Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Nguyên liệu làm bánh Bột custard - Bột lion - Bột sư tử

Bột sư tử - Bột lion - Bột custard là bột gì?

Bột sư tử hay còn gọi là bột custard thường được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như bột trứng, bột lion, bột sư tử hay bột làm nhân bánh. Thật ra chúng là một, được sử dụng là một nguyên liệu phụ trợ trong các công thức làm bánh, giúp chiếc bánh nhỏ trở nên hoàn hảo hơn. Cùng Bếp tìm hiểu rõ hơn về loại bột này nhé ;).

Bột sư tử là bột gì?

1. Bột sư tử là bột gì? Bột custard là bột gì?

Hiểu đơn giản thì bột sư tử, bột custard là một loại bột phụ trợ trong làm bánh. Để làm ra bột custard, người ta thường trộn đều tinh bột ngô cùng với một chút kem béo, bột vani, hương liệu màu cùng với hương trứng. Chính điều này đã khiến cho bột custard có hương vị khá đặc biệt và khi được ứng dụng trong các loại bánh thì luôn mang lại kết quả hoàn hảo cho vị thơm ngon của những chiếc bánh.

Loại bột sư tử phổ biến nhất hiện nay mà chúng ta thường dùng là bột custard “sư tử” (lion). Cấu trúc của bột thường khá dẻo, đặc và có thể nướng được, đây cũng là nhân kem của khá nhiều loại bánh.

2. Bột sư tử thay bằng bột gì?

Như đã nói ở trên, bột sư tử được cấu thành từ tinh bột ngô cùng với một chút kem béo, bột vani, hương liệu màu cùng với hương trứng. Thế nên muốn thay bột sư tử bằng bột gì? thì các bạn hãy tìm hiểu tỉ lệ bột ngô và vani xem sao nhé!
Bột sư tử thay bằng bột gì?

Phải thật lưu ý trong công thức làm bánh bằng bột sư tử đã có những nguyên liệu gì rồi để mình điểu chỉnh nhé các nàng.

3. Cách làm bánh bằng bột sư tử - Cách sử dụng Bột custard trong làm bánh

Các công dụng chính trong làm bánh của bột sư tử, bột custard là dùng để trộn vào bột làm bánh hoặc dùng làm nhân bánh hoặc giúp tạo màu vàng giòn đẹp. Với đặc trưng về hương vị của mình, bột sư tử thường được sử dụng như một nguyên liệu để lấn át bớt vị tanh của trứng trong một số món bánh và tạo ra hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

3.1. Trộn bột sư tử vào làm bánh bông lan

Bột custard thường được trộn vào chung với các nguyên liệu để làm bột bánh của một số loại bánh như bánh chuối, bánh khoai chiên, bánh bông lan, bánh mì hoặc bánh trứng. Trong trường hợp này, chúng không chỉ giúp món bánh có mùi vị đặc biệt, thơm ngậy hơn hẳn mà còn khiến cho mùi trứng nhẹ đi và dễ thưởng thức hơn rất nhiều.

Công thức làm bánh trứng gà non có sử dụng bột custard được các chị em thắc mắc rất nhiều

Để làm bánh bằng bột sư tử, khi trộn chung với các loại bột làm bánh, bạn chỉ cần lấy theo đúng tỉ lệ cần thiết rồi trộn lên cho thật đều là được rồi.

>>> Xem ngay: Cách làm bằng bột sư tử - Cách làm bánh bánh trứng gà non Hong Kong

3.2. Cách làm bánh bằng bột sư tử - Dùng làm nhân bánh

Không phải ngẫu nhiên mà trùng tên với loại bánh ai cũng biết và Bếp cực kỳ thích ăn - bánh Custard nổi tiếng, với phần bánh bông lan và nhân custard bên trong đã khiến người thưởng thức "tan chảy". Bột custard chính là một nguyên liệu không thể thiếu để làm ra phần nhân đó.

Và với bánh su kem thơm, mát, béo cũng vậy - bột custar cũng được ứng dụng để làm phần nhân cho bánh su kem "trứ danh" này.

Cách làm bánh bằng bột sư tử - làm nhân bánh su kem

Khi bạn muốn dùng bột sư tử làm nhân kem hoặc sử dụng trong các món thạch thì đầu tiên, bạn cần hòa tan lượng bột custard cần dùng rồi mới trộn với các nguyên liệu còn lại nhé!

3.3. Cách sử dụng bột sư tử - Dùng làm bột chiên giòn

Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn bột sư tử với bột bắp như một loại nguyên liệu để làm giòn. Dùng bột sư tử để chiên ngô, chiên khoai lang. Bột sư tử còn dùng để chiên cá, chiên tôm hay chiên gà bằng bột sư tử cũng đều rất ngon.


Hoặc kết hợp chúng với sốt mayonnaise để thành bột loại sốt đặc biệt thơm ngon.

4. Bột sư tử mua ở đâu? Bột sư tử bao nhiêu tiền?

Bột sư tử bán ở đâu? Là nguyên liệu phụ trợ trong làm bánh nên tất nhiên là bột sư tử/bột custard được bán rất nhiều ở các cửa hàng chuyên đồ làm bánh.

Bột sư tử giá bao nhiêu? Hiện nay ở Việt Nam phổ biến nhất là loại bột sư tử 300g có giá là 35.000đ, các nàng mua tại shop uy tín này nha https://shorten.asia/jYhvgtCn

Ngoài ra một số shop cũng chiết bột Lion Custard (bột sư tử) thành những túi nhỏ 100g, với giá 15.000đ cho khách có nhu cầu sử dụng ít hơn, nếu muốn mua một chút bột sư tử thì các nàng có thể mua tại đây nhé https://shorten.asia/41cuCG5v

Một lưu ý nhỏ cho bạn khi sử dụng bột sư tử làm bánh là hãy tuân thủ đúng tỷ lệ bột trong công thức vì nếu bạn dùng quá ít sẽ không đạt được hương vị mong muốn, dùng quá nhiều thì lại khiến bánh nồng và có vị gắt chứ không hề thơm ngon đâu nhé!

5. Bột sư tử dùng để làm gì? Bột sư tử làm món gì?

5.1 Bột sư tử chiên ngô

Nguyên liệu làm bột sư tử chiên ngô
  • 1 túi ngô ngọt  (có thể dùng ngô tươi thay cho ngô hộp)
  • 1 gói bột sư tử
  • 1 gói bột bắp
  • 1 gói bột chiên giòn
  • 3 thìa bơ vàng
  • 1 thìa đường
  • 1 quả trứng gà
  • Hạt nêm, dầu ăn, muối tinh
Bột sư tử chiên ngô
Cách làm bột sư tử chiên ngô

Bước 1: Nếu dùng ngô hộp thì chỉ việc đổ ngô ra, để cho ráo nước. Nếu dùng ngô tươi thì rửa qua cho ngô ra bớt mày ngô (không cần quá kĩ vì khi trộn bột và rây bột thì mày ngô sẽ tự tách ra). Đun sôi nước với vài thìa đường, cho ngô vào luộc, sôi khoảng 1-2 phút thì trút ngô ra rổ, nhanh tay xả qua nước lạnh cho hạt ngô mọng, để cho ráo. Rồi lúc ngô vẫn còn nóng, rắc vào ít hạt nêm cho đậm đà lúc nguội ngô sẽ không ngấm gia vị)

Bước 2: Tách lấy lòng trắng trứng, thay vì lòng đỏ như trước kia để tránh hiện tượng bị sửi bọt. Vẫn đựng ngô trong rổ, cho lòng trắng vào và dùng tay trộn đều. Lòng trắng thừa sẽ chảy bớt qua các lỗ trên rổ, tránh bị quá nhiều khiến ngô ướt, mau ỉu và bám nhiều bột gây lãng phí. Sau đó cho ngô vào bát đựng, đổ bột vào trộn cho bột bám đều từng hạt ngô. Dùng rổ lỗ to rây cho rơi hết bột thừa, các mày ngô còn sót cũng sẽ rơi ra theo.

