cốc vào khuôn lớn hơn sao cho phần bánh flan nằm chính giữa, rồi đổ phần rau câu lên trên.

Bước 4: Bây giờ bạn chỉ cần đợi bánh flan rau câu đông lại là có thể thưởng thức rồi, bánh rau câu flan sẽ càng ngon hơn khi được làm lạnh trong ngăn mát tủ lạnh từ 2-3 giờ đấy.

11. Rau câu phô mai

Nguyên liệu làm rau câu phô mai

  • phô mai con bò cười (ô vuông nhỏ hay cánh quạt đều được)
  • 270g đường
  • 1 gói ra câu dẻo (loại Jelly 10-11g có bán ở các siêu thị nhé bạn)
  • siro (mùi vị tùy thích nha)
  • đường
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-11

Cách làm rau câu phô mai

Bước 1: Bắc lên bếp nổi nhỏ chừng 1 lít nước rồi hòa siro vào, khuấy đều cho đến khi hỗn hợp hòa quyện vào nhau thì chỉnh nhỏ lửa. Đối với những bạn thích ăn ngọt thì mình có thể cho thêm đường vào nhé.

Bước 2: Cho bột rau câu vào hỗn hợp nước trên theo tỉ lệ thích hợp trên bao bì. Nếu các bạn muốn thạch mình được giòn hơn thì dùng bột argar, còn để thạch dẻo thì dùng bột làm thạch hoặc thạch mềm thì dùng gelatine. Đến khi nào hỗn hợp sủi bọt nhẹ, bột rau câu đã tan hoàn toàn thì tắt bếp để nguội.

Bước 3: Cắt nhỏ phô mai thành hình nhỏ ( tam giác, hình vuông, chữ nhật…) tùy thích xếp vừa với khuôn thạch.

Bước 4: Đun sôi hỗn hợp thạch trên lửa nhỏ rồi để nguội khoảng 5 phút. Chia đều thạch vào các khuôn.

Bước 5: Để thạch vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút ( nếu có nắp đậy càng tốt ) ; hoặc đến khi thạch đông là thưởng thức được rồi đó.

12. Rau câu bí đỏ

Nguyên liệu làm rau câu bí đỏ

  • 250g bí đỏ sáp
  • 10g bột rau câu
  • 100g đường
  • Tinh dầu lá dứa
  • 1 khuôn nhôm hình vuông có cạnh 14cm, cao 5cm
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-12

Cách làm rau câu bí đỏ

Bước 1: Bí đỏ gọt sach vỏ, cắt miếng xong hấp chín, tán hoặc xay nhuyễn mịn. Ngâm bột agar trong một chén nước lạnh khoảng 30 phút cho bột nở.

Bước 2: Cho vào nồi 2 chén nước, bắc lên bếp nấu sôi, đổ agar vào, để lửa vừa cho nước sôi nhẹ tan rau câu là được. Tiếp theo cho đường vào nấu chung, đường tan cho vào nồi rau câu 3 giọt tinh dầu lá dứa, tắt bếp.

Bước 3: Múc rau câu vào tô bí đỏ đã xay nhuyễn, đổ đến đâu quậy đều đến đó cho rau câu và bí đỏ lẫn vào nhau, sau đó đem rót hỗn trợp này vào khuôn nhôm, để thật nguội đem ướp lạnh. Khi nào dùng thì lấy rau câu ra cắt miếng vừa ăn.
Gợi ý: Với cách làm như trên, có thể thay thế bí đỏ bằng đậu xanh, khoai mỡ, trái bơ hay sầu riêng.

 

13. Thạch rau câu viên bi

Nguyên liệu làm thạch rau câu viên bi

  • 7g thạch rau câu con cá dẻo
  • 7g bột thạch Konnyaku Nhật (sử dụng bột thạch Nhật sẽ giúp thạch không bị chảy nước)
  • 380g đường
  • Nước
  • Tạo màu cho thạch: 2 quả cam, 3 quả chanh dây, Dưa hấu, 1 nắm nhỏ lá dứa
  • Khuôn tròn (bạn có thể mua được ở các hàng bán đồ làm bánh) 
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-13

Cách làm thạch rau câu viên bi

Bước 1: Trộn đều hai loại bột thạch với đường. Đổ thử nước vào khuôn tròn để đo dung tích cần dùng cho 1 mẻ thạch sẽ hết bao nhiêu nước. Khuôn tròn 14 viên này sẽ hết chừng 400ml nước thạch. Khối lượng bột rau câu này có thể làm được 7 mẻ thạch các màu khác nhau. Bạn tính toán số trái cây hoặc số màu thạch muốn làm sau đó chia đều phần bột làm thạch ra.

