Hiển thị các bài đăng có nhãn chè. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chè. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Công thức làm chè môn dẻo dầm thốt nốt

Công thức làm chè môn dẻo thốt nốt hay cách làm chè khoai môn dẻo dầm thốt nốt dưới đây cực kỳ đơn giản. Các mẹ thử làm ngay vào cuối tuần này nhé!!!

cong-thuc-lam-che-mon-deo-dam-thot-not-2

Chè môn dẻo dầm thốt nốt có thể ăn nóng hoặc cho thêm đá lạnh đều rất ngon, thêm nhiều topping ăn kèm như dừa tươi nạo sợi, sương sáo cắt nhỏ, các loại đậu nấu chín, thạch rau câu, trân châu,…

Nguyên liệu làm chè môn dẻo thốt nốt

  • Cùi thốt nốt (định lượng tùy thích theo khẩu vị)
  • 1 củ khoai môn
  • 1 củ khoai lang tím
  • 100g đường cát
  • 30g bột năng
  • 10g bột mì

Nguyên liệu nấu nước ăn cùng chè khoai môn dẻo dầm thốt nốt

  • 300g đường thốt nốt hoặc đường phèn
  • 1 bó lá dứa
  • 1 củ gừng thái sợi
  • 1 lon nước cốt dừa
  • 2 thìa bột năng
  • Topping: pudding, thạch rau câu khoai môn, trân châu khoai môn

Cách làm chè khoai môn dẻo dầm thốt nốt

Bước 1: Sơ chế thốt nốt

- Quả thốt nốt tươi mua về gọt ngang phần tai sẽ thấy từng múi thốt nốt nằm riêng biệt từng khoang. Dùng dao xẻ dọc từng khoang sẽ lấy được cùi thốt nốt dễ dàng.

cong-thuc-lam-che-mon-deo-dam-thot-not-3

- Gọt sạch lớp vỏ của cùi thốt nốt. Sau đó dùng nước sôi để nguội rửa rạch. Tiếp đó thái mỏng phần cùi thốt nốt.

Bước 2: Cách làm chè khoai môn dẻo

cong-thuc-lam-che-mon-deo-dam-thot-not-4

- Khoai gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín, để riêng từng tô. Chia đường làm 2 phần rồi đem nghiền nhuyễn với từng loại khoai.

- Trộn đều bột mì + bột năng, chia làm 2 phần rồi đem nhào với từng loại khoai đã nghiền nhuyễn đến khi bột không dính tay nữa là được.

- Xe bột thành hình những con sâu dài và dùng dao cắt thành các khúc khoảng 2cm để lát đem nấu chín thành bột khoải dẻo.

- Bắc 1 nồi nước lên bếp,  đun sôi rồi cho từng phần khoai dẻo vào luộc (vừa luộc vừa khuấy đề cho khoai không dính nhau) đến khi khoai nổi lên thì vớt ra để ngay vào thau nước lạnh. Khoai hạ nhiệt thì vớt ra để ráo. 

Bước 3: Nấu nước đường và nước dừa ăn kèm

- Bắc nồi lên bếp, đổ vào khoảng 1 lít nước lọc. Cho phần lá dứa và đường phèn/dường thốt nốt đã chuẩn bị vào đun sôi. Lượng đường có thể tăng hoặc giảm tùy theo sở thích. Khi nước vừa sôi thì thêm gừng thái sợi đã chuẩn bị vào. Đun cho nước sôi hẳn thì tắt bếp.

cong-thuc-lam-che-mon-deo-dam-thot-not-5

- Chuẩn bị một cái nồi khác, đun sôi nước cốt dừa với 100ml nước. Cho 2 thìa cafe bột năng vào nước lọc, khuấy đều rồi đổ vào hỗn hợp cốt dừa. Vừa đun vừa khuấy để hỗn hợp sôi và sánh lại. Sau đó tắt bếp và để nguội.

cong-thuc-lam-che-mon-deo-dam-thot-not-1

Cho những viên chè khoai dẻo vào bát, thêm nước đường + nước cốt dừa + topping là có thể thưởng thức rồi!!! Công thức làm chè môn dẻo dầm thốt nốt này có thể thêm cả khoai mỡ cũng rất ngon và cùng tông màu tím rất đẹp nha!!!

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Trọn bộ công thức làm chè bơ mát rượi

Xin giới thiệu trọn bộ công thức làm chè bơ mát rượi, vừa ngon vừa bổ mát ngày hè cho các mẹ đây ạ!!!

tron-bo-cong-thuc-lam-che-bo-mat-ruoi

1. CÁCH LÀM CHÈ BƠ SỮA

Với cách làm này bạn sẽ cảm nhận hết được vị béo thơm của bơ và sự ngọt dịu của của nước cốt sữa.

che-bo-sua

Nguyên liệu làm chè bơ sữa

  •  1 quả bơ (200gr thịt bơ)
  •  20gr đường
  •  50ml nước cốt dừa
  • 120ml sữa tươi
  •  1 muỗng canh nước cốt chanh
  •  2 muỗng canh sữa đặc
  •  2,5 lá gelatin (nếu dùng bột là 3gr)

Phần nước cốt

  •  100ml sữa tươi
  •  3 muỗng canh sữa đặc

Cách làm chè bơ sữa

Bước 1: Lá gelatin ngâm vào nước lạnh 10 phút.

Bước 2: Bơ chẻ đôi, bỏ hạt, nạo bơ cho vào máy xay sinh tố cùng với 60ml sữa tươi, nước cốt dừa, nước cốt chanh, sữa đặc, đường xay nhuyễn.

Bước 3: Cho 60ml sữa vào 1 cái chén hâm nóng, sau đó vớt là gelatine cho vào hòa tan rồi cho hỗn hợp này vào bơ đã xay (bước 2) khuấy đều.

Bước 4: Đổ hỗn hợp bơ vào chén hay khuôn tùy thích. Lấy màng bọc thực phẩm đậy miệng chén bơ rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 5 tiếng là chè bơ đông.

Bước 5: Làm nước cốt: cho các nguyên liệu vào nồi nấu sôi rồi tắt bếp

Bước 6: Khi ăn cho chè bơ ra dĩa, chan nước sữa tươi vào cùng với ít đá nhỏ. Trang trí thêm thạch hạt lựu cho tăng phần hấp dẫn. Lưu ý để lấy chè bơ ra khỏi chén dễ dàng, thì bạn nên ngâm 1/3 chén bơ vào nước ấm trước khi úp ngược vào dĩa.