Bước 3: Đun dầu nóng già rồi đổ ngô vào chiên (ăn đến đâu chiên nóng đến đấy sẽ ngon hơn). Tốt nhất là cứ để yên ngô như vậy, tránh đảo ngay vì bột dễ bị rơi hết ra lắng xuống dưới đáy chảo

Bước 4: Bột rất nhanh chín nên chỉ một lúc sau là có thể dùng đũa đảo qua đảo lại được.Kiểm tra thấy vỏ ngô giòn, căng phồng là ngô đã chín, vớt ngô ra đĩa có lót giấy thấm dầu hoặc dụng cụ đựng cho ráo dầu.

Bước 5: Nếu muốn món ngô thêm thơm ngậy thì xắt miếng bơ nhỏ cho vào chảo khi sắp vớt ngô ra; hoặc ngay khi vớt ngô ra, cho miếng bơ vào xóc đều. Tuy nhiên mình thấy không cần thiết vì bột sư tử đã có công dụng như bơ.

5.2. Bột sư tử chiên gà KFC

Nguyên liệu làm bột sư tử chiên gà KFC

  • 3 củ sả
  • 3 đùi gà
  • 1 củ tỏi
  • 1 thìa hạt nêm
  • 1 bát con bột chiên giòn
  • bột sư tử lion
Bột sư tử chiên gà


Cách làm bột sư tử chiên gà KFC

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gà sát muối rửa sạch, lấy que xiên xiên quanh đùi gà cho ngấm gia vị và mau chín.
- Tỏi, sả đem rửa sạch rồi băm nhỏ
- Ướp gà với tỏi, sả, hạt nêm 1 tiếng cho ngấm gia vị.

Bước 2: Mang đùi gà đi hấp, hấp chín độ 80% rồi bỏ ra lăn qua một lớp bột chiên giòn. Lăn cho bột phủ kín đùi gà, giữ lại một bột chiên giòn để trộn với bột sư tử.

Bước 3: Pha bột chiên giòn + bột sư tử với một chút nước cho hỗn hợp sệt sệt, lăn đùi gà qua hỗn hợp này lần nữa rồi đem chiên.

Bước 4: Chiên ngập dầu, nên chiên qua 2 lửa để gà ngon và giòn hơn.

5.3 Bột sư tử chiên khoai lang kén

Nguyên liệu làm bột sư tử chiên khoai lang kén

  • 1500g khoai lang vỏ đỏ
  • 120g bột nếp
  • 80g đường
  • 100g bột năng
  • 160ml sữa tươi
  • 30g bột cốt dừa hoặc nước cốt dừa
  • 300g bột chiên giòn
  • 420ml nước
  • 30g bột sư tử
  • Mè đen
Bột sư tử chiên khoai


Cách làm bột sư tử chiên khoai lang kén

Bước 1: Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín (hấp sẽ ngọt hơn luộc). Khoai chín, cho ra bát to, nghiền nhuyễn khi còn nóng.

Bước 2: Trộn khoai nghiền với: đường, 50g bột năng (một nửa số bột năng đã chuẩn bị), bột nếp, bột cốt dừa hoặc nước cốt dừa, sữa tươi. Đeo bao tay nilon vào trộn đều cho nhuyễn các nguyên liệu với nhau.

Bước 3: Nặn khoai bằng ngón tay cái. Lăn khoai qua bát đựng 50g bột năng còn lại.

Bước 4: Hoà bột chiên giòn + nước + bột sư tử + mè đen vào bát tô cho mịn, nước sền sệt, không vón cục. Nhúng khoảng 5 miếng khoai đã lăn qua bột năng vào. Không nên nhúng quá nhiều khoai một lúc vì dễ làm nát khoai.

Bước 5: Làm bột sư tử chiên khoai lang kén
- Cho dầu vào nồi nhỏ hoặc chảo sâu lòng, lượng dầu đủ ngập khoai, lửa vừa. Khi dầu nóng cho số khoai đã nhúng qua bột chiên giòn vào. Rán sơ sơ cho hơi vàng rồi vớt khoai ra, để nguội.
- Nếu làm nhiều cho khoai vào từng túi nhỏ, để ngăn đá tủ lạnh bảo quản được cả nửa tháng. Khi nào ăn lấy khoai ra rán luôn, không cần rã đông.
- Rán lượt thứ 2 cho khoai vàng kỹ, ăn khoai sẽ giòn rụm.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Dùng nước tro tàu làm bánh có độc không?

Trong vài công thức bánh mà Bếp chia sẻ có sử dụng nguyên liệu là nước tro tàu - một nguyên liệu không mới, chắc chắn chúng ta đều đã nghe qua thứ nước này rồi. Được dùng để làm vỏ hoành thánh, mì sợi hay những loại bánh ú, bánh gai…


Và có cùng câu hỏi như tinh than tre, là nước tro tàu có độc không? Bài viết này Bếp sẽ lý giải 3 câu hỏi về là gì? làm gì? và làm như thế nào? nhé!!!

1, Nước tro tàu là gì?

Nước tro tàu là loại nước được chế biến từ nguyên liệu chính là củi, gỗ được đốt cháy thành tro. Sau đó thực hiện khuấy tro và thu được nước sạch để tro lắng xuống dưới đáy. Phần nước trong lấy được từ hỗn hợp này được gọi là nước tro tàu.

a, Nước tro tàu than củi

Nước tro tàu được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên là củi hay gỗ, bằng cách đốt chúng thành tro rồi đem khuấy tro vừa đốt cháy với nước sạch sau đó để cho tro lắng xuống đáy. Công đoạn cuối cùng là gạn lọc lấy phần nước trong, bỏ cặn và tạp chất. Đó chính là nước tro tàu than củi.

Thành phần nước tro tàu than củi: Trong nước tro tàu than củi có nhiều thành phần chất khoáng, nhiều canxi, kali… và đặc tính kiềm mạnh do kali và thành phần phosphate tồn tại trong hỗn hợp. Những nước tro thu được nếu độ kiềm yếu sẽ cho thêm nước vôi để tăng độ kiềm.

Ngày nay, nước tro tàu được chế biến thủ công với quy trình chế biến nghiêm ngặt hơn rất nhiều, các tạp chấp và chất gây độc hại đều được loại bỏ hoàn toàn. Nước tro tàu (lye water) còn có tên gọi hóa học là natri hydroxit (NaOH) hay hydroxit kali (KOH), đây được xem là một sản phẩm hóa chất công nghiệp với nhiều dạng khác nhau như hạt, bột, viên, chất lỏng…có tổng sản lượng sản xuất lớn trên thế giới với khoảng 40 triệu tấn một năm.

Công dụng của nước tro tàu than củi trong làm bánh: Nước tro tàu than củi được sử dụng làm trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam như bánh ú tro, bánh đúc, bánh gai… nước tro tàu sẽ giúp cho các loại bánh này có thêm hương vị và màu sắc riêng.

b, Nước tro tàu hóa chất

Với những phát triển của ngành công nghiệp hóa chất mà nước tro tàu than củi ngày càng mất gốc. Nước tro tàu làm từ hóa chất mỗi ngày một trở nên thông dụng hơn với sự nhanh chóng và tiện lợi được pha chế bằng hóa chất.