Bước 2: Đun sôi 400ml, đổ 1/7 chỗ bột rau câu đường đã trộn vào, khuấy đều. Đợi sôi trở lại thì tắt bếp.

Bước 3: Chuẩn bị 1 khay nước đá lạnh, đặt phần đáy khuôn tròn lên khay nước, từ từ đổ nước thạch vào lấp đầy khuôn, sau đó lấy nửa khuôn còn lại đậy lên, lưu ý làm nhẹ nhàng để nước thạch trào ra ngoài càng ít càng tốt. Sau đó bạn đặt vật nặng lên trên mặt khuôn để cố định khuôn thạch.

Bước 4: Đợi thạch nguội hẳn thì để vào tủ lạnh cho nhanh đông.

Bước 5: Tạo màu:
Đối với các loại màu khác nhau bạn thực hiện tới bước đun sôi thì tắt bếp rồi đổ nước nước cốt từng màu vào, khuấy đều lên. 1 điều quan trọng bạn phải nhớ đó là nhất định không đổ phần nước cốt vào nồi nước thạch đang sôi bởi như vậy sẽ khiến nước thạch có kết tủa.
– Cam vắt lấy nước cốt lọc qua rây để loại bỏ tép cam
– Chanh leo cũng chỉ lấy nước cốt
– Dưa hấu xay mịn, rây qua rây để lấy nước cốt

Thạch để trong tủ chừng 1h là đông đặc hoàn toàn. Nếu không có nhiều khuôn có thể để lên ngăn đá chừng 15 phút là thạch đông. Lấy thạch ra khỏi khuôn, để chuẩn bị cho mẻ thạch khác. Thạch lấy ra phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

14. Bánh flan dừa

Nguyên liệu làm bánh flan dừa

  • 2 quả dừa xiêm
  • Sữa tươi 400ml
  • 25gr bột rau câu
  • 50gr đường cát
  • 1 bó lá dứa
  • ½ kg dừa nạo vắt lấy nước cốt.
  • 4 quả trứng gà
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-14

Cách làm bánh flan dừa

Bước 1: Dừa chặt vỏ cứng, sau đó nạo hết lớp vỏ cám bên ngoài chỉ để lại lớp cùi trắng bên trong, sau đó khoát một lỗ nhỏ ở đầu quả đừa rồi đổ hết nước dừa ra bát. Lá dứa xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt và bỏ bã.

Bước 2: Cho nước lá dứa vào đun sôi, thêm đường vào sau cho bạn thấy vừa với vị bạn ăn là được, hoặc nếu không thích ăn ngọt bạn không cần cho đường cũng được. Tiếp đến bạn cho bột rau câu vào, đun sôi rồi để nguội chờ rau câu đông lại thì mang ra cắt thành những sợi dài và nhỏ.

Bước 3: Bạn tận dụng nước dừa để làm bánh flan nhé, sẽ thơm ngon hơn rất nhiều đấy, cách làm như sau: bạn cho nước dừa vào đun sôi tiếp đến bạn cho đường cát, bột rau câu, sữa tươi, hai lòng đỏ quả trứng và một ít nước lá dứa vào, chờ nước dừa sôi trút hỗn hợp này vào nồi nước dừa, dùng máy đánh trứng xay đều cho nguyên liệu hòa quyện với nhau.

Bước 4: Xếp các thạnh rau câu vào bên trong quả dừa, sau đó chờ hỗn hợp trên nguội bớt thì rót vào phủ ngập các thanh rau câu này, bạn chỉ đổ khoảng 2/3 quả dừa thôi nhé, vì khi hấp bánh flan sẽ nở ra thêm nữa.

Bước 5: Sau cùng bạn cho dừa vào chưng cách thủy khoảng 90 phút. Để kiểm tra xem bánh chín chưa, bạn chỉ cần dùng tăm xăm vào chính giữa quả dừa, nếu bột bánh không dính là bánh chín rồi đấy. Chờ bánh nguội bạn cho dừa vào tủ lạnh bảo quản rồi khi nào ăn lấy dao sắc bổ từng miếng ra thưởng thức, nếu không thích ăn cùi dừa thì bạn bỏ phần cùi ra nhé

15. Thạch rau câu rừng nguyên sinh

Nguyên liệu làm thạch rau câu rừng nguyên sinh

  • 1,4 l nước
  • 300ml nước cốt lá dứa
  • 300ml nước cốt dừa
  • 25g bột rau câu Agar
  • 400g đường
  • 3 quả trứng
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-15

Cách làm thạch rau câu rừng nguyên sinh

Bước 1: Nước, nước cốt lá dứa, nước cốt dừa cho vào nồi khuấy đều. Bắc nồi lên bếp, trộn đều đường và bột rau câu rồi cho vào nồi nước khuấy đều. Trứng đánh tan lọc qua rây, khuấy sơ.

