Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Điểm mặt những loại bánh không thể thiếu trong lễ Giáng sinh

Góp phần không nhỏ giúp không khí Giáng sinh thêm rộn ràng và hấp dẫn chính là sự góp mặt của những loại bánh thơm nồng nàn, những chiếc kẹo ngọt ngào và cả các loại đồ uống có nhiều ý nghĩa...


Và những loại bánh Giáng sinh này dường như không thể thiếu trong mỗi bàn tiệc hàng năm. Cùng điểm mặt những loại bánh không thể thiếu trong lễ Giáng sinh này nhé!!!

1, Bánh khúc cây – món bánh Giáng sinh truyền thống của Châu Âu

Tương truyền, chiếc bánh khúc cây ra đời khoảng năm 1875 khi một người thợ làm bánh người Pháp có sáng kiến làm chiếc bánh ngọt hình khúc cây cho đêm Giáng sinh thay cho… khúc gỗ thật. Và để làm chiếc bánh thêm sinh động, các thế hệ sau nghĩ ra thêm cách phủ lên đó hình ảnh của những cây thông, ông già Noel, thảm cỏ, người tuyết… khiến bạn liên tưởng đến một khu rừng đầy sắc màu.



Nói đến Giáng sinh thì chúng ta không thể quên món bánh khúc cây đặc biệt chỉ dành riêng cho dịp lễ đầy sắc màu này. Bánh có nguồn gốc từ Pháp với tên gọi “chính chủ” là Bûche de Noël, có ý nghĩa “khúc cây lễ Giáng sinh".

Theo một nguồn tài liệu khác, trong lễ hội Yule cổ xưa, người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn và đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời để thể hiện sự sùng bái thần linh. Nếu thân cây cháy trước lúc kết thúc lễ hội thì đó là báo hiệu một điềm chẳng lành cho cả năm.


Cũng có ý kiến cho rằng, theo tục lệ vào đêm trước Noel, người phương Tây thường vào rừng chặt một khúc cây lớn và đem về nhà làm lễ dâng rượu. Khúc cây được đặt trên lò sưởi, rắc thêm ít dầu, muối, rượu nóng và mọi người bắt đầu nghi thức cầu nguyện. Tương truyền rằng, tiếng lửa kêu tách tách và bột than từ khúc cây đã cháy này sẽ bảo vệ ngôi nhà khỏi thiên tai và sự xâm nhập của ma quỷ.

Dù ở khía cạnh nào thì sự ra đời của món bánh khúc cây nhân ngày Giáng sinh ít nhiều cũng mang ý nghĩa cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho gia chủ.

2, Kẹo chiếc gậy và nghĩa nghĩa thú vị của nó

Từ rất lâu, kẹo cây gậy đã trở thành món ăn không thể thiếu trong lễ Giáng sinh. Thuở ban đầu cây kẹo này có hình dáng thẳng và chỉ có màu trắng. Sau này kẹo được thêm những vằn đỏ, vị bạc hà và được uốn cong 1 đầu thành hình cây gậy như hiện nay.


Nếu lật ngược cây gậy theo bảng chữ cái tiếng anh, bạn sẽ thấy cây kẹo có hình chữ J, đó là chữ cái đầu tiên của tên chúa Jesus. Màu trắng muốt của kẹo biểu hiện cho sự xuất hiện của Đức Mẹ Đồng Trinh, sự trong trắng vô tội của Chúa. 

Độ cứng của kẹo biểu trưng cho ý chí sắt đá, nền tảng vững chắc của nhà thờ và lời hứa cao cả của Chúa. Những sọc nhỏ màu đỏ tượng trưng cho những giọt máu đau đớn mà Ðức Chúa phải chịu đựng trước khi ngài chết trên cây Thánh giá.

Chính vì vậy mà kẹo cây gậy Giáng sinh xuất hiện như một biểu tượng thiêng liêng, đồng thời giúp con người hướng đến cuộc sống thánh thiện, tốt đẹp hơn mỗi khi được thưởng thức, thể hiện tình yêu và sự hi sinh của Chúa Jesus.

Cách làm kẹo cũng khá đơn giản cho những ai có ý định tự thưởng thức hoặc tặng cho “nửa kia”. Bạn chỉ cần một chén đường, dầu bạc hà, vanilla và phẩm màu đỏ là đủ. Đầu tiên bạn nấu đường trên lửa vừa, khuấy liên tục đến khi sánh lại thì bắt ra khỏi bếp.