Những thành phần tồn tại trong nước tro tàu hóa chất thông thường bao gồm: sodium hydroxid, potassium hydroxid hoặc có thể từ những thành phần carbonate, potassium carbonate hoặc tổng hợp cả hai loại chất này. Nước tro tàu hóa chất còn có loại xuất hiện nước vôi.

Bên cạnh đó có một số loại nước tro tàu hóa chất được bán rộng rãi và phổ biến trên thị trường là Kansui, ở dạng bột hoặc dạng nước đã có bổ sung thêm phosphate để ổn định độ kiềm.

Được dùng để thay thế cho nước tro tàu than củi. Tất cả những loại nước tro tàu hóa chất đều có tính kiềm mạnh, độ kiềm trong loại nước này rất mạnh có thể cải thiện được hương vị và cả cấu trúc bánh. Nước kiềm này được sử dụng trong bánh trung thi với lớp vỏ mềm mại không giòn. Nước tro tàu làm cho vị bánh đậm hơn, giữ được mùi lâu hơn và có được màu sắc bắt mắt. Nước tro tàu được ứng dụng trong làm mì sợi để phá vỡ được cấu trúc gluten của bột, làm bột dễ nhào nặn, mềm mại hơn, dễ kéo sợi tạo hình hơn.

2, Nước tro tàu dùng như thế nào?

Nước tro tàu được sử dụng trong quá trình làm bánh hay chế biến thực phẩm với công dụng làm trắng và giữ được màu tự nhiên. Những thực phẩm dùng đến nước tro tàu có thể biết đến như: dùng để ngâm cá khô, làm dầu ô liu để giảm độ đắng, đóng hộp các loại cam quýt, làm bánh tro, bánh ú, làm mì sợi dẻo dai, làm bánh trung thu, làm trứng bắc thảo….

Những loại bánh có nước tro tàu trong thành phần nguyên liệu nếu được sử dụng với liều lượng hợp lý luôn có hương vị khá thơm ngon và đặc biệt.

Được ứng dụng trong rất nhiều quá trình chế biến thực phẩm và làm bánh, tuy nhiên, chúng ta cần sử dụng chúng với liều lượng hợp lý vì bất với bất kì nguyên liệu nào cũng vậy, có mặt lợi nhưng cũng sẽ có mặt hại nếu sử dụng quá nhiều.

Tuy nhiên, nước tro tàu hóa chất lại cực kì độc hại vì có tính ăn mòn trên các mô sống như giác mạc, da, thịt rất cao, việc này có thể dẫn đến gây sẹo, mù khi tiếp xúc. Do tính chất độc hại của nước tro tàu hóa chất nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng nhé, nếu trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, bạn nên thật cẩn thận để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, nước tro tàu còn là một loại nguyên liệu có khả năng bắt lửa cực kì cao nên bạn nên chú ý bảo quản chúng ở những nơi thoáng mát, có nhiệt độ thấp và tránh xa bếp nấu. Đặc biệt, bạn không nên đựng nước tro tàu trong các chai lọ được làm bằng đồng, magie, thiếc, nhôm, kẽm vì những vật liệu này khi tiếp xúc với nước tro tàu có thể gây ra phản ứng hóa học rất nguy hiểm đấy nhé!

Những lưu ý khi sử dụng nước tro tàu

Nếu nước tro tàu bắn vào mắt, nhanh chóng rửa mắt bằng nước sạch nhiều lần, nếu quá nặng nên đến bệnh viện kiểm tra. Bắn vào người hay chân tay bạn cũng cần rửa ngay với nước nhiều lần, sử dụng chanh hoặc giấm chua để rửa qua. Còn nếu chẳng may uống phải thì phải đến bệnh viện ngay.

Không để nước tro tàu gần trẻ em, không nên bảo quản nước tro tàu trong bếp hoặc những nơi có nhiệt độ cao. An toàn nhất có lẽ bạn không nên bảo quản nước tro tàu trong nhà mà nên mua một lượng vừa đủ để sử dụng, nếu còn dư một ít bạn có thể bỏ luôn để tránh rủi ro.

3, Cách làm nước tro tàu

Do nước tro tàu hóa chất khá độc hại mà nước tro tàu than củi thì không phải dễ kiếm nên cách làm nước tro tàu tại nhà cũng là một trong những điều khiến nhiều chị em quan tâm. Nếu đang cần làm loại nguyên liệu này để sử dụng, bạn có thể tham khảo qua công thức dưới đây nhé!

Đầu tiên, bạn sẽ phải chuẩn bị nguyên liệu là tro củi hoặc gỗ cùng với một ít nước mưa và nước đun sôi. Bạn lưu ý, không thay thế tro của than củi bằng tro của các loại vật liệu khác nhé! Sau đó, tiến hành làm nước tro tàu theo 4 bước dưới đây:

-    Bước 1: Chọn một chiếc bình nhựa to, rửa sạch và để cho khô nước hoàn toàn, tiếp theo, bạn cho phần tro than củi vào bình này.

-    Bước 2: Cho phần nước mưa và nước sôi đã chuẩn bị vào bình. Bạn có thể kiểm tra nước tro đã đạt yêu cầu hay chưa bằng cách dùng 1 quả trứng gà để thử, nếu trứng gà nổi khoảng 1cm so với phần mặt nước là được rồi nhé! Còn nếu trứng nổi cao hơn, bạn cần đậy bình thật kín lại và bảo quản ở nơi thoáng mát trong vòng 2 ngày rồi làm tiếp.

-    Bước 3: Chọn 1 miếng vải sạch hoặc có thể dùng khăn sữa của trẻ em để lọc lấy phần nước tro, bỏ đi phần cặn.

-    Bước 4: Để phần nước tro này vào một chiếc bình nhựa qua đêm, hôm sau lọc lại một lần nữa để thu được thành phẩm nhé!

Có thể thay thế nước tro tàu bằng gì?

Nếu bạn vẫn không cảm thấy yên tâm về độ an toàn của tro tàu thì cũng có thể thay thế chúng bằng một số nguyên liệu khác có công dụng tương tự. Với độ pH là 8, baking soda là một trong những lựa chọn hoàn hảo nhất để thay thế nước tro tàu mà nhiều người lựa chọn.

Loại nguyên liệu này khi được hòa tan cùng với nước cũng sẽ tạo ra một dung dịch kiềm có công dụng không khác gì nước tro tàu mà lại an toàn hơn rất nhiều. Bảo quản baking soda cũng đơn giản và hạn chế được nhiều rủi ro hơn nước tro tàu.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Công thức chi tiết làm bánh trung thu trà xanh bất bại

Sử dụng nguyên liệu bột trà xanh để làm bánh trung thu là xu hướng được ưa chuộng những năm gần đây bởi hương vị lạ, tốt cho sức khỏe, màu xanh của bột trà khi kết hợp với lòng đỏ của trứng muối tạo nên một màu sắc quyến rũ lạ thường.
Dưới đây là công thức cực kỳ chi tiết, hướng dẫn từ cách nấu nước đường, cách sên nhân, cách ủ bột vỏ bánh cho tới cách đóng bánh và nướng bánh. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn khi bắt đầu làm bánh trung thu trà xanh!