Bước 2: Đun lửa to đến khi thạch sôi thì hạ nhỏ lửa. Bắc ra đổ vào khuôn.

Bước 3: Đợi 2-3 tiếng cho thạch đông lại là được.

16. Rau câu trái dừa

Nguyên liệu làm rau câu trái dừa

  • Nước dừa xiêm: 2 lít
  • Bột rau câu dẻo: 1 gói 10gr
  • Đường phèn: 250gr
  • Nước cốt dừa: 150ml
16-mon-thach-rau-cau-cho-he-mat-ruoi-bep-banh-16

Cách làm rau câu trái dừa

Bước 1: 
 Cho nước dừa vào một cái nồi và bật bếp lên để nấu cho sôi.
 Đợi nước dừa sôi, bạn trộn bột rau câu con cá dẻo với đường, trộn đều là được.
– Sau khi nước dừa sôi, bạn cho từ từ hỗn hợp đường và rau câu vào. Khuấy đều để hỗn hợp tan trong nước dừa. Bạn nấu thêm khoảng 5-7 phút nữa là có thể tắt bếp.

Bước 2: Bạn múc khoảng 500ml nước rau câu ra một cái nồi nhỏ hơn, bật lên bếp với lửa thật nhỏ, múc đích là giữ nóng phần rau câu để nó không bị đông.

Bước 3: Phần còn lại bạn ngâm vào một cái thau nước lạnh, vừa ngâm vừa dùng vá khuấy đều cho nó mau nguội. Khi thấy hơi nước không còn bốc lên thì bạn đổ hết phần rau câu này vào những trái dừa. Chú ý là bạn chỉ đổ 2/3 trái dừa thôi nhé.

Bước 3: Khi thấy rau câu trong trái dừa tạo thành một lớp màng trên lớp mặt, bạn cho phần nước cốt vào nồi rau câu trên bếp, khuấy đều và tắt bếp. Cho lớp rau câu nước cốt dừa lên trên cùng của trái dừa, để yên trái dừa 30 phút cho rau câu được nguội hẳn.

Bước 4: Dùng màng bọc thực phẩm bao trái dừa lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Chúc các bạn thành công!

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Công thức làm chè khúc bạch bằng gelatine đơn giản thành công cao

Miếng khúc bạch mềm mát tan ngay khi vừa được đưa vào miệng, khiến bất kể tín đồ ẩm thực nào cũng muốn thử nghiệm cách làm chè khúc bạch để giải nhiệt những ngày hè oi ả. Vậy thì ngay dưới đây, Bếp Bánh sẽ hướng dẫn các bạn tự làm chè khúc bạch bằng gelatine nhé ạ ^^

cong-thuc-lam-che-khuc-bach-bang-gelatine-bep-banh-1

Nguyên liệu làm chè khúc bạch bằng gelatine

Nguyên liệu làm khúc bạch bằng gelatine

  • 100gr gelatine bột
  • 500ml nước lọc
  • 1 lít whipping
  • 1 lít sữa tươi không đường (nếu ai thích ăn cứng hơn thì cho 500ml sữa tươi)
  • 200gr đường cát
  • 1 ít tinh dầu hạnh nhân (cho nhiều sẽ hăng và bị hơi đắng)

Nguyên liệu nấu nước đường ăn chè khúc bạch

  • 1 lít nước
  • 90g đường phèn hoặc đường cát
  • 1 bó lá dứa/lá nếp

Nguyên liệu Topping ăn chè khúc bạch

  • hạnh nhân rang vàng, vải/nhãn.
  • topping tùy thích
cong-thuc-lam-che-khuc-bach-bang-gelatine-bep-banh-2

Cách làm chè khúc bạch bằng gelatine 

Bước 1: Hòa tan gelatine với nước, sau đó hấp cách thuỷ cho gelatine tan hết vào với nước, không để lại lợn cợn

Bước 2: Cho whipping + sữa tươi + đường vào hỗn hợp gelatine ở trên đun trên bếp cho ấm, không để sôi.

Bước 3: Chuẩn bị sẵn hộp đựng bọc màng bọc thực phẩm. Cho tinh dầu hạnh nhân vào hỗn hợp và đổ ra hộp, đem cất tủ lạnh đợi đủ cứng thì mang ra cắt. Thời gian để lạnh khoảng 6 tiếng.