2. CÁCH LÀM CHÈ BƠ THẠCH BƠ

che-bo-thach-bo

Phần sốt BƠ và Thạch BƠ

  •  200gr Bơ
  •  5ml Kem tươi 
  •  50gr Sữa đặc
  •  200ml sữa tươi không đường
  •  50gr đường

=> Xay thật nhuyễn hỗn hợp trên

Làm thạch Bơ 

  •  150gr sốt Bơ (phần các chị xay trên ạ)
  •  0,5gr rau câu con cá dẻo
  •  20gr đường
  •  150ml nước

Nước cốt dừa chan chè

  • 250gr nước sôi
  • 125gr sữa tươi không đường
  • 125gr cốt dừa Thái
  • 50gr kem béo
  • 25gr sữa đặc
  • 65gr đường

Cách làm chè bơ thạch bơ

Bước 1: Làm thạch bơ: Đun sôi nước, cho hỗn hợp rau câu và đường đã trộn đều vào nấu, vừa nấu vừa khuấy đều đến khu rau câu đạt thì tắt bếp. Cho sốt bơ vào nồi đang còn nóng, khuấy đều. Hớt bọt rồi đổ thạch vào khuôn, để nguội.

Bước 2: Làm nước cốt dừa chan chè: Đun sôi nước, lần lượt cho đường, sữa đặc vào khuấy tan. Rồi cho kem béo, cốt dừa, sữa tươi vào khuấy đều. Để nguội.

Bước 3: Chuẩn bị topping: luộc trân châu, cắt thạch, luộc bột báng, nước cốt dừa để chan chè và thưởng thức

3. CÁCH LÀM CHÈ BƠ NƯỚC CỐT DỪA

CÁCH LÀM CHÈ BƠ NƯỚC CỐT DỪA

Nguyên liệu làm chè bơ nước cốt dừa

  • 400g bơ chín
  • 180ml sữa tươi
  • 150g sữa đặc có đường
  • 150g nước cốt dừa
  • 3 lá (5g) gelatin 


CÁCH LÀM CHÈ BƠ HẠT SEN

Nguyên liệu làm chè bơ hạt sen

  • 1 trái bơ chín
  • 40ml sữa đặc
  • 350ml sữa tươi
  • 30gr gelatin  (đã nấu lỏng)
  • 1 muỗng cf nước cốt chanh
  • 100ml nước
  • 50gr hạt sen
  • 200ml nước cốt dừa
  • 2 lá dứa
  • 170gr đường
5. CÁCH LÀM CHÈ BƠ VIÊN CỐT DỪA


CÁCH LÀM CHÈ BƠ VIÊN CỐT DỪA

Nguyên liệu làm chè bơ viên cốt dừa

  • 1 trái bơ 
  • 300gr bột nếp 
  • 100gr bột năng 
  • 250ml nước cốt dừa 
  • 250ml nước dừa  
  • 1 nhánh lá dứa 
  • 50gr đường thốt nốt 
  • 40gr đường 
  • 1 ít cơm dừa (dùng ăn kèm)
  • 2gr muối 
  • 1 ít đá viên

Cách làm chè bơ viên cốt dừa

Bước 1: Trộn và nhồi bột bơ viên
- Cho vào tô lần lượt 350gr bột nếp, 100gr bột năng và 40gr đường rồi trộn đều.
- Bóc vỏ và bỏ hạt 1 trái bơ, lọc lấy phần thịt bên trong rồi cho vào tô bột và dùng tay bóp nát và trộn cho bơ lẫn vào với bột.
- Rót từ từ khoảng 50ml nước nóng vào tô bột, tiếp tục dùng tay nhào cho đến khi bột dẻo mịn thành 1 khối thống nhất.

Bước 2: Nặn và luộc bơ viên
- Dùng tay ngắt từng viên bột nhỏ vừa ăn và vo cho tròn đẹp, bạn thực hiện tương tự đến khi hết số bột.
- Tiếp đến bạn bắc 1 nồi nước lên bếp, đun cho sôi rồi thả các viên bột vào.
- Luộc đến khi các viên bột bơ trong lại nổi lên nghĩa là đã chín, bạn vớt các viên bơ ra rồi thả ngay vào 1 tô nước đá ngâm để bơ không dính nhau và có độ dẻo dai.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa và hoàn thành
- Ở 1 cái nồi khác, cho vào 250ml nước dừa, 250ml nước cốt dừa, 50gr đường thốt nốt, 2gr muối rồi thả 1 nhánh lá dứa vào khuấy đều. Đun hỗn hợp với lửa vừa cho đến khi sôi thì tắt bếp.

Múc bơ viên ra chén, chan vào nước cốt dừa vừa nấu, trang trí bên trên bằng 1 ít cơm dừa nữa là có thể thưởng thức được rồi.

Chúc các bạn thành công!!!

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

3 cách nấu chè đậu đỏ ngon đẹp da – Món giải nhiệt dễ làm tại nhà

Chè đậu đỏ không chỉ là món thanh nhiệt ngon miệng mà còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho da nhờ chất chống oxy hóa và khoáng chất. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách nấu 3 món chè đậu đỏ: chè đậu đỏ nước cốt dừa, chè đậu đỏ hạt sen và chè đậu đỏ hạt sen lá dứa — thơm ngon, mát lạnh, cực dễ thực hiện tại nhà.

3-cong-thuc-lam-che-dau-do-ngon-mat-dep-da-thumb


1. CHÈ ĐẬU ĐỎ THẠCH SƯƠNG SÁO

cach-lam-che-dau-do-thach-suong-sao

Nguyên liệu làm chè đậu đỏ sương sáo

  • 200g đậu đỏ
  • 4lit nước
  • 200g đường phèn
  • 5 lá dứa
  • 50g bột sương sáo
  • 120g đường trắng
  • 200g củ năng
  • 100g bột năng
  • 220ml sữa tươi không đường
  • 100ml nước cốt dừa
  • 50g sữa đặc

Cách làm chè đậu đỏ sương sáo

Bước 1: Ngâm 200g đậu đỏ cùng 1 lít nước trong 8 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó lựa bỏ những hạt sâu và lép, rửa sạch, cho vào nồi nấu cùng 2 lít nước. Hầm chín mềm đậu đỏ trong khoảng 90 phút.