A/ Nấu nước đường (nên làm trước thời gian tối thiểu 20 ngày vì nước đường càng để lâu sẽ càng dẻo)

** Nguyên liệu

- 1 kg đường cát
- 600gr nước lã
- 1/2 cái trứng vịt (đánh tan lòng trắng lòng đỏ rồi chia ½)
- 1 muỗng cà phê nước tro tàu (nếu không cho vẫn được)
- 4 muỗng cà phê nước cốt chanh

>>> Sử dụng nước tro tàu trong làm bánh

** Cách làm

- Cho trứng vịt vào tô với 600gr nước lã đánh cho trứng tan đều, dùng rây để lọc.
- Đổ hết phần đường vào nồi nước trứng, quậy đều cho tan đường. Nấu đến khi thấy đường sôi thì giảm lửa vừa và không được quậy nữa mà chỉ hớt bọt. Bắt đầu tính giờ từ lúc đường mới sôi, chờ đến 30 phút sau thì cho nước cốt chanh vào.
- Để sôi thêm 20 phút rồi mới cho 1 muỗng cà phê nước tro tàu hoà với 2 muỗng cà phê nước lã vào cùng. Khi cho nước tro tàu vào thì phải tăng bùng lửa mạnh, đường sẽ sôi trào lên thành nồi và nhanh tay giảm lửa nhỏ và vớt bọt. Lặp đi lập lại 3 lần. Lọc lại nước đường qua tấm vải thưa, cho vào keo thuỷ tinh sạch đã hong khô.
=> Theo định lượng trên sau khi nấu xong ta sẽ có 800-900gr nước đường. Nước đường đạt yêu cầu khi múc đường để đổ từ trên cao xuống đường chảy thẳng không bị đứt đoạn rời rạc.

B/ Nhân bánh

** Nguyên liệu

- 250gr đậu xanh đã bỏ vỏ
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 100gr đường cát
- 100gr dầu phộng
- 80gr bột mì số 8
- 20gr bột gạo rang (nếu không có thì thay bằng bột mì số 8)
- 50gr bột nếp rang (bột dẻo loại thượng hạng)
- 2 muỗng canh bột trà xanh
- 50-100gr hạt dưa (tuỳ ý)
- 10 lòng đỏ trứng muối
- 1 muỗng cà phê rượu trắng
- 1 muỗng cà phê dầu mè

** Cách làm

- Hạt dưa rang lửa nhỏ đến khi vàng thơm thì tắt bếp để nguội.
- Ngâm đậu trong nước lã 4 giờ. Sau đó cho đậu cùng với muối vào tô thuỷ tinh (lớn gấp 3 lần đậu để không bị trào) đổ nước ngập mặt đậu trên 1 lóng tay, đậy nắp kín cho vào lò viba nấu 5 phút mang ra quấy đều, rồi lại cho vào lò vi ba nấu thêm 5 phút nữa. Nếm thử thấy đậu mềm nở bung là được, nếu chưa mềm thì nấu thêm 3 phút nữa.
- Đổ đường vào đậu đã nấu chín lúc còn nóng. Sau đó cho vào máy xay cùng với khoảng 120ml nước lã cho thật mịn.
- Đổ phần đậu vừa xay ra chảo không dính, xào nhân trên lửa nhỏ. Luôn tay đảo nhân theo một chiều để nhân không bị khét. Từ lúc nhân bắt đầu sôi thì tính giờ là 20 phút.
- Trộn phần dầu ăn, bột mì, bột gạo rang, bột dẻo và bột trà xanh cho hoà tan trong tô riêng.
- Khi thời gian sên nhân đã đủ 20 phút thì cho hỗn hợp bột trên vào chảo và đảo cho thật đều. Sên thêm 5-10 phút nữa thì tắt bếp.
- Để nguội, trộn với phần hạt dưa đã rang vàng và chia thành viên.
- Trứng muối xếp ra khay. Hoà tan rượu trắng và dầu mè rưới đều lên từng quả trứng. Cho vào lò 180 độ C nướng khoảng 8 phút. Rồi để nguội.
- Bọc nhân, ấn trứng muối vào giữa rồi bọc chặt, vo viên nhân cho tròn.

C/ Vỏ bánh

** Nguyên liệu

- 300gr bột mì số 11
- 200gr nước đường
- 30gr dầu phộng
- 1/2 muỗng cà phê nước tro tàu (không cho vẫn được)
- 2 muỗng cà phê bột trà xanh

** Cách làm

- Chừa lại 1/10 lượng bột mì để riêng (30gr).
- Đem số bột còn lại trộn đều cùng với bột trà xanh rồi rây cho mịn.
- Cho bột vào thau hoặc mâm lớn xây thành hình cái giếng.
- Chế hỗn hợp nước đường dầu ăn và nước tro tàu vào giữa.
- Một tay dùng phới hất bột vào nước đường ở giữa, một tay hoà trộn bột và nước đường cho tan từ từ. Sau khi hoà bột thành một khối thì ấn cho miếng bột hoà tan đều. Ủ bột 45 phút.
- Khi bột đã ủ xong thì mang ra xếp bột. Lấy phần bột chừa lại ra làm. Rắc bột lên mặt bàn, cho miếng bột đã ủ lên, rắc một lớp bột lên mặt rồi gấp đôi miếng bột ủ theo chiều ngang, dùng tay đè bẹp cho bột hoà đều, rắc một lớp bột và gấp theo chiều dọc. Cứ làm vậy cho đến khi khối bột dẻo và đứng.
- Chia bột thành từng viên.

D/ Cách làm bánh trung thu

- Cán bột dẹt ra thành hình tròn, cho nhân vào giữa rồi bọc lại.
- Áo một lớp bột mỏng trong khuôn, rồi cho viên bột vào đóng bánh.
- Bật lò 180 độ C, nướng bánh 15 phút. Mang bánh ra phun hơi nước (không được phun nhiều), phết bánh bằng hỗn hợp lòng trắng (lược qua rây cho mịn) và 01 muỗng canh sữa tươi. Cho bánh vào lò nướng thêm 15 phút nữa.
- Bánh mới nướng xong để trên giấy thấm dầu. Sau 1-2 ngày bánh sẽ lên màu và mềm mại hơn. Bánh cần được bảo quản nơi khô ráo và thời hạn dùng là 5 ngày nếu để bên ngoài.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Phân loại các loại bánh Âu - Phần 3

Phân biệt các dòng bánh Âu - Phần 3

Tiếp đến phần 3, sẽ phân biệt cho các bạn các dòng bánh ngọt hay bánh gato (bánh sinh nhật) mà chúng ta thường thấy trên thị trường.


Angel food


Chỉ lấy lòng trắng đánh bông, không dùng chất béo. Bánh nhẹ, độ xốp đặc hơn chiffon, cắt lát bên trong trắng như bông. Cách làm cơ bản: Đánh bông một chiều, nhanh dần đều hỗn hợp lòng trắng trứng, muối, hương liệu, cream of tartar (một dạng muối acid làm cứng lòng trắng trứng) trong quá trình đánh cho đường tinh từ từ đến khi hỗn hợp lòng trắng đặt độ bông cứng. Rây từ từ hỗn hợp khô: bột mỳ và đường tinh đã trộn đều và rây mịn vào hỗn hợp lòng trắng trứng, trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất, mịn mượt. Đổ ra khuôn, bỏ lò nướng duy trì ở nhiệt độ 175ºC trong khoảng 45 phút.

Devil food


Bánh có màu nâu đen đặc trưng của chocolate, dùng bơ làm chất béo. Là một dạng bánh dùng bơ (butter cake). Cách làm thông dụng: Ban đầu làm nóng lò ở nhiệt độ 175ºC. Đun cách thuỷ chocolate đen cùng bơ mềm thành hỗn hợp lỏng đồng nhất. Đánh trứng tan với đường tinh đến khi hỗn hợp trứng đường chuyển màu nhạt, từ từ đổ vào hỗn hợp chocolate bơ đã làm lạnh, trộn đều thành hỗn hợp sánh mượt. Trộn đều hỗn hợp (khô đã rây mịn) bột mỳ, bột nổi (baking powder), muối, thuốc muối (baking soda), rây từ từ hỗn hợp khô vào hỗn hợp chocolate trộn đều, cuối cùng từ từ đổ sữa vào hỗn hợp chocolate trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất sánh mịn. Đổ ra khuôn, bỏ lò, nướng duy trì ở nhiệt độ 175ºC trong khoảng 30 phút.