Bước 4: Nấu nước đường
- Đun 1 lít nước với 90g đường, khuấy nhẹ cho tan hết đường.
- Lá dứa rửa sạch, cuộn lại. Khi nước đường sôi thì thả vào và bắc nồi ra ngay.


Khi dùng các bạn cắt khúc bạch, thêm vải/nhãn cùng các loại topping tùy thích, chan nước đường và thêm đã, cuối cùng rắc hạnh nhân rang lên trên là như mua roài!!! Công thức làm chè khúc bạch bằng gelatine dưới đây cực kỳ đơn giản, độ thành công cao nên các bạn khỏi lo lắng nha. Chuẩn bị nguyên liệu và thực hiện đúng các bước này được 2,5-3kg khúc bạch nha.

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

3 cách làm tào phớ - món ngon mùa hè

Tào phớ thì không phải nói nhiều rồi, là thứ quà mát mịn tuyệt vời mà ẩm thực ban tặng. Hôm nay Bếp Bánh sẽ chia sẻ cho các bạn 3 cách làm tào phớ cực nhanh và cực ngon để giải nhiệt những ngày hè oi bức này nhé ;).

Tùy theo nguyên liệu có sẵn và thời gian mà các ban chon cho mình cách làm tào phớ phù hợp nhé.

3-cach-lam-tao-pho-mon-ngon-mua-he

1, Cách làm tào phớ bằng bột rau câu

Nguyên liệu làm tào phớ bằng bột rau câu

  • Đậu tương: 150g
  • Bột rau câu: 10g
  • Lá nếp: 3 đến 4 lá
  • Gừng: 1 nhánh nhỏ nhỏ
  • Đường trắng
  • Máy xay sinh tố

Cách làm tào phớ bằng bột rau câu

Bước 1: Bạn rửa sạch đậu tương và loại bỏ các hạt lép.

Bước 2: Đổ nước ngập vào đậu, ngâm trong nước khoảng 6 đến 8 tiếng, lọc sạch vỏ ngoài và các hạt lép.

Bước 3: Cho tỉ lệ hạt đậu tương cùng nước giống như nhau vào trong máy xay, xay nhuyễn hạt. Bạn vừa xay vừa nghỉ khoảng 5 đến 10 giây rồi lại tiếp tục xay tiếp, cho đến khi đậu tương được nhuyễn mịn là được. Sau đó tiến hành loại bỏ cặn bằng cách dùng một chiếc túi vải màn, đổ hỗn hợp đậu tương xay vào túi, lấy tay bóp chặt để vắt lấy nước, bạn sẽ có ngay được sữa đậu nành tươi ngon.

Bước 4: Đổ phần sữa đậu nành vừa lọc ở bước trên vào xoong, bắc lên bếp đun sôi. Lá nếp rửa sạch, vẩy hết nước rồi cho vào xoong để đun cùng sữa đậu nành. Khi thấy sữa đã bắt đầu sôi thì vặn nhỏ lửa, khuấy đều để sữa không bị cháy và bọt không bị trào ra ngoài.

Bước 5: Khi sữa đậu nành sôi, bạn hòa tan bột rau câu với 1 chút nước lọc, cho vào xoong sữa đậu nành, khi thấy sôi lại thì tắt bếp ngay lập tức, đổ ra bát, đợi cho nguội rồi để trong tủ lạnh để hỗn hợp đông lại trở thành tào phớ.

Bước 6: Làm nước đường: Đun sôi 1 chút nước lọc trên bếp, khi nước sôi thì cho thêm đường, lá dứa và vài lát gừng tươi mỏng vào. Bạn đun khoảng 30 phút ở lửa nhỏ để lá dứa, gừng và đường hòa quyện vào nhau. Lúc này bạn có thể gia giảm nguyên liệu để tạo ra hương vị ưng ý nhất.

2, Cách làm tào phớ bằng đường nho

Nguyên liệu làm tào phớ bằng đường nho

  • Đậu tương ( đậu nành): 100g
  • Đường: 200g
  • Nước: 600ml
  • Lá nếp ( lá dứa): 1 bó
  • Đường nho: 1 thìa 
  • Vải xô: 1 tấm to gập làm 4

Cách làm tào phớ bằng đường nho cực nhanh

Bước 1: Ngâm đậu tương trong nước khoảng 4-6 tiếng thấy đậu mềm và nở căng, rồi rửa thật sạch.

Bước 2: Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn đậu với 200ml, sau đó vừa xay vừa đổ từ từ 400ml nước còn lại vào xay cho nhuyễn, khi thấy nước đậu mịn thì dừng.