Bước 2: Sau khi đậu đỏ đã được hầm chín mềm, cho 200g đường phèn và 5 lá dứa vào nấu lửa nhỏ thêm 30 phút nữa cho đậu ngấm đường.

Bước 3: Thạch sương sáo: Cho 50g bột sương sáo, 120g đường và 1 lít nước vào nồi. Khuấy tan đường và để hỗn hợp nghỉ 10 phút. Sau đó, cho nồi sương sáo lên bếp, nấu sôi đến khi thạch hơi đặc sệt lại, tiếp tục khuấy thêm 3-5 phút nữa thì tắt bếp. Đổ thạch vào khuôn và để nguội hoàn toàn đến khi thạch đông lại.

Bước 4: Thạch củ năng: Gọt vỏ và cắt củ năng thành hạt lựu nhỏ. Cho 100g bột năng vào tô 200g củ năng, dùng muỗng trộn đều để bột bám vào củ năng, sau đó lọc bỏ phần bột dư qua rây lọc. Cho phần củ năng này vào nồi nước sôi luộc chín 2 phút, khi thấy thạch củ năng nổi lên mặt nước thì vớt ra, ngâm ngay vào tô nước lạnh để thạch củ năng không bị dính vào nhau.

Bước 5: Sữa dừa: Cho vào nồi 220ml sữa tươi không đường, 100ml nước cốt dừa và 50g sữa đặc. Dùng muỗng khuấy đều và nấu đến khi sữa dừa sôi thì tắt bếp, để nguội.

Bước 6: Cho đá bào vào tô, thêm lần lượt chè đậu đỏ, thạch sương sáo và thạch củ năng vào. Rưới thêm sữa dừa và rắc thêm dừa bào sợi vào tô cho đẹp mắt.

2. CHÈ ĐẬU ĐỎ BÁNH LỌT

cach-lam-che-dau-do-banh-lot


Công thức nấu chè đậu đỏ bánh lọt của người miền Nam vốn dĩ là phiên bản “up-grade” từ món bánh lọt cốt dừa. Ly chè mát lạnh với vị đậu đỏ ngòn ngọt xen lẫn cùng miếng bánh lọt dai dai mà vẫn mềm mại còn có sự béo ngậy của nước cốt dừa.

Nguyên liệu chè đậu đỏ bánh lọt

  • 500g đậu đỏ
  • 200g đường trắng
  • 45g bột năng
  • 2 muỗng cà phê vôi bột
  • 2 muỗng cà phê muối
  • 30g bột gạo
  • 300ml nước lá dứa
  • 200ml nước cốt dừa

Cách làm chè đậu đỏ bánh lọt

Bước 1: Đậu đỏ rửa sạch, nhặt bỏ những hạt hỏng, hòa nước lọc với 1 muỗng cà phê muối, ngâm đậu qua đêm. Khi ngâm đậu, bạn nhớ phải để ngập trong nước.

Bước 2: Làm bánh lọt
- Hòa vôi bột với nước lọc, để khoảng 30 phút cho vôi lắng cát và bụi. Gạn lấy phần nước vôi trong phía bên trên, đong được 200 ml nước vôi, lọc bỏ cặn. Cho nước lá dứa hòa với nước sôi nóng, đong đủ 300 ml.
- Trộn lẫn bột gạo, bột năng, 1/2 muỗng cà phê muối và nước vôi vào nồi.
- Đổ từ từ nước sôi nóng lá dứa vào nồi bột, đặt lên bếp, đun lửa nhỏ. Bạn vừa đun vừa khuấy đến khi hỗn hợp bột nổi trong và đặc lại thì tắt bếp. Chuẩn bị một thau nước lọc có để vài viên nước đá lạnh, múc một ít hỗn hợp bột vào dụng cụ chuyên ép khoai tây hoặc là dùng một cái rổ có lỗ to.
- Dùng tay ép khuôn để tạo thành những sợi bánh lọt ngắn, và tay lắc đều để sợi bánh lọt rớt xuống âu nước đá lạnh. Làm cho hết phần bột, tiếp theo đó đổ hỗn hợp sợi bánh lọt ra rổ cho ráo nước.

Bước 3: Nấu chè đậu đỏ bánh lọt
- Đậu đỏ sau khi ngâm, cho đậu vào nồi, thêm nước lọc, đun sôi, hầm cho đậu mềm. Ăn thử để kiểm tra độ mềm của đậu. Rồi bạn cho đường vào, tiếp tục đun sôi, lửa nhỏ để đậu ngấm đường.
- Nấu nước cốt dừa với 1/2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê bột năng vào nồi nhỏ.
- Đặt lên bếp khuấy đến khi hỗn hợp nước cốt dừa đặc lại, tắt bếp, để nguội. Khi dùng chè, múc một ít chè đậu đỏ vào ly, thêm một ít bánh lọt, bên trên chan nước cốt dừa và ít đậu phộng rang dùng kèm với đá bào.

3. CHÈ ĐẬU ĐỎ BỘT LỌC

cach-lam-che-dau-do-bot-loc

Nguyên liệu làm chè đậu đỏ bột lọc

  • 200g đậu đỏ 
  • 200g đường phèn 
  • 3 lá dứa 
  • 200g cùi dừa 
  • 200l nước củ dền
  • 20ml nước lá dứa 20ml
  • 200g bột năng 
  • 220ml sữa tươi không đường 
  • 100ml nước cốt dừa 
  • 50g sữa đặc

Cách làm chè đậu đỏ bột lọc

Bước 1: Nấu chè đậu đỏ
- Cho 200gr đậu đỏ đã ngâm qua đêm nấu với 2 lít nước trong 1 tiếng.
- Tiếp đến, cho 200gr đường phèn vào đậu và khuấy đến khi đường tan. Cho tiếp 3 lá dứa đã buộc thành bó và nấu chung với đậu. Nấu đậu tiếp trong 30 phút.

Bước 2: Làm trân châu cùi dừa
- Cắt hột lựu 200gr cùi dừa, chia làm 2 phần bằng nhau. Một phần cùi dừa bạn ướp bằng 20ml nước củ dền còn phần còn lại ướp bằng 20ml nước lá dứa. Trộn đều cho nước màu thấm vào dừa.
- Cho 25gr bột năng vào mỗi phần cùi dừa đã ướp màu và trộn đều để bột áo quanh cùi dừa.
- Sau đó cho 2 phần cùi dừa này vào nồi nước sôi và nấu đến khi trân châu nổi lên thì dùng rây lọc vớt ra cho ngay vào tô nước đá.