Chiffon


Dùng dầu ăn làm thành phần chất béo trong bánh. Cả lòng trắng và đỏ đều được sử dụng nhưng tách riêng trong quá trình làm. Cách làm cơ bản: Đánh bông một chiều, nhanh dần đều hỗn hợp lòng trắng trứng, nước cốt chanh, muối, trong quá trình đánh cho đường tinh từ từ đến khi hỗn hợp lòng trắng đặt độ bông cứng. Đánh tan lòng đỏ trứng, trong quá trình đánh cho đường tinh vào từ từ, đánh tan kế tiếp trộn dầu ăn, hương liệu, tiếp tục rây hỗn hợp khô: bột mỳ, bột ngô, bột nổi (baking powder) vào hỗn hợp lòng đỏ trộn đều đạt độ mịn. Chia nhỏ hỗn hợp lòng đỏ đổ lần lượt vào hỗn hợp lòng trắng ban đầu lượng vừa phải, trộn đều, nhẹ tay cho đến khi hỗn hợp đồng nhất. Đổ hỗn hợp đồng nhất ra khuôn. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 175ºC – 180ºC/khoảng 30 – 40 phút.

Cupcake


Là một trong nhiều cách trình bày của cake, bánh dạng nhỏ dùng như một khẩu phần, bánh thường được bao quanh bởi lớp giấy hình cốc xinh xắn, đẹp mắt. Mặt bánh được trang trí bởi lớp kem phủ điểm xuyết trái cây, mứt quả… Công thức làm cupcake thông dụng được nhiều người biết đến với công thức đo lường “1234”: 1 tách bơ, 2 tách đường, 3 tách bột và 4 quả trứng. Đây cũng là 4 thành phần cơ bản để ra đời cupcake. Công thức làm cupcake cơ bản: Đánh nhuyễn hỗn hợp bơ, đường sau đó tiếp tục đổ từ từ trừng đã đánh tan vào hỗn hợp bơ đường, thêm vani tiếp tục đánh thành hỗn hợp ướt đồng nhất, mượt mịn. Trộn đều hỗn hợp khô bột mỳ, thuốc muối (baking soda), rây từ từ hỗn hợp khô vào hỗn hợp ướt ban đầu trộn đều đến khi hai hỗn hợp đồng nhất là được. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 175ºC – 180ºC/khoảng 10 – 20 phút.

Pound cake


Bánh có hàm lượng chất béo và đường đều cao, tên gọi để chỉ các nguyên liệu chính đều có khối lượng 1 pound Anh, khoảng 454g. Bánh này thường có kết cấu nặng và đặc hơn bánh dạng bông xốp. Bánh làm trong khuôn loaf hoặc khuôn bundt. Cách làm thông dụng: Trong quá trình đánh tan bơ từ từ đổ đường đến khi bơ nhạt đến độ gần như trắng, đập trứng đánh tan trộn đều thành hỗn hợp ướt. (Trong quá trình đánh bơ với trứng, tránh trường hợp bơ đông lại có thể đặt tô bơ giữa chậu nước ấm vừa phải). Tiếp tục rây hỗn hợp khô: bột mỳ, bột nổi (baking powder), muối vào vào hỗn hợp ướt trộn đều, cuối cùng thêm sữa vào đánh mịn mượt hỗn hợp. Đổ ra khuôn, bỏ lò nướng duy trì ở nhiệt độ 170ºC/khoảng 50 – 55 phút.

Cheesecake


Thành phần chủ yếu của bánh là cream cheese. Bột được sử dụng rất ít hoặc không sử dụng. Có rất nhiều công thức làm cheesecake khác nhau: Cách đơn giản ta chỉ cần trộn đều hỗn hợp phô mai đánh nhuyễn, sữa đặc và nước cốt chanh thành hỗn hợp đồng nhất. Hoặc dùng công thức: Đánh nhuyễn phô mai với đường, thêm nước cốt chanh đánh tan cùng trứng thành hỗn hợp sánh mịn. Đổ hỗn hợp bánh ra khuôn đặt giấy bạc bao phủ miệng khuôn, để giữa khay có nước nướng ở nhiệt độ từ 170ºC – 180ºC/khoảng 30 – 50 phút. Trong 2 công thức trên có thể thay nước cốt chanh bằng sữa chua (yaourt). Thường khi nướng bánh để đẹp mặt và ngon miệng, bánh bích quy nghiền nát, trộn với bơ đun chảy và sữa đạt độ khô vừa phải thường được lót dưới đế khuôn bánh. Có thế trang trí và tăng vị giác khi ăn bằng những lớp chiffon cắt lát, trái cây, mứt quả… Ngoài ra còn phổ biến công thức làm cheesecake không cần đến lò nướng: Đánh nhuyễn phô mai với đường tinh, kem tươi, cuối cùng đổ jelly hoặc gelatine (lá gelatine ngâm trước 10 – 15 phút để làm mềm) đã nấu tan và làm mát vào hỗn hợp, trộn đều mịn, mướt, đổ ra khuôn, có thể làm lạnh trước khi ăn.

Phân loại các loại bánh Âu - Phần 2

Phân biệt các dòng bánh Âu - Phần 2

Nếu như phần 1 đi sâu vào các loại bánh trải qua công đoạn ủ và lên men được gọi là bánh mì thì phần 2 này sẽ tiếp tục với các cách thức làm chín bánh.


3, Bánh không dùng lò nướng

Đây là những loại bánh dùng phương pháp làm bánh chín bằng chất béo.

Doughnuts (Donut)

Phổ biến ở nhiều quốc gia bánh ngọt thường có hình vòng bánh xe hoặc hình cầu dẹt cũng có thể làm chín bằng lò nướng thay vì chiên ngập dầu theo phương pháp truyền thống. Phổ biến là cách làm trộn đều hỗn hợp: Bột mỳ, bột nở, sữa, bơ mềm, lòng đỏ trứng gà, đường, muối thành khối hỗn hợp dẻo, mịn, không dính tay. Ủ đến khoảng 15 – 20 phút, lúc này ta thấy khối bột lớn hơn trước nhiều, bóp xẹp khối bột, lấy ra từng miếng, cán mỏng, tạo hình, chiên vàng trong chảo ngập dầu.

Pancake

Là một loại bánh phổ biến ở Châu Mỹ, Châu Âu và một số nước Châu Á. Bánh thường được nướng trên vỉ, hoặc chiên trong chảo ít dầu.Tùy theo từng vùng pancake được chế biến có mùi vị và hình thức khác nhau. Bánh thường làm theo công thức: Trộn đều hỗn hợp khô: bột mì, đường, bột nổi. Cho sữa tươi, lòng đỏ trứng gà, vani, bơ đánh nhuyễn. Từ từ cho hỗn hợp lỏng vào hỗn hợp khô, trộn đều đến khi bột mịn, đặc sệt vừa phải. Tráng chảo bằng lớp dầu mỏng, múc bột đổ vào, áng chừng bánh tầm 15 cm tráng vàng 2 mặt. Xếp bánh so le, có thể kèm kem tươi, si rô giữa miếng. Lớp bánh trên cùng ta trang trí bằng trái cây, kem tươi, chocolate mỏng, mật ong, mứt quả…

Crepe

Tương tự như pancake nhưng bánh được tráng mỏng hơn rất nhiều.