Bước 3: Lọc qua tấm vải xô thu được sữa đậu nành. Hớt sạch bọt giúp tào phớ mịn và không bị vữa
Bắc nồi sữa đậu nành lên bếp đun, khi thấy sôi bùng thì hạ lửa nhỏ, trong quá trình đun các bạn nhớ khuấy đều để tránh tình trạng bị trệt nồi khiến tào phớ sau dễ bị chua và hớt sạch bọt. Đun sôi lăn tăn tiếp trong vòng 10p.

Bước 4: Khi sữa đậu nành đang sôi thì hòa đường nho với 1 chút nước đủ láng nồi ( các bạn nên dùng nồi cơm điện vì đường nho khi đông cần nhiệt độ cao). Sau đó nhanh tay đổ ngay sữa đậu nành trong khoảng 80-90độ vào nồi cơm điện. Hớt sạch bọt trên bề mặt sữa đậu nành. Đậy hờ nắp nồi cơm điện lại, để yên trong vòng 30p là bạn đã có món tào phớ mềm mịn cực hấp dẫn rồi.

3, Cách làm tào phớ bằng gelatin từ sữa đậu nành

Nguyên liệu làm tào phớ bằng gelatin

  • 15g gelatin 
  • 1lit sữa đậu nành

Cách làm tào phớ bằng gelatin từ sữa đậu nành

Bước 1:  Ngâm lá Gelatin vào nước lạnh trong khoảng 10 phút để Gelatin mềm ra.

Bước 2:  Đổ sữa đậu nành vào nồi, đun đến khi nóng ấm, không để sôi. Khi sữa đã nóng ấm (khoảng 60 – 70 độ C) thì bắc ra khỏi bếp. Vắt lá Gelatin (đã ngâm nở) cho ráo nước rồi thả vào nồi sữa. Quấy nhanh tay và đều cho Gelatin tan hết.

Bước 3: : Đổ sữa ra bát, hớt bọt (nếu có), để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, để khoảng 3 – 4 tiếng đến khi sữa lạnh và đông lại hẳn.

Bằng việc sử dụng đậu nành có sẵn, các bạn có thể pha chế được món đậu nành trà xanh thanh mát bổ dưỡng nữa đấy!

Tự làm tào phớ tại nhà hay thực hiện bất cứ món ăn nào tại nhà cũng cảm thấy yên tâm hơn đúng không các bạn? Cách làm tào phớ mà Bếp Bánh chia sẻ trên đây đều rất nhanh, gọn, lẹ mà mùi vị thì vẫn cứ 99% so với chuyên nghiệp rồi!

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Xử lý whipping cream bị tách nước bằng gelatin

Cách chữa whipping cream bị tách nước

Whipping cream là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên lớp kem bông xốp, mềm mịn và thơm lừng cho bánh ngọt và các loại đồ uống. Tuy nhiên, "cô nàng đỏng đảnh" whipping cream rất hay bị tách nước hoặc bị chảy nếu không bảo quản đúng cách.

Phải làm gì với whipping cream bị tách nước? Bỏ đi thì quá lãng phí nên vỏ quýt dày thì ắt có móng tay nhọn, các nàng cứ yên tâm là có cách chữa whipping cream bị tách nước, chỉ cần nắm rõ bản chất nguyên liệu là okela rồi!


meo-hay-lam-banh-xu-ly-whipping-cream-bi-tach-nuoc
Làm gì với whipping cream bị tách nước?

Hoặc các nàng cũng có thể chữa whipping cream bị tách nước bằng cách làm bơ nhé nữa đó, xem ngay Mẹo hay làm bánh - cách chữa whipping cream bị hỏng này nha!

Nguyên liệu chữa whipping cream bị tách nước

  • 1 tsp gelatine
  • 4 tsp nước lạnh
  • 240g whipping cream
  • 30g đường bột
meo-hay-lam-banh-xu-ly-whipping-cream-bi-tach-nuoc-bep-banh
Cách chữa whipping cream bị tách nước

Cách chữa whipping cream bị tách nước bằng gelatin

Bước 1: Trộn gelatin với nước lạnh trong một chiếc nồi nhỏ rồi để gelatin ngấm và nở ra. Tiến hành đun gelatine tan chảy rồi tắt bếp. Bạn để gelatine nguội lại nhưng cố gắng đừng để nó đông lại nhé.

Bước 2: Đánh whipping cream bị tách nước với đường bột cho tới khi kem hơi đặc lại thì hạ tốc độ máy đánh trứng xuống mức thấp rồi thêm gelatine vào và tiếp tục đánh hỗn hợp ở tốc độ cao cho đến khi kem bông cứng và có chóp nhọn thì dừng nhé.