Bước 3: Làm trân châu sợi
- Trộn 150gr bột năng với 60ml nước sôi. Nhàu kỹ tay đến khi bột mịn, được trộn đều.
- Rải một ít bột năng khô lên thớt để chống dính. Tiếp đến trải khối bột năng đã trộn lên thớt và cán thành miếng mỏng khoảng 5cm.
- Dùng dao cắt bột thành các sợi bằng nhau. Sau đó cho các sợi bột vào nước sôi và nấu đến khi sợi trân châu nổi lên thì vớt ra cho vào tô nước đá.

Bước 4: Nấu sữa dừa
- Cho 220ml sữa tươi không đường, 100ml nước cốt dừa, 50gr sữa đặc vào nồi khuấy đều. Đun hỗn hợp đến khi vừa sôi nhẹ thì tắt bếp.

Bước 5: Hoàn thành
Cho đá nhuyễn vào chén, xếp đậu đỏ, trân châu dừa, trân châu sợi vừa đủ lên trên. Có thể thêm một ít sợi dừa non lên trên để vừa thêm đẹp mắt, vừa thêm ngon. Thêm sữa dừa vào chén là có thể thưởng thức được rồi!

MỘT SỐ LƯU Ý KHI NẤU CHÈ ĐẬU ĐỎ ĐẸP DA

Chè đậu đỏ đẹp da là món ăn ngon và tốt cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách và với liều lượng hợp lý. Hãy lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh lượng tiêu thụ phù hợp và tránh các tác dụng không mong muốn.

1. Lưu ý khi sử dụng chè đậu đỏ

  • Sơ chế kỹ: Đậu đỏ cần được ngâm kỹ trước khi nấu để loại bỏ chất lectin, một chất có thể gây ngộ độc nếu ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Sau khi ngâm, nên đun sôi ít nhất 10 phút để đảm bảo an toàn.
  • Hạn chế đường: Chè đậu đỏ thường được nấu ngọt, nhưng việc thêm quá nhiều đường có thể gây tăng đường huyết và dẫn đến tăng cân. Nên ưu tiên dùng đường phèn, đường thốt nốt hoặc các loại đường ăn kiêng.
  • Ăn chè đậu đỏ thời điểm nào là hợp lý? Không nên ăn chè đậu đỏ khi đói vì tính mát của đậu có thể gây cồn ruột hoặc rối loạn tiêu hóa. Thời điểm ăn chè đậu đỏ tốt nhất là ăn sau bữa chính khoảng 1-2 giờ.
  • Không nấu bằng nồi gang, nồi sắt: Sắc tố trong đậu đỏ có thể chuyển thành màu đen khi nấu trong nồi gang hoặc nồi sắt. 

2. Những ai không nên ăn chè đậu đỏ? Người nào cần hạn chế ăn chè đậu đỏ?

  • Người bị tiểu đường: Cần kiểm soát lượng đường nghiêm ngặt hoặc dùng đường ăn kiêng.
  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi: Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện để hấp thu chất xơ từ đậu đỏ.
  • Người có tiền sử dị ứng đậu: Cần tránh hoàn toàn.
  • Người có cơ địa lạnh, hệ tiêu hóa yếu, chướng bụng, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa: Nên ăn ít, nấu loãng và hạn chế dùng nước cốt dừa để tránh đầy bụng, khó tiêu.
  • Người bị viêm loét dạ dày: Có thể khiến dạ dày tăng tiết axit, gây buồn nôn, đau dạ dày. Cần cân nhắc kỹ.
  • Phụ nữ mang thai: Cần nấu chín kỹ đậu đỏ và hạt sen (nếu có) để loại bỏ vi khuẩn và độc tố. Hạn chế lượng đường thêm vào.

3. Chè đậu đỏ kị món ăn nào? Tiêu thụ bao nhiêu chè đậu đỏ thì hợp lý?

Đậu đỏ kị dạ dày dê: Đây là một trong những món ăn "đại kỵ" với đậu đỏ. Đậu đỏ có chứa saponin, chất này có thể kích thích niêm mạc đường tiêu hóa. Nếu ăn cùng dạ dày dê, có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí phù nề.

Đậu đỏ kị kiều mạch: Một số nguồn thông tin còn nhắc đến việc không nên kết hợp đậu đỏ với kiều mạch, tuy nhiên thông tin này ít phổ biến hơn so với dạ dày dê.

Dù chè đậu đỏ bổ dưỡng nhưng không nên lạm dụng. Các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên ăn khoảng 2-3 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 1 chén nhỏ hoặc tương đương 100g đậu/hạt mỗi ngày. Việc ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu do lượng chất xơ dồi dào, hoặc dẫn đến tăng cân nếu thêm nhiều đường.

Cách làm chè đậu đen kiểu Hà Nội

Cách làm chè đậu đen kiểu Hà Nội hay cách nấu chè đỗ đen truyền thống sẽ ướp đậu đen với đường rồi đem xào cho hạt đậu ngấm ngọt, và cũng không sử dụng nhiều  loại topping như các món chè hiện đại.

cach-lam-che-dau-den-kieu-ha-noi

Nguyên liệu làm chè đỗ đen kiểu Hà Nội

  • 200g đỗ đen
  • 250g đường
  • 200g bột năng
  • 1 gói bột rau câu con cá dẻo 5g
  • 1/2 thìa cà phê nước cốt chanh
  • 150g cùi dừa non
  • Tinh dầu chuối, dừa nạo
  • 1/2 thìa cà phê muối
cach-lam-che-dau-den-kieu-ha-noi-5

Cách làm chè đỗ đen kiểu Hà Nội

Bước 1: Đỗ đen nhặt bỏ hạt lép, vo rửa sạch, cho vào nồi cùng 2 lít nước, 1/2 thìa cà phê muối và đun sôi, hớt bỏ bọt. Sau đó, hạ lửa nhỏ ninh trong 20-25 phút cho mềm. Vớt hạt đậu ra, ướp với 200gr đường cho ngấm vị ngọt. Phần nước ninh đậu chắt ra để riêng. 

cach-lam-che-dau-den-kieu-ha-noi-1

Bước 2: Cho đậu đen đã ướp đường vào xào nhẹ tay trong vài phút, sau đó, cho phần nước chè đã chắt vào, đun sôi trở lại, hớt bỏ bọt và để nguội.