Fritters

Bánh có vị ngọt lẫn mặn, nhiều hình dạng khác nhau, chiên trong ngập dầu, phổ biến là tẩm bột (chủ yếu là bột bắp) vào các nguyên liệu rau củ quả hay tôm, gà…. bánh tôm cũng là thuộc loại này á ^^

4, Bánh nướng bằng khuôn máy


Waffles hay bánh trứng gà non: Bánh có dạng mỏng, dẹt có khuôn riêng. Trộn đều với hỗn hợp lỏng đường, đường (đánh bông cứng), sữa, bơ mềm đã đánh nhuyễn với hỗn hợp khô: Bột mỳ, bột nở, muối thành hỗn hợp bột lỏng mịn, sền sệt. Đổ hỗn hợp vào khuôn, đóng nắp đến khi bánh chín lấy ra. Ăn kèm mứt, trái cây…

5, Pie và tart

Pie

Bánh vỏ kín có chứa nhân (hoa quả, mứt, nhân mặn…) bên trong. Bột làm vỏ pie được chia làm hai phần: một phần cán mỏng làm đế chứa nhân bên trong, phần còn lại cán mỏng phủ lên trên, gắn kín các mép hay xếp hình lạt. (Hỗn hợp bột ở đây trộn hơi khô nhưng vẫn thành nắm mịn)

Tart

Tart là dạng đặc biệt của pie không có lớp vỏ bọc kín nhân. Bánh không có vỏ, nướng hở phần nhân.

Phân loại các loại bánh Âu - Phần 1

Phân biệt các dòng bánh Âu - Phần 1

Tất cả các thành phẩm từ việc sử dụng bột, trứng, chất béo và nướng lên được gọi chung là Pastry. Từ “Cake” mà người Việt ta hay gọi là “bánh ngọt” thực chất chỉ là 1 mảng rất hẹp trong Pastry mà thôi. Càng tìm hiểu mình càng thấy sự phong phú và hấp dẫn của các loại bánh Âu, tất nhiên là cả các đặc tính riêng của nó nữa.

Chúng mình cùng nhau tìm hiểu, phân biệt các loại bánh Âu xem sao nhé ạ! Trước tiên, ở phần 1 này chúng mình sẽ phân biệt Bread – Bánh mì và Quick bread – Bánh mì nhanh.


1, Bread – Bánh mì

Bánh mì thường: (Lean yeast bread)


Thành phần chỉ có bột và nước, có thể có dùng men hoặc không dùng men, vì thế có loại bánh mì cần qua quá trình ủ nở lên men và có loại không qua quá trình này.

Bánh mì ngọt: (Rich yeast bread)


Đây là những loại bánh mì ngoài bột, nước, men, có sử dụng thêm các thành phần khác như đường, chất béo, sữa, bột sữa, vì thế bánh mì có thêm nhiều mùi vị thơm ngon và kết cấu khác với bánh mì thường

2, Quick breads - bánh mì nhanh

Là tên gọi chung cho các loại bánh dạng bánh mì – nhưng không qua công đoạn ủ và lên men tự nhiên, mà dùng các chất hóa học gây tác dụng nở nhanh, do vậy làm rất nhanh. Cũng thường có kết cấu mềm hơn, không có được độ dai như với bánh mì nở bằng men tự nhiên. Quick breads bao gồm các loại bánh với tên gọi như: muffins, scones, loaf bread, coffee cakes.

Muffins


Có dạng giống chiếc bánh nhỏ hình cốc, có thể được để trong cốc giấy hoặc không cần. Muffins không mềm như bánh bông lan, bánh cũng ít ngọt hơn, và không có phủ kem. Ngoài ra, còn muffin vị mặn nữa, ăn kèm salad… Cách làm phổ biến nhất là trộn đều 2 hỗn hợp nguyên liệu khô (bột mì, bột nổi… ) và nguyên liệu ướt (trứng, sữa, bơ…). Khi trộn hỗn hợp trên, điều quan trọng là phải nhanh tay và không trộn quá tay. Nếu không bánh sẽ bị chai cứng. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 170ºC – 200ºC/khoảng 20 – 30 phút.

Scone


Là một dạng bánh mì nhanh phổ biến ở Anh, có nguồn gốc Scottish. Hình dáng ban đầu của những chiếc scone là hình tròn lớn, khi ăn bánh sẽ được cắt ra thành những phần bánh nhỏ hình tam giác. Ngoài ra bánh còn có dạng hình nón, lục giác đều, vuông… Phổ biến là cách làm: Trộn tất cả hỗn hợp khô (bột mỳ, đường, cream of tartar, baking soda và muối…) dùng tay vò bột và bơ, sao cho có dạng vụn bánh mỳ. Cho buttermilk (là sữa đã bị làm chua, đặc hơn sữa bình thường, nhưng không chua và đặc như sữa chua – có thể thay buttermilk bằng sữa trộn với sữa chua) trộn đều đến khi hỗn hợp có độ mềm, ẩm vừa phải. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 220ºC/khoảng 10 – 20 phút tuỳ vào hình dáng và độ dày bánh – (Khi nướng quét một ít buttermilk lên bề mặt và rắc thêm một chút bột mỳ cho màu bánh đẹp hơn). Có thể thêm táo, nho khô, mứt, các loại hạt… bánh sẽ ngon hơn.

Loaf


Thường có dạng hình khối chữ nhật. Cách làm phổ biến: cho từ từ đường xay nhỏ vào kem bơ đánh tan, thêm trứng vào đánh đều hỗn hợp, rây bột mì và bột nở, kem tươi thành hỗn hợp thống nhất. Đổ sữa vào, đánh đều trong 5 phút ở tốc độ trung bình. Thêm hương liệu tuỳ ý. Đổ hỗn hợp vào khuôn 9 x 5 x 3 inch đã tráng dầu. Nướng ở 325ºC/khoảng 45 – 55 phút. (Bánh có cả loại hương vị mặn của thịt)

Coffee cake


Bánh có dạng tròn, vuông, chữ nhật… Gọi là coffee cake do bánh thường được dùng khi còn hơi âm ấm cùng nhâm nhi với tách cà phê là ngon nhất. Đánh tan đều hỗn hợp bơ, đường, lòng đỏ trứng, sữa (1). Tiếp đó cho hỗn hợp khô bột mì, bột nở, muối (2) vào đánh đến khi quyện, đều đổ ra khuôn, thêm táo, việt quất… xếp lên bề mặt hỗn hợp (có thể xếp theo hình hoa). Phủ phân nửa hỗn hợp đường và bột quế (3) đã trộn đều lên khắp bề mặt bánh, lặp lại 1 lần nữa xen kẽ táo với hỗn hợp (3). Nướng ở 375ºC/khoảng 30 – 50 phút.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

5 công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện

Viên socola mềm mịn, mát lạnh đã rất phù hợp để bạn nhâm nhi mỗi buổi chiều. Và có rất nhiều công thức làm nama chocolate trà xanh cho các bạn thử nghiệm dưới đây nhé!!!


Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 1

1, Matcha Nama Chocolate - Nama Socola Trà Xanh

Nguyên liệu làm Matcha Nama Chocolate

  • 300g sô cô la trắng ( nên chọn loại có chứa bơ cacao, màu trắng ngà)
  • 100ml whipping cream ( loại 38-40%)
  • 20g bơ nhạt 
  • 10 -15g bột trà xanh nguyên chất ( của Nhật là ngon nhất ) Và thêm khoảng 3g để rắc lên sau khi làm xong
  • giấy nến

Cách làm Matcha Nama Chocolate


Bước 1: Cắt nhỏ sô cô la + bơ (cắt sô cô la càng nhỏ thì thành phẩm sẽ càng mềm, mịn đẹp mắt) 

Bước 2: Đặt tô thuỷ tinh lên nồi có chứa nước (nướckhông được chạm đáy tô). Cho sô cô la + bơ đã cắt + whipping cream vào tô. Đặt lên bếp đun sôi thì hạ nhỏ lửa.