Với khả năng tạo đông của gelatin, whipping đã không còn dễ chảy và tách nước nữa rồi. Nhớ ghi chú lại bí kíp này để điều trị "cô nàng đỏng đảnh" whipping cream hay bị tách nước bạn nhé!

>>> XEM NGAY Công năng thần kì của gelatine trong làm bánh

Bảo quản whipping cream đúng cách để whipping cream không bị tách nước

Để không phải chữa whipping cream bị tách nước thì trước tiên cần bảo quản đúng cách. Whipping cream là kem tươi nên phải luôn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.


bao-quan-whipping-cream-khong-bi-tach-nuoc-bep-banh-2
Bảo quản whipping cream trong ngăn mát tủ lạnh

Đối với whipping cream đã mở nắp hộp: sau khi sử dụng xong bạn lau sạch miệng hộp, đậy kín nắp và bọc trong túi nilong để hạn chế tối đa sự xâm nhập của vi khuẩn. Bảo quản whipping cream ở ngăn mát tủ lạnh, lưu ý là ngăn mát tủ lạnh cũng cần được vệ sinh sạch sẽ tránh mùi tanh hôi.
TUYỆT ĐỐI KHÔNG để whipping trong ngăn đá vì khi dùng sẽ làm kem whipping cream bị tách nước.
Thời gian bảo quản whipping cream thường từ 5 – 7 ngày hoặc hơn tùy theo nhiệt độ tủ lạnh.

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Phân biệt nguyên liệu làm bánh gelatin lá và bột

PHÂN BIỆT GELATIN LÁ & BỘT

Gelatin đã trở thành nguyên liệu quen thuộc trong các công thức làm bánh hiện đại nhờ khả năng tạo đông thần kì của mình, tuy nhiên trên thị trường hiện nay lại xuất hiện 2 loại gelatine khiến chúng ta hơi bối rối không biết nên chọn loại nào.

phan-biet-nguyen-lieu-lam-banh-gelatin

Cũng giống như vô vàn các nguyên liệu làm bánh khác, mỗi loại có một công năng và thích hợp với một dòng bánh khác nhau. Để biết gelatin lá hay bột mới là loại mình cần thì xem ngay bài viết này nhé!!!

1 - HÌNH DẠNG, CẤU TRÚC CỦA GELATINE

  • Gelatin lá: dạng miếng trong suốt, cứng. Sau khi ngâm nước sẽ mềm ra
  • Gelatin bột: dạng bột mịn, màu trắng tinh hoặc ngà vàng. Gelatin bột sẽ nở lớn thành hỗn hợp đặc cứng sau khi ngâm

2- ĐỘ NỞ CỦA GELATINE

  • Gelatin lá: Bạn sẽ phân biệt chất lượng, độ nở của gelatin lá dựa trên tên sản phẩm. Bao gồm 3 loại:
- Nhãn đồng (bronze): chất lượng vừa phải, lá gelatin màu ngà, độ nở ít nhất.
- Nhãn bạc (silver): chất lượng và độ nở trung bình, tốt hơn nhãn đồng; lá có màu trắng.
- Nhãn vàng (gold): chất lượng tốt nhất, độ trương nở cao, lá màu trắng hoặc vàng ngà

  • Gelatin bột: Độ nở của gelatin bột dựa vào độ BLOOM của sản phẩm. Gelatin bột thường có độ bloom dao động từ 150-250. Độ BLOOM càng LỚN gelatin NỞ CÀNG NHIỀU, thành phẩm càng vững chắc.

3- KẾT CẤU THÀNH PHẨM

Gelatin lá và bột đều cho kết cấu thành phẩm đông dẻo mịn, có thể để ngăn đá rồi xả đông mà không chảy nước như với agar.

Gelatin lá đôi khi được ưa thích hơn vì không cần cân đong (2g/lá), mùi vị không nồng bằng gelatin bột.

Ngược lại, nếu bạn ở nơi có khí hậu cực nóng ẩm, cần dùng nhiều chất tạo đông để giữ vững kết cấu bánh thì gelatin bột lại là sự lựa chọn hợp lý hơn do giá thành rẻ hơn, ít hao hụt trong quá trình sử dụng.