Bước 3: Làm trân châu: Cùi dừa non cắt hạt lựu nhỏ để làm nhân. Cho 200gr bột năng vào tô lớn, thêm 30gr đường, 1/2 thìa cà phê nước cốt chanh để trân châu được trong. Đun sôi 200ml nước, rồi múc cho vào hỗn hợp bột, dùng muỗng trộn đều cho bột chín. Để nguội rồi đeo găng tay nhào bột cho tới khi thành khối mịn dẻo, không dính tay là được. Chia thành từng khối nhỏ vê tròn ấn dẹt, cho nhân dừa vào vê tròn.

cach-lam-che-dau-den-kieu-ha-noi-2

Bước 4: Cách luộc trân châu để lâu vẫn mềm dẻo: Đun sôi nước, cho trân châu vào luộc 20 phút, tắt bếp đậy vung và tiếp tục ủ trong 20 phút là trân châu chín, trong, dai mà vẫn mềm dẻo. Sau đó, vớt ra tráng qua nước đun sôi để nguội, vớt ra bát trộn thêm 20gr đường áo cho thấm ngọt (tùy thích).

Bước 5: Thạch đen cắt miếng vừa ăn, dừa nạo sợi để làm topping.

Bước 6: Cho đá đập nhỏ vào cốc, múc chè, cho trân châu, thạch đen, rắc thêm dừa nạo, rưới chút tinh dầu chuối và thưởng thức. 

Chúc các bạn thành công!

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

2 công thức làm chè sắn mochi

2 công thức làm chè sắn mochi dẻo bùi, thơm phức mùi mật và nước cốt dừa. Nghĩ đến thôi đã thòm thèm rồi!

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-1


1. Công thức làm chè sắn mochi mix cùi bưởi

Sắn vừa dẻo vừa ngọt bùi, ăn với nước đường, pha lẫn vị bùi của dừa non vị giòn của cùi bưởi.

cach-lam-che-san-mochi-mix-cui-buoi-1

Nguyên liệu làm chè sắn mochi mix cùi bưởi

Phần sắn (khoai mì) mochi:

  • 300gr sắn tươi
  • 90-100g bột năng
  • 70ml nước sôi hoặc nước cốt dừa
  • 25gr đường
  • 15gr bột béo 
  • 5gr muối
nguyen-lieu-lam-che-san-mochi-mix-cui-buoi

Phần nước đường:

  • 1,5 lít nước
  • 300gr đường thốt nốt hoặc đường vàng
  • 40gr gừng (mọi người có thể điều chỉnh tuỳ theo khẩu vị mình) 
  • 60 gr bột năng
  • 5gr muối 
  • Cùi bưởi (cùi này các bạn xử lý giống cách làm chè bưởi) 
  • 100g dừa nạo sợi 

Cách làm làm chè sắn mochi mix cùi bưởi

Bước 1: Lột vỏ sắn, cắt bớt phần đầu củ sắn. Hấp ở lửa nhỏ khoảng 15 20 phút tới khi chín mềm. Đậy nắp nồi hấp, ủ sắn thêm 10 phút.

cach-lam-che-san-mochi-mix-cui-buoi-2 

Bước 2: Cân lấy 200g sắn hấp chín, nghiền nhuyễn mịn, trộn đều với bột năng, nước cốt dừa (hoặc nước sôi), bột béo , đường và 1 ít muối. Trộn đều và nặn thành các viên nhỏ vừa ăn.

cach-lam-che-san-mochi-mix-cui-buoi-3cach-lam-che-san-mochi-mix-cui-buoi-4

Bước 3: 100g sắn còn lại đem cắt miếng nhỏ vừa ăn nếu thích.

Bước 4: Cho các nguyên liệu của phần nước đường vào nồi, đun tới khi sôi và đường tan hết. Giữ nóng ở lửa nhỏ, cho viên mochi vào đun sôi đến khi viên nổi lên hết là chín.

Bước 5: Sau đó cho sắn miếng , dừa non , cùi bưởi thả vào nồi nước đường đã đun sôi 

cach-lam-che-san-mochi-mix-cui-buoi-5

Bước 6: Hòa tan bột năng với với nước, vừa khuấy chè vừa đổ hỗn hợp bột năng vào. Bật bếp ở lửa nhỏ, khuấy đều tay cho tới khi chè sôi và sánh đặc lại.

2. Công thức làm chè sắn mochi nước cốt dừa

Từng viên mochi sắn dẻo bùi quyện trong nước đường gừng ấm nóng, dừa sợi sần sật, đậu phộng giòn thơm khiến các tín đồ ăn vặt mê mẩn.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-8

Nguyên liệu làm chè sắn mochi nước cốt dừa

  • 300gr sắn tươi
  • 150gr bột năng
  • 20gr nước cốt dừa
  • 20gr đường
  • 20gr sữa đặc
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • 150gr đường vàng (hoặc mật mía)
  • 1 nhánh gừng nhỏ
  • 50gr bột năng
  • 1/4 thìa cà phê muối

Cách làm chè sắn mochi nước cốt dừa

Bước 1:  Sắn bóc bỏ vỏ, ngâm nước muối loãng hoặc nước vo gạo 6 - 7 tiếng cho hết độc tố và không bị thâm.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-2

Bước 2: Hấp chín sắn cho tới khi nở bung mềm.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-3

Bước 3:  Lấy 2/3 lượng sắn giã hoặc nghiền nhuyễn cho mịn, 1/3 còn lại thì cắt miếng vừa ăn.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-4

Bước 4 Làm viên sắn mochi: Phần sắn nghiền nhuyễn cho thêm 150gr bột năng, 20gr nước cốt dừa, 20gr đường, 1/4 thìa cà phê muối trộn đều và vo viên tròn. Bao áo bằng chút bột năng cho đỡ dính. Đun sôi nước, cho các viên sắn mochi vào, đảo nhẹ và luộc cho tới khi mochi nổi lên, bột chuyển màu trong là đã chín. Vớt ra cho vào bát nước nguội để tránh dính. Khi nào ăn thì đun nước đường gừng và cho mochi vào.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-5

Bước 5: Cho 1,2 lít nước cùng 150gr đường vàng (hoặc mật mía, điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị), thêm gừng thái sợi, 1/4 thìa cà phê muối lên bếp đun sôi, khuấy đều cho đường tan.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-6

Bước 6: Vớt các viên sắn mochi cho vào nồi nước đường, thêm sắn cắt miếng. Nấu khoảng 2 phút cho hỗn hợp nước đường quyện vị vào sắn mochi.

cach-lam-che-san-mochi-nuoc-cot-dua-7

Bước 7: Hòa tan bột năng với chút nước rồi cho dần xuống nồi chè, vừa cho vừa khuấy cho tới khi sánh lại theo mong muốn. Hạ nhỏ lửa và nấu cho bột năng chín hẳn trong 9 - 10 phút. Sau đó, tắt bếp, múc chè sắn ra bát, rắc thêm dừa nạo sợi, lạc hoặc vừng rang rồi rưới nước cốt dừa và thưởng thức nóng.