Cho ½  muỗng cà phê dầu bạc hà và 4 muỗng canh vani, khuấy đều. Chia hỗn hợp làm 2 phần, một phần để nguyên, một phần cho phẩm màu đỏ vào và khuấy cho đến khi hỗn hợp chuyển đỏ. Để 2 hỗn hợp nguội nhưng hơi âm ấm thì bắt đầu kéo kẹo. Bạn chập 2 hỗn hợp lại với nhau và xoắn như xoắn quẩy. Cuối cùng, bẻ cong một đầu kẹo để cho thành hình cây gậy nhé!

3, Bí mật của món “eggnog” từ xứ sở sương mù

Eggnog là loại cocktail được làm bằng kem, sữa, đường và lòng đỏ trứng, có thể kết hợp với hương với quế hay nhục đậu khấu, thêm rượu brandy, rum hay whiskey.


Eggnog được định nghĩa là “trứng trong một chén nhỏ”. Loại đồ uống này rất phổ biến tại nước Anh trong những năm 1800. Eggnog bắt nguồn từ tiếng Anh “posset”, loại đồ uống chứa rượu mạnh cùng với sữa và trứng. Người ta tin rằng “Nog” xuất phát từ chữ “đồ để đo lường”, đây là một cụm từ tiếng Trung dùng để mô tả một chiếc cốc nhỏ có quai bằng gỗ thường dùng để đựng rượu.

Tuy nhiên, eggnog đã vượt qua Đại Tây Dương và trở nên rất phổ biến ở châu Mỹ trong thế kỷ 18 với hương rượu rum, khi mà rượu vang và rượu mạnh đang bị đánh thuế nặng nề.

4, Bánh quy tặng ông già Noel

Theo truyền thống, vào đêm Giáng sinh,mỗi đứa trẻ luôn để một ít bánh quy và sữa trên bàn ăn như một cử chỉ nhằm bày tỏ sự biết ơn của mình đến ông già Noel đã phải đi một chặng đường xa xôi để mang quà tới cho mình.


Ngoài ra cũng tài liệu cho rằng, từ những năm 30, tục lệ để lại bánh cho ông già Santa Claus đã bắt đầu hình thành.Những đứa trẻ hư dùng chúng nhằm hối lộ ông già Noel cho nhiều quà hơn, còn những đứa trẻ ngoan thì xem đó như những món quà nhỏ mà các em dành tặng cho ông.

5, Bánh quy gừng (gingerbread)


Có rất nhiều tài liệu ghi chép các nguồn gốc khác nhau của bánh quy gừng. Theo đó, từ thời Hy Lạp cổ đại đã bắt đầu xuất hiện bánh quy gừng và người Ai Cập đã sử dụng nó cho các mục đích nghi lễ. Và trôi theo dòng thời gian đến thế kỷ 11, gingerbread “có mặt” ở châu Âu khi đoàn quân viễn chinh lấy cắp được công thức làm bánh từ Trung Đông, mang về cho đầu bếp của họ sử dụng. Cũng từ đó loại bánh này trở nên được ưa thích ở giới trung và thượng lưu bấy giờ.

Vài năm sau đó, gừng và các gia vị khác đã dễ tiếp cận hơn với công chúng, vì thế bánh gừng không còn là món bánh chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Một tài liệu đã ghi chép lại được công thức làm bánh ở châu Âu bao gồm hạnh nhân, vụn bánh mì cũ, nước hoa hồng, đường và gừng.


Vào thế kỷ 16, người Anh đã “cải tiến” công thức bánh bằng cách thay vụn bánh bằng bột, cho thêm trứng và đường phèn, kết quả là bánh đã trở nên nhẹ hơn rất nhiều. Nhằm thể hiện tình cảm với các chính khách nước ngoài, Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất đã dày công tìm tòi một loại bánh vừa đơn giản vừa độc đáo.Và bà đã làm ra chiếc bánh quy gừng hình người đầu tiên của nước Anh với ruy-băng đỏ vòng quanh cổ, tượng trưng cho biểu tượng của tình yêu.

6, Pavlova

Pavlova là món bánh được đặt theo tên một vũ công ballet người Nga tên là Anna Pavlova nhằm vinh danh cô khi đi lưu diễn ở Úc và New Zealand trong những năm 1920.

Cho đến nay, sau rất nhiều nghiên cứu, người ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc của pavlova là ở Úc hay New Zealand. Món bánh này được tiêu thụ rất nhiều trong các dịp lễ, đặc biệt là Giáng sinh, và đã được xếp vào một trong số những món ăn Giáng sinh phổ biến của cả 2 nước cùng với các món khác như trifle, salad khoai tây, bánh custard hay gà tây.

Vào mùa Giáng sinh, người ta sẽ trang trí bánh theo tông màu đỏ và trắng theo đúng tinh thần của ngày lễ này, cụ thể là sử dụng hạt lựu đỏ, dâu và các quả thuộc họ dâu khác để làm chiếc bánh trông đẹp mắt nhất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design