4- CÁCH SỬ DỤNG GELATINE

Cả 2 loại đều cần ngâm nước lạnh trước khi sử dụng, nhưng cần lưu ý:

  • Gelatin lá: Ngâm với NƯỚC ĐÁ. Nước không đủ lạnh sẽ khiến lá gelatin bị tan, hao hụt so với công thức. Sau khi ngâm nở vắt bỏ nước, chỉ dùng phần lá gelatin đã nở mềm
  • Gelatin bột: Ngâm với nước mát. Sau khi ngâm dùng cả phần nước và bột đã nở để trộn vào bánh

Gelatine - cách sử dụng gelatin làm bánh (phần 2)

Giải đáp 7 thắc mắc khi làm bánh dùng gelatin

Bài viết Gelatine - cách sử dụng gelatin làm bánh (phần 1) cũng khá dài và chi tiết về sử dụng gelatin trong làm bánh rồi, tiếp đến phần 2 này sẽ là phần hỏi - đáp để hiểu rõ bản chất của nguyên liệu và dùng chúng thực sự hiệu quả nha!!!

Giải đáp 7 thắc mắc khi làm bánh dùng gelatin

1. Tại sao gelatine lại có khả năng làm đông thực phẩm?

Gelatine là một loại protein gần như nguyên chất, không mùi, không vị, trong suốt (có một số loại ngả màu vàng), thu được sau quá trình nấu sôi da, xương động vật; hoặc chiết xuất từ thực vật (táo đỏ, trái cây). Nó có chức năng tương tự bì lợn đó là làm đông thực phẩm. Bởi vậy mà khi làm món thịt đông, người ta thường trộn chung với phần bì để món ăn dễ đông hơn đó.

2. Gelatine dùng để làm món gì?

Dùng để làm tất cả các món ăn có độ đông, mềm và dẻo như mousse, pudding, khúc bạch, thạch, marshmallow, kem, trân châu, kẹo dẻo, ... Tóm lại, cứ cần đông là phải có gelatin nha

3. Gelatine có khác bột thạch agar agar không?

Cả 2 nguyên liệu này đều có tác dụng làm đông tuy nhiên sẽ có một số sự khác nhau cơ bản sau:
  • Về hương vị: Gelatine tạo độ dai mềm, bông xốp còn bột thạch agar sẽ tạo độ giòn sần sật cho món ăn.
  • Về khả năng tạo đông: Bột thạch agar có khả năng đông đặc gấp 8 lần gelatine.
  • Về khả năng bảo quản: Thành phẩm khi nấu với bột thạch agar không cất trong ngăn đá được vì sẽ bị chảy thành nước khi rã đông, ngược lại, gelatine có thể được bảo quản trong tủ lạnh.

4. Có thể thay thế gelatine bằng bột agar không?

Câu trả lời là có thể tuy nhiên bạn cần phải chia lại tỉ lệ thật chuẩn xác vì bột thạch agar có khả năng đông đặc gấp 8 lần gelatine. Nếu trong trường hợp khẩn cấp, bạn cứ chia tỉ lệ 1g agar = 8g gelatine nhé.

5. Gelatine có làm ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn không

Gelatine là nguyên liệu không màu, không mùi, không vị nên không gây ảnh hưởng gì đến món ăn ;)

6. Nên sử dụng gelatine dạng lá hay bột?

Nhiều người thường nhầm lẫn rằng lá và bột khác nhau. Tuy nhiên, sư thật là 2 loại gelatine này đều giống nhau về thành phần cấu tạo, chỉ khác nhau ở hình dáng mà thôi.

Ngoài ra, khi dùng gelatine lá, bạn không cần cân đo đong đếm vì mỗi lá có trọng lượng là 2g. Tuy nhiên, cách chế biến lá gelatine lại hơi phức tạp hơn so với dạng bột vì bạn cần phải quay trong lò vi sóng, vắt ráo và hòa tan. Còn với dạng bột, bạn chỉ cần hòa tan rồi trộn với nguyên liệu là xong rồi.

7. Một số lưu ý khi sử dụng gelatine là gì?

  • Liều lượng: Dùng 3 lá gelatin cho 250ml chất lỏng và 6gr bột galetin cho 250ml chất lỏng.
  • Không cho gelatin vào hỗn hợp đang sôi, vì khả năng hết đông của gelatin sẽ mất hết tác dụng.
  • Bảo quản gelatin dạng lá ở nơi có ánh sáng và sử dụng gelatin dạng bột trong vòng 48h sau khi mở.

Gelatine - cách sử dụng gelatin làm bánh (phần 1)

Cách sử dụng Gelantine phần 1

Gelatine hay Gelatin là nguyên liệu hay được sử dụng trong các công thức làm bánh, công thức nấu chè và được hiểu là một chất tạo đông. Nhưng các bạn đã biết rõ về gelatine và cách sử dụng gelatin làm bánh như thế nào chưa? Theo dõi Bếp Bánh để tìm hiểu về nguyên liệu đặc biệt này nhé!!!

gelatine-cach-su-dung-gelatin-lam-banh

Gelatin là gì? làm gì?