Chúc các bạn thành công!!!

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Cách nấu chè đậu xanh đánh nhuyễn

Nấu chè đậu xanh sẽ ngon hơn nếu  rưới lên trên một chút tinh dầu chuối. Trộn đều các nguyên liệu trên rồi thưởng thức.

cach-nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-1

Nguyên liệu nấu chè đậu xanh đánh nhuyễn giải nhiệt ngày hè

  • 200g đậu xanh
  • 200g đường phèn
  • Muối
  • Vani
  • Dầu chuối
  • Trân châu, thạch, dừa tươi nạo sợi,…
nguyen-lieu--nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-1

nguyen-lieu--nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-2

Cách nấu chè đậu xanh đánh nhuyễn giải nhiệt ngày hè

Bước 1. Ngâm đậu xanh

Sử dụng đậu tách vỏ hoặc đậu nguyên vỏ đều được. Đậu xanh rửa sạch rồi đem ngâm với nước khoảng 4 tiếng. Nếu trời nắng nóng, thời gian ngâm sẽ nhanh hơn một chút. Không nên ngâm đậu xanh quá lâu, có thể làm đậu bị chua, lên men.  cho vào nước ngâm một chút muối để đậu đậm đà hơn nhé.

cach-nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-2

Bước 2. Nấu đậu xanh

- Đậu rửa sạch cho vào nồi. Thêm 750ml nước và 1/2 thìa cafe muối vào nồi đậu, nấu với lửa nhỏ cho tới khi đậu mềm nát.

cach-nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-3

- Cho đậu vào máy xay sinh tố cùng với khoảng 200ml nước. Xay nhuyễn rồi đổ lại vào chảo. Thêm 200g đường vào, khuấy đều. Sên đậu xanh ở lửa nhỏ cho tới khi đậu sánh đặc là được. Cho thêm chút vani rồi đảo đều, tắt bếp.

- Nếu không có máy xay sinh tố hoặc muốn ăn hơn lợn cơn một chút,  dùng muôi, thìa để đánh đậu. Đánh đậu xanh khi đậu còn nóng cho mềm đến mức độ mong muốn. Đem đậu đi sên với đường đến khi đậu sánh và đặc lại.

Bước 3. Cách làm 5 loại trân châu thường dùng với chè và trà sữa

cach-nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-4

cach-nau-che-dau-xanh-danh-nhuyen-4

Bước 4. Hoàn thiện món chè đậu xanh

- Dừa  nạo thành sợi dài. Nhớ gọt vỏ phần vỏ đen của dừa trước khi nạo sợi để dừa trắng, đẹp mắt hơn nhé.

- Thạch đen cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Thạch đen  có thể mua sẵn hoặc sử dụng bột sương sáo đen để nấu thạch đen.

- Cho đá viên vào cốc. Múc phần chè đỗ xanh, cho vào cốc đá đã chuẩn bị. Thêm trân châu, thạch đen và cuối cùng là dừa nạo vào. 

Chúc các bạn thành công với cách nấu chè đậu xanh đánh nhuyễn chuẩ miền Bắc trên đây nhé!!!

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Cách làm chè bơ hạt sen bùi ngậy ngon miệng

Cách làm chè bơ hạt sen bùi ngậy ngon miệng chắc chắn sẽ đốn tim bất cứ ai khó tính nhất, bơ thì sánh mịn và béo ngậy. Hạt sen thì bùi bở, nước cốt dừa thơm mà không quá ngọt, rất thích hợp làm món tráng miệng cho các bữa tiệc sang chảnh.
 
Cách làm chè bơ hạt sen bùi ngậy ngon miệng 1

Nguyên liệu l chè bơ hạt sen cho 4 người

  • Bơ chín 1 trái
  • Sữa đặc 40ml
  • Sữa tươi 350ml
  • Gelatin 30gr (đã nấu lỏng)
  • Nước cốt chanh 1 muỗng cà phê
  • Nước 100ml
  • Hạt sen 50gr
  • Nước cốt dừa 200ml
  • Lá dứa 2 lá
  • Đường 170gr
Cách làm chè bơ hạt sen bùi ngậy ngon miệng 2

Cách làm chè bơ hạt sen

Bước 1️: Sơ chế và xay bơ

- Bơ đem cắt đôi theo chiều dọc và gọt bỏ, cắt khối vuông nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố xay cùng 40ml sữa đặc và 350ml sữa tươi đã chuẩn bị và 40gr đường

- Cho tiếp thêm 30gr gelatine đã nấu lỏng cho vào cối xay và xay đều hỗn hợp, thêm 1 muỗng cà phê nước cốt chanh vào trộn đều. Cho phần bơ đã xay vào hợp đựng bỏ vào ngăn mát tủ lạnh tầm 3 tiếng

Bước 2️: Nấu hạt sen và làm nước cốt dừa

- Luộc chín hạt sen, để nguội và vớt hạt ra để ráo nước

Cách làm chè bơ hạt sen bùi ngậy ngon miệng 3

- Đun sôi 100ml nước lọc cùng 100gr đường ở lửa nhỏ để đường không bị cháy và nước đường bị vàng màu, khi đun dùng đũa đảo đều phần đường Cho đến khi đường tan thì tắt bếp, để nguội nước đường

- Cho hạt sen vào ngâm cùng nước đường đã để nguội

- Tiếp theo bạn nấu 200ml nước cốt dừa với 10gr lá dứa và 30gr đường để tạo phần nước cốt dừa cho món chè

Bước 3️: Hoàn thành

Cách làm chè bơ hạt sen bùi ngậy ngon miệng 4

- Cho phần bơ đã đông sệt lại ra dĩa, bạn cần thực hiện sao cho khéo léo để múc thành viên bơ tròn.

- Cho tiếp hạt sen đã ngâm nước đường rào. Rưới nước cốt dừa lên xung quanh và thưởng thức.

Chúc các bạn thành công!