Bước 3: Quấy đều tay cho đến khi sô cô la tan hết. Tắt bếp và nhấc ra ngoài. Rắc từ từ từng chút bột trà xanh vào. Chú ý là các bạn vẫn phải quấy liên tục cho hỗn hợp quyện đều vào nhau nhé! 

Bước 4: Đổ hỗn hợp ra khuôn có lót giấy nến. Để nguội hẳn sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh 4-5h hoặc để qua đêm.

Bước 5: Khi ăn dùng dao cắt theo hình tuỳ thích rồi xếp ra đĩa + rắc phần bột trà xanh còn lại phủ lên trên.

Vậy là xong rồi đó các bạn !!!

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 2

Thêm 1 vài lưu ý mình muốn chia sẻ với các bạn là

- Bát đĩa + tay khi cắt sô cô la phải thật là khô nếu ko sẽ làm ảnh hưởng tới hình dạng miếng sô cô la
- Nếu các bạn muốn cất đi ăn dần thì cứ cắt ra rồi cho vào lọ, để ngăn mát tủ lạnh ăn trong vòng 2-3 ngày. Ko nên phủ bột trà xanh lên. Chỉ khi ăn thì mới rắc lên thôi nhé
- Muốn cắt dễ dàng và đẹp thì có thể hơ nóng dao trên bếp trước khi cắt. Sau mỗi lần cắt thì lau sạch dao đi ngay rồi mới cắt tiếp
Chúc các bạn thành công !!!

2, NAMA CHOCOLATE TRÀ XANH

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 3

Cách làm nama cực dễ với tỷ lệ thành công cực cao. Chỉ 20' thôi, không khó tí nào, xị em làm hãy tự làm “THÍNH” để “THẢ” cho ngày Valentine sắp tới nha.


Nama thành phẩm có vị thanh mát của trà xanh, ngậy béo của kem tươi và bơ, thơm ngọt của socola. Tổng hợp các vị ấy khi cho vào miệng sẽ tan chảy, mát lạnh. Thành phẩm ăn sẽ ngon hơn khi để lạnh.

3, How to Make Green Tea Chocolate / Matcha Nama Chocolate (Recipe)

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 4


4, Dark Chocolate Matcha Truffle

Nguyên liệu làm Dark Chocolate Matcha Truffle

  • Chocolate đen: 200g
  • Chocolate trắng: 200g
  • Whipping cream: 250ml
  • Cơm dừa: 50g
  • Bột cacao: 50g
  • Bột trà xanh: 50g
  • Hạnh nhân lát: 50g
  • Cup giấy: 30 chiếc
  • Hộp đựng socola: 1 chiếc

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 5

Cách làm Dark Chocolate Matcha Truffle

Bước 1: Bạn cắt nhỏ 2 loại socola, đựng vào 2 âu riêng.

Bước 2: Đun cách thủy socola
– Đun một nồi nước sôi, đặt 1 âu đựng socola lên trên, cho vào âu 63g whipping, dùng spatula khuấy đều đến khi có được một hỗn hợp mịn màng, hòa quyện
– Làm tương tự với âu socola còn lại

Bước 3: Bọc kín cả 2 âu socola bằng màng bọc thực phẩm, để vào ngăn mát tủ lạnh qua đêm

Bước 4: Sau khi socola đông lại và trở nên mềm, dẻo, bạn nặn socola thành các viên tròn có kích cỡ như ý muốn, xếp lần lượt ra giấy nến

Bước 5: Lăn viên socola qua bột cacao, bột trà xanh, cơm dừa hoặc hạnh nhân lát sao cho mỗi viên socola có một lớp phủ ngoài đẹp mắt

Viên socola mềm mịn, mát lạnh đã được ra đời, phù hợp để bạn nhâm nhi mỗi buổi chiều nhé.

5, Học cách làm matcha truffle ngọt ngào

Vị ngọt ngào của chocolate trắng kết hợp với vị trà xanh thanh mát hẳn sẽ là một công thức làm kẹo ngon tuyệt mà bạn chẳng thể nào bỏ qua :P

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 6

Nguyên liệu làm matcha truffle ngọt ngào

  • 300gr chocolate trắng
  • 83ml heavy cream
  • 50gr bột matcha
  • Một ít muối
  • 30gr bơ nhạt
  • Quả mâm xôi khô (tùy thích)

Dụng cụ làm matcha truffle ngọt ngào

  • Dao
  • Chảo
  • Nồi
  • Túi bắt kem
  • Khay đá
Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 7

Cách làm matcha truffle ngọt ngào

Bước 1:
– Đặt 1 cái chảo lên bếp, sau đó cho heavy cream và bơ vào đun cho tan chảy, rắc thêm một chút muối vào nồi hỗn hợp heavy cream
– Sau khi bơ đã tan chảy hết thì đổ hỗn hợp heavy cream vào tô bột matcha rồi khuấy đều cho đến khi 2 phần nguyên liệu quyện với nhau

Bước 2:
– Băm nhỏ chocolate trắng rồi cho vào 1 cái tô sạch
– Đặt tô chocolate trắng lên một nồi nước sôi sao cho nước trong nồi không chạm đến tô chocolate, đun cách thủy cho đến khi chocolate tan chảy hết

Bước 3: Khi chocolate tan chảy hoàn toàn thì lấy tô ra khỏi nồi, đổ hỗn hợp bột bột matcha ở bước 1 vào tô chocolate, trộn đều.

Lưu ý: Trong quá trình trộn, nếu bạn thấy hỗn hợp vẫn còn lợn cợn và không quyện với nhau hoàn toàn, bạn hãy thêm 1 tbsp nước nóng vào hỗn hợp rồi khuấy cho đến khi thu được 1 hỗn hợp mịn là được.

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 8

Bước 4:  Đổ hỗn hợp chocolate matcha vào túi bắt kem, sau đó bắt hỗn hợp này vào khuôn đá vuông

Bước 5: Dùng 1 tấm nhựa (loại dùng để dàn phẳng kem bánh gato) miết đều trên khay chocolate matcha để những miếng matcha truffle thành phẩm vuông vức, đẹp mắt hơn

Bước 6: Cất khay chocolate matcha vào trong ngăn đá tủ lạnh 4 – 5 tiếng. Sau khi các viên kẹo đã đông cứng lại thì bạn cẩn thận lấy chúng ra khỏi khay

Bước 7: Áo từng viên matcha truffle qua một lớp bột matcha rồi đến một lớp quả mâm xôi khô nghiền vụn (nếu không có quả mâm xôi khô, bạn có thể bỏ qua bước này)

Các công thức làm nama chocolate trà xanh gây nghiện 9

Chúc các bạn thành công với cách làm matcha truffle ngọt ngào này nhé!

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Cách làm Mochi Matcha - Mochi Icream Nhật Bản

Mochi nước có nguồn gốc từ Nhật Bản, mang dáng hình của một giọt nước vô cùng tinh tế và ngọt ngào. Món ăn vô cùng thanh mát này rất được ưa chuộng mỗi khi mùa hè đến. Vừa có dáng vẻ trong veo xinh xắn, vừa có vị thanh mát ngọt ngào, mochi nước từ khi mới ra đời đã ngay lập tức chiếm trọn trái tim của những người yêu ẩm thực.