Gelatine được xem là một nguyên liệu thực phẩm. Một loại protein gần như nguyên chất, không mùi, không vị, trong suốt hoặc có màu hơi ngả vàng, thu được sau quá trình nấu sôi da động vật (da lợn), xương, hoặc chiết xuất từ thực vật (tảo đỏ, trái cây)…là thực phẩm 100% tự nhiên.

Công dụng làm đông của gelatine tương tự như bột rau câu agar nhưng sản phẩm là từ gelatine có độ dai mềm hơn làm từ bột agar.

Cách bảo quản: Giữ lá gelatine nơi có ánh sáng, ẩm. Còn đối với gelatin bột, nếu gói đã được mở rồi thì phải sử dụng trong vòng 48h.

Các loại gelatin và cách sử dụng gelatin

Gelatine thực phẩm được bày bán trên thị trường dưới 2 dạng: Dạng Lá (trong suốt) và Bột (như cát). Từng loại có cách sử dụng khác nhau, các bạn xem dưới đây nhé:

1. Gelatin dạng lá

  • Ngâm mềm: Ngâm lá gelatin trong nước lạnh 10 phút, tỉ lệ nước gấp 5 lần tỉ lệ lá.
  • Vắt ráo: Vớt lá gelatin đã mềm ra, bóp nhẹ cho ráo nước.
  • Hòa tan:

- Đối với các món lạnh: Cho lá gelatin đã được vắt vào một chén nhỏ chung với một muỗng canh nước rồi cho vào lò vi sóng chừng 15 – 20 giây, sau đó hòa vào hỗn hợp nóng cần thực hiện (nhưng không phải hỗn hợp sôi nha :D).
- Đối với các món thực hiện khi còn nóng: Cho trực tiếp lá gelatin đã vắt ráo vào hỗn hợp nóng, khuấy đều liên tục cho đến khi lá gelatin được tan hết.
Lưu ý là không bao giờ thêm gelatin vào hỗn hợp sôi, lúc đó khả năng kết dính đông đặc của gelantin sẽ không còn nữa.
  • Giữ đông: Sau khi đã thực hiện xong 3 bước trên, các bạn cho “tác phẩm” vào tủ lạnh để đông, đặc lại. Thời gian đông đặc tùy theo yêu cầu của công thức.
  • Gỡ ra khỏi khuôn: Với vài món ăn, món tráng miệng sử dụng gelatin đòi hỏi phải lấy ra khỏi khuôn trước khi dùng, trong trường hợp đó: Đầu tiên các bạn hãy nhúng lưỡi dao trong nước nóng rồi cho lưỡi dao chạy một đường vòng quanh thành bánh/khuôn thật nhẹ. Tiếp đến là lật ngược khuôn dưới vòi nước lạnh, cuối cùng là lắc nhẹ nhẹ khuôn cho bánh tự tách ra trên đĩa.

*Mẹo nhỏ* Khi trộn gelatine vào một hỗn hợp mát lạnh cũng phải có "mánh" luôn, nếu không gelatine sẽ mau chóng đông lại, làm hỗn hợp lợn cợn. Đó là: múc một lượng nhỏ hỗn hợp chất lỏng ra (ví dụ: whipped cream), cho vào cái chén gelatine đã tan chảy, ngoáy đều nhanh tay cho whipped cream hòa loãng gelatine ra, thêm chút cream nữa, lại ngoáy đều, sau đó trộn ngược lại vào cả thố cream thì sẽ mịn mượt, an toàn.

2. Gelatin dạng bột

Cách sử dụng giống như dùng gelatin lá, chỉ khác không phải vắt ráo nước, nghĩa là hòa tan gelatin bột trong nước lạnh rồi thực hiện các bước tiếp theo như lá gelatin. Nên nhớ nguyên tắc khi dùng gelatin: Không bao giờ thêm gelatine vào hỗn hợp sôi sùng sục. Lúc đó khả năng kết dính đông đặc của gelatine sẽ không còn nữa.

*Lưu ý* Chọn gelatine lá hay gelatine bột không ảnh hưởng gì đến chất lượng thành phẩm, chỉ khác là nếu sử dụng gelatine dạng lá, chúng ta biết được chính xác trọng lượng của lá (2gr), còn với gelatine dạng bột thì do mỗi lần thực hiện với tỉ lệ rất ít, rất nhỏ nên khó có thể cân lường chính xác bằng cân bình thường được.

 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design