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Cách làm chè Thái - Chè củ năng kiểu Thái

Củ năng hay còn gọi là củ mã thầy là món ăn được nhiều người yêu thích vị ngọt lành, thanh mát đặc trưng. Củ năng còn được biết đến như một loại thuốc quý trong Đông Y với nhiều công dụng như: giải độc, trợ giúp tiêu hóa và giảm huyết áp hiệu quả,…

Cách làm chè Thái - Chè củ năng kiểu Thái

Nguyên liệu làm chè củ năng kiểu Thái

  • 200gr củ năng tươi
  • 1 trái dừa
  • 50gr xoài
  • 150gr mít
  • 100gr bột năng
  • 60ml nước cốt dừa

Cách làm chè củ năng kiểu Thái

Bước 1: Củ năng gọt vỏ, cắt hạt lựu. Cơm mít xé sợi. Xoài thái lát. Bổ dừa lấy cơm, cắt sợi cơm dừa.

Bước 2: Rửa củ năng đã cắt với nước lạnh. Cho phần củ năng này vào lăn với bột năng, tạo thành lớp áo mỏng. Vẩy hoặc xịt một chút nước, trộn đều và thêm một chút bột khô nữa cho bột bám vào củ năng nhiều hơn. Cho chỗ hạt củ năng ra rổ hoặc rây thưa, rây cho bột thừa rơi hết.

Bước 3: Đun một nồi nước sôi, thả chỗ hạt củ năng vừa rây vào khoảng hơn một phút hoặc cho đến khi hạt nổi hết lên thì ngay lập tức vớt ra và thả vào tô nước lạnh để hạt không bị nát.

Bước 4: Đun nóng 100 ml với 60g đường, cơm dừa, chút xíu muối tới khi sôi thì tắt bếp.

Bước 5: Múc phần nước vừa nấu ra ly, cho nước cốt dừa, mít, dâu tây vào dùng kèm. Để nguội và thêm đá, thả hạt củ năng vào. Vậy là bạn có ngay một bát chè củ năng thơm mát.

Chúc các bạn thành công!

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Cách làm sủi dìn Hải Phòng - TOP món ăn phải thử

Công thức làm sủi dìn Hải Phòng này được khoảng 25 viên to, các bạn chia bột và chia nhân theo số lượng cho đủ số người ăn nha. Nếu chia nhiều người ăn hơn thì nặn viên nhỏ hơn chút là được nha ạ!

cach-lam-sui-din-hai-phong-top-mon-an-phai-thu

Nguyên liệu làm sủi dìn Hải Phòng

  • 400g bột nếp
  • Đường (đen, trắng hay thốt nốt đều được)
  • 200-300g lạc
  • 100g vừng đen
  • 300-400g dừa sợi
  • 1 củ gừng to

Cách làm sủi dìn Hải Phòng

Bước 1: Hòa bột làm sủi dìn

- Hòa bột nếp với nước ấm, nhào đều rồi để bột nghỉ tầm 30 phút. Lưu ý không để bột nhão quá khó nặn, nếu trót đổ nhiều nước thì có thể để giấy ăn ở trên bột để thấm bớt nước,

- Bột nghỉ đủ thời gian đem chia bột thành các phần bằng nhau từ 25-30 phần nhé.

Bước 2: Làm nhân sủi dìn

- Rang lạc chín xong đem giã dối,

- Vừng đen cũng rang qua cho thơm,

- Bắc chảo lên bếp, cho đường và một chút nước vào, rồi cho lần lượt dừa sợi, lạc, vừng vào đảo đều.

Bước 3: Nặn bánh

- Nhân hơi nguội thì nặn thành từng viên tròn bằng nhau,

- Dàn mỏng phần vỏ bánh rồi cho nhân vào giữa, nặn bánh cho kín phần nhân.

Bước 4: Nấu nước đường

- Thả đường vào nồi nước sôi cùng gừng đập dập. Lượng đường tùy thuộc khẩu vị của mỗi gia đình,

- Xong nước thì thả viên vào luộc, bao giờ viên nổi lên là chín ạ.

Khi dùng múc ra mỗi bát 5 viên, thêm nước đường và rắc lạc rang, dựa nạo lên trên. Chúc các bạn thành công.

Cách làm chè sắn nóng chuẩn vị Bắc

Cách làm chè sắn nóng chuẩn vị Bắc mềm dẻo, dai dai, dư vị cuối lại là vị bùi béo và thơm nồng nàn mùi cốt dừa. Là món ăn chơi không thể thiếu mỗi độ đông về.

cach-lam-che-san-nong-chuan-vi-bac

Nguyên liệu làm chè sắn

  • 3 củ sắn tươi
  • 1 nhánh gừng nhỏ
  • 300gr đường
  • 1-2 thìa bột sắn dây (nếu không có bột sắn dây có thể dùng bột năng)
  • Nước cốt dừa (nếu muốn chè thơm và có vị béo hơn)
  • Dừa thái sợi, lạc rang

Cách làm chè sắn

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Sắn đem gọt vỏ sạch, rửa với nước thường rồi cho vào âu ngâm với nước muối khoảng 5-7 tiếng (có thể ngâm qua đêm từ tối hơm trước đến sáng hôm sau nấu là tốt nhất hoặc ngâm từ trưa đến tối nấu).

- Sau khi ngâm xong đem rửa lại lần nữa rồi cho vào nồi, đổ lấp xấp nước luộc đến khi sắn chín.

- Khi sắn đã chín thì tắt bếp để nguội rồi cắt miếng vừa ăn hoặc thái quân chì nhỏ cũng được. Sắn nếu thái nhỏ trước thì luộc sẽ nhanh chín hơn nhưng độ ngọt của sắn sẽ mất đi, vì vậy nên luộc chín rồi mới thái nhỏ để chè sắn nóng có vị đậm đà hơn nhé.

Bước 2: Nấu nước đường chè sắn gừng

- Chuẩn bị một nồi 1 - 1,5 lít nước nước, cho vào 300gr đường.

- Gừng rửa sạch cạo lớp vỏ ngoài rồi thái sợi nhỏ thả cùng vào nồi nước đường trên, khuấy đều đến khi đường tan và nước sôi là được.

Bước 3: Đến khi nước sôi thì cho sắn đã cắt vào cùng, nấu lừa nhỏ để đường và gừng quyện vào sắn. Lúc này bạn nên nêm nếm một lần nữa cho vừa miệng.