1. CÔNG THỨC LÀM MOCHI ICREAM - Công thức chia sẻ từ fb Trần Hương Thảo (gr Công thức Bánh của Bếp)

Cách làm Mochi Matcha - Mochi Icream là một trong những biểu tượng ẩm thực Nhật Bản, được cộng đồng yêu bánh biến tấu khá nhiều vị độc đáo và đặc biệt mới lạ bánh trung thu hiện đại phiên bản bánh mochi Nhật Bản rất được yêu thích những năm gần đây. Rất đáng để cho chị em thử nghiệm đấy ạ!!!

1.1 Công thức làm mochi icream - Phần kem trà xanh

  • 3 g bột trà xanh
  • 120 ml whipping cream lạnh
  • 40 g sữa đặc (tùy khẩu vị)
Bước 1:  Cho kem whipping, sữa đặc và bột matcha, đánh cho bông cứng kem.

Bước 2:  Lấy thìa xúc chia nhỏ vào từng ô của khuôn silicon. Bọc kín nilon bảo quản bỏ vào tủ đá trong 4- 6 giờ, tới khi kem đông cứng HOÀN TOÀN (tùy từng nhiệt độ đông của tủ lạnh, mình bỏ đông thử vào 2 tủ thì time sẽ khác nhau)

1.2 Công thức làm mochi icream - Phần vỏ bánh mochi

  • khuôn bán cầu silicon (như ảnh)
  • 75g bột nếp (bột dùng để làm vỏ bánh mochi là bột gạo nếp sống, khác với bột gạo nếp chín để làm bánh dẻo, không thay thế được cho nhau)
  • 45g đường
  • 135ml sữa tươi không đường
  • 2g bột trà xanh 
  • 20ml nước nóng
  • 12g dầu ăn 
  • 20g bột ngô hoặc bột bánh dẻo để chống dính


Bước 3: Rây mịn bột. Hoà tan bột trà xanh vào nước nóng.

Bước 4: Dùng phới trộn đều bột nếp, đường, sữa tươi, dầu ăn và trà xanh đã hòa tan cho tới khi bột tan hết. Lọc hỗn hợp qua rây cho mịn.

Bước 5: Bỏ hỗn hợp trên vào bát và đậy nắp cho vào lò vi sóng làm chín (600W). Cứ sau 2-3 phút bỏ bát ra trộn đều rồi bỏ lại vào lò đến khi thấy bột chín, mềm, dẻo, có màu hơi trong, nếm thì không thấy còn vị bột sống (cố gắng quan sát để lấy bột ra đúng lúc, tránh để quá lâu bột sẽ dễ bị cứng)
Nếu không có lò thì đun cách thủy bằng nồi trên bếp, phủ khăn quanh nắp để nước không nhỏ xuống. Nhiệt độ khi đun cách thủy ko cao như lò nên sau 5 phút mới trộn bột lại, làm tương tự như khi dùng lò.
Bước 6: Sau khi bột chín, cho ra cán bột giữa hai miếng giấy nến như để chống dính (cố gắng cán lúc bột còn ấm, nếu đến lúc bột nguội sẽ cứng khó cán). Cán đến khi độ dày 2mm thì để nguội bột mới làm tiếp.

Bước 7: Rây bột ngô/bột dẻo lên mặt bột để chống dính. Bước này mình chọn loại cốc có đường viền miệng nhỏ để cắt vỏ mochi thành hình tròn. Như vậy là đã xong phần vỏ mochi.

1.3 Công thức làm mochi icream - Bọc bánh mochi icream

Lấy phần kem đã ĐÔNG CỨNG ra để hoàn thành bước cuối. Bước này kem phải đạt đủ đông cứng, bọc kem nhanh tay vì kem sẽ dễ chảy. Nên kéo vỏ mochi vừa tới để đủ bọc lấy viên kem, kéo phần vỏ quá tay sẽ làm kem dính vào vỏ là sẽ khó sửa lắm.


Cho tất cả bánh mochi đã hoàn thành vào hộp kín rồi để lại vào ngăn đá, ko nên để gần nhau hoặc đè lên nhau mochi sẽ dính). Trước khi ăn thì bỏ mochi rã đông khoảng 2-3p cho mềm hơn rồi thưởng thức nha.

2. CÁCH LÀM KEM MOCHI - MOCHI MATCHA

Phần bột nếp để làm vỏ bánh mochi có thể khiến nhiều chị em băn khoăn, giống như cách làm bánh trung thu thì phần bột nếp này đã được rang chín, tuy nhiên với các chị em ở nước ngoài khó khăn về nguyên liệu thì để tìm được nột nếp rang chín khá vất vả. Bếp Bánh đã có bài Cách làm Mochi từ bột sống để chị em tham khảo thêm cách làm, siêu cao thủ hơn thì có thế nằm lòng được các loại bánh Việt và bánh Nhật.

Tiếp đến ngay dưới đây là một công thức làm mochi matcha nữa cho chị em thử sức đây ạ!!!

2.1 Cách làm kem mochi matcha - Phần kem trà xanh

  • 120ml kem tươi lạnh 30 – 40% béo (1/2 cup cold whipping cream)
  • 45g sữa đặc có đường (2.5 tbsp condensed milk) – không nên thay bằng đường
  • 3g bột trà xanh (1.5 tsp matcha powder)
Bước 1: Cho kem tươi, sữa đặc và rây bột trà xanh vào âu, đánh tới khi kem bông cứng.

Bước 2: Chia kem vào các khuôn nhỏ. Bọc kín, để vào tủ đá trong 1 – 2 giờ, tới khi kem đông cứng hoàn toàn.

Bước 3: Nếu không có khuôn cake pop, bạn có thể đổ kem vào hộp, đợi kem đông thì dùng thìa múc kem để múc thành các viên tròn hay bán cầu.

2.2 Cách làm kem mochi matcha - Phần vỏ bánh mochi

  • 3g bột trà xanh (1.5 tsp matcha powder)
  • 20ml nước nóng
  • 100g bột nếp (3/4 cup glutinous rice flour)
  • 60g đường (1/4 cup + 1 tsp caster sugar)
  • 180ml sữa tươi không đường (3/4 cup milk)
  • 15g dầu ăn (1 tbsp cooking oil)
  • 30g bột ngô hoặc bột khoai hoặc bột bánh dẻo để chống dính (3 tbsp cornstarch/ potato starch)
Bước 4: Hoà bột trà xanh trong nước nóng, quấy cho bột trà xanh tan được càng nhiều càng tốt

Bước 5: Cho vào âu lớn bột nếp, đường, sữa tươi, dầu ăn và trà xanh ở bước (1), dùng phới lồng trộn đều tới khi bột tan hết. Lọc lại qua rây để loại bỏ các vụn bột bị vón cục.

Bước 6: Đổ bột vào bát dùng cho lò vi sóng, đậy bát bằng nắp hoặc nilon dùng cho lò vi sóng. Nấu bột trong lò vi sóng khoảng 2 phút ở mức 600 Watt. Lấy bột ra, trộn đều rồi cho vào lò vi sóng, quay thêm 50 – 90 giây. Bột chín sẽ mềm, dẻo, có màu hơi trong và khi nếm thử thì không thấy còn vị bột sống nữa.


Gia tài mochi của Bếp nằm trọn ở đây nè Tổng hợp video hướng dẫn làm các vị Mochi Nhật Bản, có nhiều món lạ và độc cực kỳ lun, các chị lưu lại dùng dần cho gia đình mình nhiều món bánh ngon nhé ;). Rất rất mong các chị em chia sẻ để gia tài này đầy thêm ạ :)
 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design