Bước 4: Hòa bột sắn dây cùng một lượng nước vùa đủ cho tan ra rồi đổ từ từ vào nồi chè sắn, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi thấy sánh lại là được.

Bước 5: Múc chè sắn ra bát, rắc lạc rang và dừa nạo lên trên thưởng thức nóng, các bạn có thể cho thêm nước cốt dừa.

Chúc các bạn thành công!

Làm bánh trôi tàu ấm nóng ngày đầu đông

Hà Nội vào đông năm giãn cách, đi tìm mãi không thấy bóng dáng hàng bánh trôi tàu... Thèm dư vị ngọt ngào ấm nóng của bát bánh trôi tàu, thèm cảm giác xuýt xoa giữ tay vào bát nên hì hục tự làm bánh trôi tàu.

lam-banh-troi-tau-am-nong-ngay-dau-dong

NGUYÊN LIỆU LÀM BÁNH TRÔI TÀU

Bột bánh

  • 300gr bột nếp
  • 100gr khoai lang/khoai tây
  • 150-250ml nước ấm

Nhân đậu xanh

  • 100gr đỗ xanh cà vỏ
  • 30gr đường
  • 1/4 thìa cà phê muối

Nhân vừng đen

  • 100gr vừng (mè) đen
  • 30gr lạc (đậu phộng)
  • 20gr dừa sợi
  • 50gr đường
  • 80ml nước

Nước đường

  • 1,5 lít nước
  • 300gr đường phên
  • 1 củ gừng nhỏ
  • 3 thìa canh bột sắn dây/bột năng (không bắt buộc)
  • 1/4 thìa cà phê muối

CÁCH LÀM BÁNH TRÔI TÀU HÀ NỘI

Bước 1: Nhào bột bánh

- Khoai rửa sạch, gọt vỏ, luộc/hấp chín. Tán nhuyễn khoai, lược qua rây cho mịn rồi bóp đều bột với khoai.

- Chế nước vào nhồi từ từ cho tới khi bột dẻo mịn, không dính tay là đạt. Bọc kín khối bột, để nghỉ 30-60phút.

Bước 2: Làm nhân đậu xanh

- Đậu xanh vo sạch, ngâm nước lạnh 6-12 tiếng.

- Nấu chín đậu xanh. Trộn đều đậu xanh với đường và muối. Viên đậu thành viên tròn.

Bước 3: Làm nhân vừng đen

- Vừng đen rang thơm, xay nhuyễn. Lạc rang chín, xát vỏ, xay nát.

- Trộn vừng, lạc, dừa và đường với nước, xào trên chảo tới khi nhân kết dính lại. Nặn nhân vừng thành viên tròn.

Bước 4: Nặn bánh và luộc bánh

- Ngắt một viên bột, ép dẹp. Đặt viên nhân vào chính giữa, gói kín lại.

- Đun một nồi nước. Khi nước sôi, thả bánh vào luộc. Bánh nổi lên, vớt thả ngay vào thau nước lạnh.

Bước 5: Nấu nước đường

- Gừng rửa sạch, giã dập. Đường phên thái mỏng.

- Đun sôi 1,5 lít nước, nêm ¼ thìa cà phê muối, thả gừng vào đun và nấu tan đường. Khi đường tan, vớt bánh trôi cho vào nước đường đun nhỏ lửa khoảng 3-5 phút.

- Hòa bột sắn dây với 3 thìa canh nước, xuống bột từ từ tới khi nước đường sánh như ý.

Bánh trôi tàu ăn nóng. Một bát gồm một viên nhân đậu xanh, một viên nhân vừng đen, chan nước đường, trên rắc dừa nạo và lạc rang giã dập. Chúc các bạn thành công!

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Cách làm Chí mà phù chè vừng đen của người Hoa

Cách làm chè vừng mè đen đậu phộng theo công thức của người Hoa luôn sử dụng đường phèn thay cho đường cát, sẽ cho món chè ngọt thanh hơn.

Thêm một bí quyết để có món chè vừng chè mè đen ngon là bạn nên dùng đường phèn thay đường cát sẽ khiến món chè thanh ngọt hơn, rửa đậu phộng trước khi rang sẽ khiến đậu phộng giòn hơn. Và luôn nhớ khi làm chè mè đen Chí mà phù là phải khuấy đều tay để chè sánh mịn, không bị vón cục nha.

cach-lam-chi-ma-phu-che-vung-den

Nguyên liệu chè vừng đen đậu phộng Chí mà phù của người Hoa

  • 200g vừng đen
  • 200g đậu phộng
  • 200g đường phèn
  • 50g bột năng
  • Một ít lá dứa
  • 200g dừa nạo

Cách nấu chè vừng đen đậu phộng Chí mà phù của người Hoa

Bước 1: Vừng đen khi mau về, cho vào nước vo sạch, loại bỏ tạp chất, rồi cho vừng ra rổ để ráo nước. Tiếp theo, cho chảo lên bếp, đun nóng rồi cho vừng đen vào rang đến khi vừng dậy mùi thì cho vừng ra đĩa để thật nguội. Sau đó, cho vừng vào xay nhuyễn. Lưu ý, nếu vừng chưa nguội mà đem xay sẽ khiến cho món chè vừng đen không được ngon.

Bước 2: Đậu phộng rửa sạch rồi cho vào chảo rang cùng ít muối đến khi vàng giòn. Sau đó tách vỏ đậu phộng rồi để nguội. Tiếp theo, xay đậu phộng thật mịn rồi cho ra chén riêng.

Bước 3: Cho 2 chén nước ấm vào dừa nạo rồi nhào và vắt lấy nước cốt. Rồi cho phần nước cốt này vào nồi đun sôi, để nguội. Tiếp theo, cho tiếp 5 chén nước ấm vào dừa nạo để vắt lấy nước cốt dão để nấu chè.

Bước 4: Cho nước cốt dão, vừng xay, đậu phộng xay cùng đường phèn cùng lá dứa rửa sạch vào nồi và nấu sôi. Khuấy đều tay để các nguyên liệu hòa tan vào nhau. Tiếp tục, hòa bột năng với nước, rồi từ từ cho bột năng vào nồi chè, khuấy đều tay để tạo độ sánh cho chè rồi tắt bếp.

Cho chè ra chén rồi rưới nước cốt dừa lên trên hoặc cũng có thể giữ lại ít dừa nạo và đậu phộng hạt để rắc lên trên mặt chè là quá ngon để thưởng thức rồi đó! Chúc các bạn thành công!

 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design